Tại sao lấy đất lúa tốt xây nhà máy ?

Tại sao lấy đất lúa tốt xây nhà máy ?
TP - Cánh đồng Cơn Bùi là vùng đất trồng lúa tốt nhất ở “vựa thóc Đậu Liêu” thuộc TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đang bị chính quyền địa phương dự kiến lấy 43 ha làm khu công nghiệp. Trong đó, hơn 13 ha đã được lên kế hoạch lấy để xây dựng một nhà máy kéo sợi...

>> Bảo vệ nghiêm ngặt đất sản xuất lúa tốt nhất

Tại sao lấy đất lúa tốt xây nhà máy ? ảnh 1
Cánh đồng Cơn Bùi nơi dự tính xây dựng nhà máy sợi  Ảnh: Quang Ngọc

Người dân chưa đồng thuận

Trong đề án “Phát triển lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2015 và 2020” đang được xây dựng, Bộ NN và PTNT kiến nghị bảo vệ nghiêm ngặt, lâu dài đất sản xuất lúa tốt nhất, không chuyển đổi sang bất cứ mục đích sử dụng nào khác.

Theo Bộ này, an ninh lương thực của Việt Nam sẽ được đảm bảo trên cơ sở phải giữ được ít nhất 3,9 triệu ha đất trồng lúa.

Ngày 10/6, đoàn đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh tiếp xúc cử tri xã Đậu Liêu. Nhiều cử tri yêu cầu: Chuyển nhà máy sang vị trí khác, nhất là trong tình hình an ninh lương thực đang được coi là một trong những vấn đề ưu tiên hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Chính ở xóm 7 cho biết: “Cánh đồng Cơn Bùi làm được 2 vụ lúa, cho năng suất cao. Vụ Đông Xuân này, dù gặp trận rét hại khốc liệt nhưng vẫn thu được năng suất hơn 6 tấn/ha”.

Ông Nguyễn Văn Đồng ở xóm 4, bị mù hai mắt nói: “Đồng Cơn Bùi có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh lại gần khu dân cư nên được ưu tiên chia cho những người khuyết tật như tôi và các gia đình chính sách mỗi hộ 500 m2 để cấy lúa.

Nay thu hồi làm nhà máy thì chúng tôi gặp khó khăn”. Ông Phạm Minh Điền ở xóm 5 bức xúc hơn: “Gia đình tôi có 8 nhân khẩu, sống nghề nông với hơn 4.000 m2 đất cấy lúa nên nghèo. Nay làm nhà máy, dự tính thu của tôi 1.616 m2 đất tốt nhất thì gia đình tôi sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nhiều băn khoăn

Lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh giải thích: Đặt nhà máy cọc sợi ở cánh đồng Cơn Bùi vì nơi đó đã được quy hoạch khu công nghiệp. Tuy nhiên, mọi quy hoạch đều có thể thay đổi khi đã có tầm nhìn xa hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Một địa phương đi lên hiện đại hóa phải xây dựng nhiều nhà máy nhưng không nên quên vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh lại nói: Chủ nhà máy sợi “muốn” vị trí đồng Cơn Bùi. Đến đây, bà con nông dân bức xúc thêm.

Theo Công văn số 1405 ngày 2/11/2007 của TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh có đề cập đến: Nhà máy sợi của Cty Cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh. Cty cổ phần này có vốn góp của 5 doanh nghiệp, lúc đó chưa ra đời. Cho đến nay, nông dân Đậu Liêu chưa hề được gặp đại diện của Cty Cổ phần.

Trong lúc, UBND tỉnh Hà Tĩnh và TX Hồng Lĩnh đã ra hàng loạt quyết định đầy mâu thuẫn liên quan đến đất xây nhà máy. Chẳng hạn, ngày 31/1/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định phê duyệt dự án san lấp mặt bằng để xây dựng nhà máy sợi nhưng hơn một tháng sau, ngày 5/3/2008 mới có quyết định thu hồi đất.

Phương án bồi thường tái định cư lập ngày 8/1/2008 lại căn cứ vào các quyết định ban hành sau đó nhiều tháng, gồm quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 31/1/2008 và 5/3/2008, quyết định của UBND TX Hồng Lĩnh ngày 10/3/2008.

Chính những điều này làm cho nhiều người băn khoăn.

Xin đặt ở nơi hợp lý hơn

Nông dân Đậu Liêu bức xúc không chỉ với hơn 13 ha xây nhà máy sợi. Theo quy hoạch, 43 ha đất làm lúa tốt nhất xã Đậu Liêu tại đồng Cơn Bùi sẽ thành đất công nghiệp. Kế hoạch sử dụng đất của UBND xã Đậu Liêu lại cho biết, từ 2000 đến 2006 đã có gần 50 ha đất làm lúa chuyển sang đất phi nông nghiệp. Và từ 2007 đến 2015 còn thêm khoảng 40 ha đất làm lúa thành đất giao thông, thủy lợi, trường học, nghĩa địa…

Lãnh đạo xã Đậu Liêu cũng lo lắng trước tình hình dân số không ngừng tăng lên mà đất làm lúa không ngừng thu hẹp lại nên đặt kế họach từ 2007 đến 2015 cải tạo khoảng 15 ha đất cằn cỗi sang làm lúa. Một câu hỏi đặt ra: Tại sao lấy đất “bờ xôi ruộng mật” để xây nhà máy rồi lại đầu tư tiền của để cải tạo đất xấu thành đất làm lúa?

Ông Phạm Trọng là cán bộ nông nghiệp xã Đậu Liêu hơn 30 năm qua, nói: “Nông dân xã Đậu Liêu biết ơn lãnh đạo địa phương đã vất vả mời gọi đầu tư và đều mong muốn có nhà máy mọc lên. Nhưng xin đặt ở nơi hợp lý hơn”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.