Tâm lý thị trường lạc quan: Giảm là cơ hội!

Tâm lý thị trường lạc quan: Giảm là cơ hội!
Đóng cửa tuần đầu tiên của năm 2010, VN-Index chứng kiến một phiên giảm mạnh nhất trong 17 phiên, nhưng niềm lạc quan chưa hề vơi đi.

Hầu như tất cả các CTCK vẫn nhìn nhận đây là sự điều chỉnh bình thường và thị trường càng sụt mạnh, càng tạo cơ hội cho người chậm chân và hoạt động cơ cấu danh mục.

Sau 15 phiên tăng điểm xấp xỉ 23%, không còn thấy phân tích nào nhắc đến những lo lắng của thời kỳ cuối năm 2009 nữa dù một số thông tin liên quan đến lãi suất vẫn còn. Một thực tế là chuyển biến vĩ mô vẫn không khác mấy thời điểm cuối năm, nhưng chỉ cần tâm lý thay đổi, quyết định của NĐT đã trở nên mạnh mẽ hơn.

Cuối tuần qua, hàng loạt thông tin tích cực tiếp tục được tung ra khiến niềm tin vào một khả năng điều chỉnh nhẹ càng được củng cố. Nối tiếp với suy đoán van tín dụng cho năm mới đã bắt đầu mở, các CTCK nối lại dịch vụ đòn bẩy tài chính, NHNN mới đây lại tung thêm trên 15.000 tỉ đồng qua thị trường mở làm lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh.

Ông Mark Mobius - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về các thị trường mới nổi - hôm 7.1 cũng trả lời kênh Bloomberg rằng quỹ của ông có thể sẽ “mua thêm CP đang đặc biệt rẻ tại những thị trường mới nổi như Việt Nam, Nigeria, Kazakhstan and Ukraine. Chúng tôi nhìn thấy một số cơ hội rất thú vị ở những thị trường này”.

NĐT nổi tiếng thế giới này đứng đầu quỹ đầu tư Templeton, quỹ đang có văn phòng tại 13 quốc gia trong đó có thị trường Việt Nam và quản lý 34 tỉ USD giá trị tài sản tại các thị trường mới nổi.

Trong nước, thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2009 tiếp tục được đưa ra với những con số ước tính rất tốt. Đa số DN công bố sớm đều có lãi cao, vượt kế hoạch. Trong tháng 1.2010, đây sẽ là thông tin hỗ trợ chính vì phản ánh chính xác hơn kỳ vọng của NĐT. Đặc biệt, các phân tích của CTCK đều nhấn mạnh đến tính thanh khoản như là một biểu hiện rõ rệt nhất của tâm lý thị trường cũng như sức mạnh của dòng tiền.

Nếu như suốt một tuần chạm đáy 430 điểm, khối lượng giao dịch bình quân chỉ đạt khoảng 36 triệu CP/phiên thì trong hai tuần trở lại đây đã là 55,1 triệu CP/phiên, tức là gấp rưỡi khối lượng tại đáy. Khối lượng giao dịch tăng cao cùng chiều với giá tăng trong thời gian dài như vậy là biểu hiện của sự tin tưởng vào khả năng phục hồi. “Thanh khoản của thị trường vẫn  ở mức rất tốt và thời  điểm công bố báo cáo kết quả kinh doanh của các DN cũng đến gần. Đây có lẽ sẽ là động lực để hỗ trợ thị trường trong thời gian tới”, CTCK FPT phân tích.

Điểm mấu chốt trong đợt phục hồi hơn nửa tháng qua là phiên ngày 8.1 khi VN-Index mất gần 13 điểm chỉ trong vòng vài phút cuối. Theo CTCK HSC, sự bán tháo diễn ra ở đợt cuối trên sàn HoSE dường như bắt nguồn từ những tin đồn là một số CTCK lớn đang bán ra CP và những tin đồn này đang ngày càng lan rộng. Tuy nhiên, sàn Hà Nội đã phục hồi trong 30 phút giao dịch cuối cùng cho thấy việc bán tháo này dựa trên lý do không có cơ sở.

Chuyên gia phân tích Johan Kruimer của HSC cũng cho rằng, đợt điều chỉnh  này cũng không có gì đáng phải bất ngờ do thị trường vừa trải qua một đợt tăng mạnh bắt đầu từ giữa tháng 12. Khối lượng giao dịch đạt cao cho thấy, thực tế ở mức hiện tại của hai chỉ số thì lực mua vào vẫn mạnh và kết luận hợp lý nhất có thể rút ra là nguy cơ cao nhất của việc NĐT lo ngại thị trường suy giảm vẫn chưa thể hiện.

“Về mặt kỹ thuật, các chỉ số nhận được sự hỗ trợ mạnh ở ngay dưới mức đóng cửa của phiên giao dịch ngày hôm nay và chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tăng trở lại trong tuần tới sau vài ngày điều chỉnh/lình sình nữa. Trong những ngày vừa qua không có nhiều thông tin vĩ mô hay chính sách tiền tệ đáng quan tâm và chúng tôi cho rằng, chỉ cần một chút tin tức tích cực cũng có thể đẩy thị trường đi lên” - chuyên gia này nhận xét.

Thống kê sơ bộ với 15 báo cáo phân tích của các CTCK, đa số nhận định về một khả năng điều chỉnh giảm đi ngang quanh mức 520 điểm của VN-Index là hoàn toàn bình thường. Dòng tiền vẫn tiếp tục vào thị trường sẽ ngăn khả năng giảm mạnh hơn. Do đó, giai đoạn tích lũy trong tuần tới là cơ hội để NĐT tăng tỉ trọng CP và cơ cấu lại danh mục, giảm tỉ trọng CP đã có lãi và mua vào những mã có triển vọng kết quả kinh doanh tốt sắp công bố.

Theo Hoàng Nguyên
Lao động

MỚI - NÓNG