Tan hoang doanh nghiệp Đà Nẵng

Tan hoang doanh nghiệp Đà Nẵng
Cơn bão số 6 đã đẩy nhiều doanh nghiệp (DN) ở miền Trung vào nguy cơ mất trắng sản nghiệp, kéo theo hàng chục ngàn lao động mất việc làm.
Tan hoang doanh nghiệp Đà Nẵng ảnh 1
Nhà xưởng chứa hàng ngàn chiếc xe máy tay ga bị bão giật sập mái - Ảnh: Đ.Nam

Nhà máy chế tạo cơ khí Haesun (Công ty Thực phẩm và đầu tư công nghệ miền Trung, Bộ Thương mại) đóng tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh là con chim đầu đàn của ngành công nghiệp Đà Nẵng.

Với doanh thu mỗi năm trên 200 tỉ đồng, nộp ngân sách 16 tỉ/năm, lúc cao điểm Nhà máy Haesun thu hút hơn 800 lao động có tay nghề cao vào làm việc. Thế nhưng khi cơn bão số 6 tràn qua, cả một nhà xưởng khổng lồ rộng 10.000m2 đã đổ sụp đè 1.700 xe máy tay ga (mỗi xe trị giá 25 triệu đồng) chuẩn bị xuất xưởng cùng tổng kho linh kiện.

Theo ông Nguyễn Thanh Phương - giám đốc Haesun: “Nếu tính thiệt hại khoảng 50% thì riêng phần xe máy và linh kiện đã hơn 60 tỉ đồng. Còn nếu tính tổng thiệt hại toàn nhà máy là hơn 150 tỉ đồng”.

Tại KCN Hòa Khánh, trong số các công ty có nhà xưởng bị sập đổ hoàn toàn có Nam Thái - một DN vừa và nhỏ chuyên sản xuất, gia công cơ khí, chế biến gỗ xuất khẩu. Ước tính thiệt hại của DN này trên 1 tỉ đồng chủ yếu là nhà xưởng, thế nhưng DN này lại không có bảo hiểm thiên tai.

“Đúng hơn là chúng tôi chưa kịp mua trở lại”, ông Thái Dũng - giám đốc Nam Thái - cho biết. “Nhà nước sớm có chính sách, giải pháp kịp thời giúp đỡ, nếu không một loạt DN vừa và nhỏ như chúng tôi sẽ phá sản ngay”, ông Dũng đề đạt.

Tương tự, Xí nghiệp Dược T.Ư 5 cũng đang đau đầu với số hàng hóa bị thiệt hại do bão lên đến gần 20 tỉ đồng. Ông Đinh Ngọc Đạm - giám đốc Công ty Cao su Đà Nẵng - cho biết toàn công ty thiệt hại chừng 29,5 tỉ đồng, chủ yếu là nhà xưởng và vật tư hóa chất bị hư hỏng.

Nhưng nặng nề nhất, nhiều khả năng phá sản là DN Kim Khánh Nguyên (100% vốn Đài Loan) đóng tại cụm công nghiệp Thanh Vinh. Bão khiến cơ sở của DN này hư hỏng hoàn toàn, thế nhưng do không mua bảo hiểm nên khó có khả năng tái thiết.

Ông Huỳnh Đức Thơ - phó BQL các KCN và chế xuất Đà Nẵng - cho biết năng lực tài chính của DN này hiện rất yếu, nên nhiều khả năng DN này “bỏ của chạy lấy người”.

Cần 1-4 tháng để gượng dậy

Theo BQL các KCN và chế xuất Đà Nẵng, cơn bão số 6 đã làm tê liệt hoạt động sản xuất của các DN đóng tại sáu KCN trên địa bàn, thiệt hại nặng nhất tập trung ở KCN Hòa Khánh và cụm công nghiệp Thanh Vinh. Ước tính tổng thiệt hại có thể lên đến vài trăm tỉ đồng.

“Các DN phải mất ít nhất 1-4 tháng mới có thể sửa chữa xong nhà xưởng”, ông Trần Văn Đông - phó trưởng BQL các KCN và chế xuất Đà Nẵng - cho biết. Đây là khoảng thời gian khó khăn của DN do có nhiều biến động về thị trường và lao động, nếu không tính toán kỹ và có giải pháp đối phó hiệu quả thì nguy cơ phá sản không tránh khỏi.

DN gặp khó cũng đã ảnh hưởng đến người lao động. Vì cơ sở hư hỏng nặng nên DN Haesun đã phải cắt giảm 300/500 lao động có tay nghề cao.

“Họ phải gián đoạn việc làm trong một năm. Nhưng liệu sau một năm số lao động này có quay lại với DN hay không? Nếu họ không quay lại thì việc sản xuất sẽ gặp khó khăn vô cùng bởi DN phải mất công sức đào tạo lại. Vì vậy bằng mọi cách phải giữ cho được số lao động này” - ông Nguyễn Thanh Phương trăn trở. Thế nhưng không phải DN nào cũng có thể làm được như Haesun.

Theo số liệu ước tính của BQL các KCN và chế xuất Đà Nẵng, có không dưới 20.000/35.000 công nhân bị gián đoạn việc làm và phần lớn số lao động này đã bỏ về quê ngay sau khi bão tan.

Nhiều DN cho rằng không thể gượng dậy nếu không có sự trợ giúp thông qua các biện pháp khoanh nợ, dãn nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng và miễn hoặc giảm tiền thuê đất trong một thời gian.

Theo Đăng Nam
Tuổi trẻ

Bảo Việt VN vừa mời các công ty giám định tổn thất độc lập quốc tế như Crawford, Cunningham, McLarens và Miller/Raco để giám định tổn thất của các khách hàng của Bảo Việt bị thiệt hại trong cơn bão số 6. Trong đó một số vụ có giá trị tổn thất lớn như Nhà máy xe máy Haesun 16 tỉ đồng, khu nghỉ mát Golden Sand, khu nghỉ mát Palm Garden 7 tỉ đồng và Công ty Ken Toy VN 7 tỉ đồng, Công ty Thuốc lá Đà Nẵng 5 tỉ đồng, Công ty Cao su Đà Nẵng 4 tỉ đồng…

Qua công tác giám định gần 70 đơn vị, ước tính ban đầu cho thấy mức độ tổn thất được bảo hiểm tại Bảo Việt khoảng 100 tỉ đồng. Bảo Việt cho biết hiện nay vẫn chưa có con số tổn thất chính xác vì hầu hết doanh nghiệp đang tập trung việc khắc phục hậu quả từ cơn bão nên chưa thể kê khai đầy đủ mức độ thiệt hại thực tế.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.