Tăng giá điện, giá cả sẽ leo thang?

Tăng giá điện, giá cả sẽ leo thang?
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng từ 1-12-2006. Bộ Công nghiệp đã trình phương án điều chỉnh giá điện chờ Chính phủ phê duyệt. Theo các chuyên gia, việc giá điện tăng chắc chắn sẽ kéo theo việc tăng giá của hàng loạt mặt hàng thiết yếu.

Trao đổi với phóng viên chiều 20-11, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải cho biết, bộ này đã có tờ trình phương án điều chỉnh giá điện lên Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Hải cho hay, Chính phủ vẫn chưa có quyết định chính thức về mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh giá điện.

Theo một nguồn tin, phương án điều chỉnh giá điện mà Bộ Công nghiệp trình Chính phủ có thể áp dụng ngay từ 1-12-2006 thay vì từ tháng 1-2007. Theo đó, giá điện bình quân có thể tăng 8,8% (từ 783 đồng/KWh lên 852 đồng/KWh).

Theo một quan chức của Tổng Công ty Điện lực VN (EVN), lý do đề xuất việc tăng giá vì hiện nay khoảng 50% sản lượng điện của EVN là mua từ các hộ sản xuất nằm ngoài tổng công ty với giá mua là 10 cent, trong khi giá bán bình quân cho các hộ tiêu dùng là 4,9 cent. Do vậy, EVN không thể duy trì việc bù lỗ kéo dài khi giá điện không tăng giá.

Từ phương án điều chỉnh giá điện này, Bộ Tài chính tính toán, việc bù lỗ cho ngành điện sẽ giảm khoảng 3%, tương đương 1.500 tỉ đồng/năm. Đồng thời, tỉ lệ tổn thất điện năng cũng giảm 0,2%/năm.

Bên cạnh đó, trong phương án điều chỉnh giá điện, liên bộ Tài chính - Công nghiệp còn đề nghị tăng mạnh giá bán điện cho sản xuất vào giờ cao điểm và giữ nguyên giá bán vào giờ bình thường và giờ thấp điểm. Điểm chú ý, do được bù chéo nên mức tăng đối với điện sinh hoạt sẽ không nhiều so với điện sản xuất.

Tăng giá điện gây phản ứng dây chuyền

Trước đó, tập đoàn Than và Khoáng sản VN (TKV) đã có kiến nghị tăng giá than đầu vào với 4 hộ sản xuất lớn là: phân bón, giấy, xi măng và điện.

Dự kiến, nếu được Chính phủ thông qua, việc tăng giá bán than đối với 4 hộ tiêu thụ lớn sẽ áp dụng từ quý IV/2006 và trong năm 2007.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả Ngô Trí Long, việc tăng giá điện ở mức 8,8% chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng giá thành sản xuất của nhiều mặt hàng thiết yếu như xi măng, sắt thép, hóa chất...

Tuy nhiên, việc tăng giá sẽ tùy thuộc vào đặc thù của từng loại sản phẩm do tỉ lệ tiêu hao điện năng trong chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Long cũng lo ngại, ngoài việc tác động trực tiếp đến đầu vào sản xuất, việc tăng giá điện còn tạo ra phản ứng dây chuyền và tâm lý “tăng giá” đồng loạt trên thị trường.

Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng Công ty Xi măng VN Nguyễn Bích Thủy cho hay, chi phí điện năng trong sản xuất xi măng là rất lớn. Để sản xuất 1 tấn xi măng phải tiêu hao hết 120 KWh. Với sản lượng toàn tổng công ty là 14 triệu tấn/năm, mức tăng giá điện bình quân 8,8%, ngành xi măng sẽ tăng chi phí sản xuất trên 100 tỉ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Thép VN Phạm Chí Cường cho rằng, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất thép vì sản lượng điện tiêu thụ trong ngành này rất lớn.

Và với mức tăng như phương án đề xuất của Bộ Công nghiệp, thì mức tăng giá thành của sản phẩm thép sẽ là 0,6%. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng hiện nay giá thép Trung Quốc đang ở mức thấp hơn giá trong nước nên ngành thép đành bấm bụng, không thể tăng giá bán sản phẩm mà chỉ còn cách giảm bớt chi phí và triệt để tiết kiệm điện năng.

Giám đốc Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao Quách Đình Diệu cho biết, việc tăng giá điện thêm 8,8% sẽ tăng đầu vào sản xuất phân bón khoảng 10%, do vậy, việc tăng giá sản phẩm này là khó tránh khỏi.

Giá điện tiêu dùng có thể tăng lên 620 đồng/KWh

Theo tờ trình điều chỉnh giá điện Bộ Công nghiệp trình Chính phủ, mức điều chỉnh đối với các hộ sử dụng dưới 100 KWh/tháng là 620 đồng/KWh, so với mức giá hiện nay là 550 đồng/KWh.

Đối với các hộ sử dụng dưới 400 KWh/tháng, giá 1.695 đồng/KWh, so với 1.400 đồng/kWh hiện nay. Các hộ sử dụng trên 400 KWh/tháng, mức giá sẽ là 1.780 đồng/KWh.

Bên cạnh đó, cũng theo tờ trình này, giá bán lẻ điện ưu đãi dành cho các hộ thuộc một số ngành sản xuất đặc thù: nước sạch, thủy nông, luyện thép, sản xuất phân bón... sẽ được điều chỉnh vào năm 2008.

Theo Người lao động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.