Tăng giá điện là không tránh khỏi !

Tăng giá điện là không tránh khỏi !
TPO - Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng việc điều chỉnh giá điện là không tránh khỏi. Trong quý 4/2008, Bộ này sẽ trình Chính phủ phương án tăng giá điện mới. Mức tăng như một số báo đưa gần đây là phương án giá điện của năm 2005.

>> Dùng trên 100 số là EVN đã có lãi !
>> Điện: Phải có luật kiểm soát độc quyền
>> PVN sẽ không làm chủ đầu tư cả 13 dự án điện

Tăng giá điện là không tránh khỏi ! ảnh 1

Trong quý IV/2008, Bộ Công Thương  sẽ trình Chính phủ phương án tăng giá điện mới. Ảnh : PV 

Tăng giá điện là không tránh khỏi ! ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại cuộc họp chiều 7/10. Ảnh: Phạm Tuyên

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định việc điều chỉnh giá điện có liên quan đến tất cả các tầng lớp người dân, liên quan đến sinh hoạt và sản xuất của doanh nghiệp.

Hiện chi phí của giá điện dù ở mức thấp nhưng vẫn chiếm tỉ lệ tương đối cao trong giá thành sản xuất của các sản phẩm khác như xi măng, giấy, phân bón. Có thể nói hầu như các sản phẩm đều có chi phí liên quan đến việc mua bán điện dù tỉ trọng có khác nhau.

Do yêu cầu của Chính phủ nên ngành điện trong thời gian vừa qua đã không tăng giá. Tuy nhiên nếu việc này kéo dài sẽ không phù hợp với cơ chế thị trường. Cùng với đó ngành điện cũng không có nguồn dôi dư để đầu tư cho các dự án điện thuộc tổng sơ đồ 6 đã được phê duyệt nên gặp rất nhiều khó khăn.

“Trước tình hình đó việc điều chỉnh giá điện là không tránh khỏi. Chúng ta đã có chủ trương từ năm 2004 - 2005 về tiếp tục xem xét điều chỉnh giá bán điện tiệm cận giá thị trường. Thủ tướng cũng giao EVN chuẩn bị phương án báo cáo tổ điều hành và Bộ Công Thương. Sau đó Bộ sẽ trao đổi, thống nhất phương án và báo cáo Chính phủ quyết định mức và thời điểm tăng giá điện cho phù hợp”- Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Phương án điều chỉnh giá điện phải đảm bảo một số nguyên tắc: Đầu tiên là phải tính bước điều chỉnh giá điện theo hướng thị trường và thực hiện kéo dài 1 – 2 năm chứ không thể làm ngay một lúc.

Biểu giá điện xây dựng phải ở mức hợp lý, cơ cấu giá điện cần đảm bảo thực hiện được chính sách xã hội của Chính phủ là bù giá đúng cho các đối tượng sử dụng điện là người nghèo, người có thu nhập thấp. Cùng với đó giá điện phải phản ánh đúng chi phí cho sản xuất kinh doanh điện đảm bảo doanh nghiệp có đủ thu bù chi và có lãi để đầu tư vào các công trình khác.

Việc điều chỉnh cũng phải tính đến các yếu tố liên quan như tính chi phí giá thành sản phẩm, yếu tố tác động đến xi măng, phân bón, giấy… và cả việc ảnh hưởng đến CPI như thế nào. Cùng với đó cần tính đến thời điểm áp dụng, cân nhắc các giai đoạn, thời điểm nhạy cảm.

Phương án cuối cùng sẽ do Chính phủ xem xét phê duyệt. Đi kèm đó là phương án điều hành quy định giá bán giờ cao điểm, thấp điểm ra sao, bù lỗ cho ngành điện thế nào.

“Tôi khẳng định EVN mới đang trình phương án và mấy hôm nữa Bộ Công Thương mới họp bàn và nghe ý kiến về các phương án EVN đã trình. Sau khi thống nhất phương án chúng tôi sẽ trình Chính phủ. Còn những thông tin báo chí đưa những ngày gần đây là phương án của năm 2005 mà Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương và EVN đã xây dựng. Những thông số, tính toán của phương án giá điện mới sẽ có nhiều thay đổi so với phương án trước đây. Vừa qua một số báo rất quan tâm đến vấn đề này nhưng do thông tin chưa đầy đủ nên chúng tôi cũng xin được nhận trách nhiệm là chưa thông tin đầy đủ cho báo chí để giúp định hướng dư luận”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu có khẳng định là giá điện sẽ tăng 20% trong khi hôm qua Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri lại bảo chưa có phương án tăng giá. Vậy ông có thể cho biết có hay không việc tăng giá điện?

Chính phủ đã có chủ trương các mặt hàng sẽ được thực hiện theo cơ chế giá thị trường với các lộ trình khác nhau. Hiện giá điện chưa theo giá thị trường nên việc điều chỉnh giá điện là nằm trong chương trình và kế hoạch của Chính phủ. Còn việc điều chỉnh thế nào, bao giờ áp dụng thì phụ thuộc vào phương án của Bộ Công Thương cùng tổ công tác liên ngành trình Chính phủ xem xét và quyết định.

Chúng ta sẽ thực hiện theo cơ chế giá thị trường nhưng có tính đến việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách và áp dụng như đối với giá xăng dầu. Về điện, định hướng và chủ trương thì như vậy còn thời điểm áp dụng cụ thể thì sẽ do Chính phủ quyết định.

Những mức giá điện mà các báo đăng tải gần đây là những con số mà trước đây Bộ Công nghiệp cũ đã trình Chính phủ từ năm 2005. Tôi cũng khẳng định EVN đang hoàn thiện đề án để trình Bộ Công Thương và tổ điều hành liên bộ

Theo quyết định này, giá điện bán lẻ bình quân cần được điều chỉnh lên mức 890 đồng/kwh từ 1/7/2008. Tuy nhiên do tình hình kinh tế cuối năm 2007 và năm 2008 có nhiều biến động bất lợi, để góp phần hạn chế lạm phát, Chính phủ đã quyết định không thực hiện tăng giá điện trong năm 2008 mặc dù điều này đã gây nên một số ảnh hưởng đến tình hình tài chính của ngành điện.

Song song với phương án do EVN xây dựng cũng có một phương án tăng giá điện khác do Cục Điều tiết điện lực xây dựng. Ông có thể cho biết về việc này?

Theo quy định phương án về điều chỉnh giá điện là do EVN là đơn vị xây dựng. Điều này do EVN là doanh nghiệp nhà nước và là đơn vị chiếm tỉ trọng cao nhất. Việc truyền tải cũng do EVN quản lý.

Còn Bộ Công Thương giao trách nhiệm cho Cục Điều tiết điện lực xem xét phương án của EVN và có kiến nghị về phương án của EVN. Cục cũng có quyền và trách nhiệm đưa ra ý kiến riêng của mình, tham mưu cho tổ công tác liên ngành về việc tăng giá điện. Cục Điều tiết cũng không có thẩm quyền lập phương án riêng trình Chính phủ.

Quý IV/2008 sẽ trình Chính phủ phương án tăng giá điện

Cùng với đề án tăng giá điện, tới đây Bộ Công Thương có trình Chính phủ phương án cơ cấu lại ngành điện hiện nay?

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chúng tôi được Chính phủ giao thực hiện chứ không chỉ có riêng việc sản xuất, cung ứng điện hay chất lượng điện, đầu tư các dự án điện. Một số nội dung đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ như cơ chế đầu tư của các đơn vị ngoài tập đoàn điện lực Việt Nam, các dự án BOT,  các dự án điện độc lập…

Hiện Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương ngoài việc chỉ đạo EVN xây dựng phương án điều chỉnh giá điện xem xét đề xuất việc tái cơ cấu ngành điện. Việc tái cơ cấu này liên quan đến việc sản xuất, truyền tải, phân phối và hệ thống quản lý của ngành điện. Chúng tôi cũng đang làm. Việc điều chỉnh giá điện hay tái cơ cấu ngành điện cũng chỉ là một phần việc trong kế hoạch tổng thể để tiến dần tới một thị trường điện đúng cơ chế của nó.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, biểu giá điện mà các báo chí nêu thời gian gần đây được xây dựng theo các số liệu của năm 2005, trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2006 và áp dụng từ 1/1/2007. Mức biểu giá điện này chưa được cập nhật sau hơn 3 năm.

Sau 2 năm áp dụng biểu giá điện này đã bộc lộ bất cập như chưa tách biệt được chi phí thực tế cho từng khâu phát, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện. Giá điện cũng chưa phản ánh được hết chi phí của các khâu, không có cơ chế điều chỉnh linh hoạt làm cho giá điện không theo kịp các biến động thông số đầu vào.

Vậy giá điện năm 2009 đã theo cơ chế thị trường?

Việc điều chỉnh giá điện là cực kỳ phức tạp, liên quan đến nhiều ban ngành nên cần cân nhắc, xem xét đầy đủ khía cạnh liên quan để khi trình Chính phủ là một phương án khả thi, được sự đồng thuận của người dân. Nếu việc tính toán không đầy đủ sẽ xảy ra việc điều chỉnh quá cao gây tác động lớn, xáo trộn đời sống, sản xuất của người dân.

Nếu điều chỉnh biên độ giá quá ít thì ý nghĩa không nhiều và lộ trình áp dụng giá điện theo thị trường bị kéo dài còn ngành điện không có lãi và không khuyến khích được nhà đầu tư.

Trong quý 4/2008 chúng tôi sẽ phải báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh giá điện. Còn thời điểm áp dụng cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định. Nếu áp dụng vào thời điểm nhạy cảm sẽ gây ra tác động rất lớn. Tôi chắc chắn trong phương án chúng tôi trình vào quý 4 tới, một trong những yếu tố mà Chính phủ sẽ phải cân nhắc đó là thời điểm áp dụng.

Liên quan đến việc EVN từ chối 13 dự án và sau đó tập đoàn dầu khí Việt Nam đã nhận làm các dự án này, Bộ trưởng có cho rằng đây là hành động “dỗi” của EVN để xin thêm vốn? Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc này?

Tôi không nghĩ doanh nghiệp nhà nước có quyền hay có quan điểm “dỗi” với Chính phủ. Việc EVN có văn bản xin rút lại 13 dự án, theo tôi EVN đã phải cân nhắc rất kỹ khi đưa ra đề nghị đó vì việc này ít nhiều sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của EVN do Chính phủ đã giao nhiệm vụ và sau một thời gian lại báo cáo không thực hiện được. Nhưng nguyên nhân là gì ? 

Theo tôi EVN sau khi tính toán đã nhận thấy không thể tiếp tục làm chủ đầu tư các dự án này. Vì vậy thà nói thật và báo cáo Chính phủ còn hơn là để như vậy và kéo dài việc đầu tư. Lúc đó sẽ tác hại hơn nhiều.

Tôi đánh giá về thái độ của EVN là nghiêm túc, tất nhiên cũng cần bàn đến trách nhiệm và vai trò của ngành điện. Tôi cho việc từ chối này đã là thái độ dũng cảm giúp Chính phủ có chủ động trong xem xét và điều chỉnh chủ đầu tư.

Chúng tôi cũng được Chính phủ giao tính toán nên giao 13 dự án này cho ai làm chủ đầu tư: giao cho doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, thực hiện dự án BOT hay 100% vốn nước ngoài. Chúng tôi đang thực hiện. Chúng tôi cũng hoan nghênh thái độ của tập đoàn dầu khí Việt Nam khi đứng ra nhận làm các dự án này. Còn việc thực hiện có khả thi hay không thì chúng tôi sẽ phải xem xét.

Xin cảm ơn ông

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết trong thời gian tới EVN sẽ có báo cáo chính thức về việc trả lại 13 dự án điện. Còn ý kiến người dân dùng càng nhiều thì EVN càng lãi là không phải.

Hiện nhà máy nhiệt điện Sơn Động do Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành thì họ đề nghị bán cho EVN với giá 720 đồng/kwh. Giá điện sản xuất công nghiệp chúng tôi đang bán là 785 đồng/kwh. Vậy thì nếu mua với giá 720 đồng và cộng chi phí truyền tải thì chúng tôi bị lỗ.

Ví dụ với giá điện mua của nhà máy ở bên Lào với mức giá do Thủ tướng chính phủ duyệt ở mức 4,3 cent/kwh cộng thêm tỉ lệ trượt giá của một năm thì tính ra cỡ khoảng 720 đến 730 đồng/kwh. Mức giá này cộng thêm giá truyền tải và bán cho hộ tiêu thụ thì sẽ rất cao. Nếu bán mức giá điện công nghiệp với các phụ tải lớn như xi măng, sắt thép thì EVN cũng bị lỗ lớn.

MỚI - NÓNG