Tăng giá điện sẽ làm giảm GDP

Tăng giá điện sẽ làm giảm GDP
Nhóm nghiên cứu CEPR, Trung tâm Nghiên cứu và chính sách của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa hoàn thành dự án nghiên cứu ước lượng của tăng giá điện lên chi tiêu hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế.
Tăng giá điện sẽ làm giảm GDP ảnh 1

Tăng giá điện, không chỉ đời sống của dân nghèo mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng bị ảnh hưởng.

Theo nghiên cứu này, nếu Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tăng giá điện, không chỉ đời sống của dân nghèo mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng bị ảnh hưởng.

Buổi công bố kết quả nghiên cứu do Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) tổ chức chiều 24/10 tại Hà Nội đã trở thành buổi tọa đàm “nóng” của giới nghiên cứu khoa học và các chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề độc quyền của ngành điện dẫn đến việc EVN đề nghị tăng giá điện và đòi chia thưởng. EVN thật sự có lỗ không và có cần thiết tăng giá điện hay không?

Giá điện tăng, GDP sẽ giảm, CPI tăng

TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc trung tâm (trưởng nhóm nghiên cứu), cho biết nhóm đã nghiên cứu cả ba kịch bản tăng giá điện với các mức 0%, 10% và 20%.

Cụ thể, với cả phương án tăng khu vực tiêu dùng 20%, giữ nguyên khu vực sản xuất, tăng khu vực tiêu dùng 20%, khu vực sản xuất 10%; và phương án tăng trung bình 20% cho cả khu vực tiêu dùng và sản xuất, kết quả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đều giảm và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng.

Theo nhóm nghiên cứu, EVN chiếm 74% sản lượng điện sản xuất, chiếm 100% về truyền tải và 94% về phân phối điện trên cả nước. Do đó, EVN chi phối hoàn toàn ngành điện. Thực chất ngành điện không hề thiếu vốn và lợi nhuận cũng không hề thấp.

Bằng chứng là EVN vẫn có khả năng đầu tư mạnh vào những ngành thâm dụng vốn (như viễn thông, tài chính...). Ngành điện vừa ở vào thế độc quyền, vừa chưa có những báo cáo minh bạch về tình hình tài chính nội bộ, nên việc tăng giá điện có thể bắt nguồn chủ yếu từ sức mạnh độc quyền đặt giá, thay vì những khó khăn thật sự về tài chính như vẫn được nêu ra.

Việc sản lượng không tăng đủ nhanh để đáp ứng kịp nhu cầu cũng như tốc độ mở rộng sản xuất chậm có thể bắt nguồn từ hiệu quả tổ chức - quản lý thấp do thiếu cạnh tranh trong nội bộ ngành, chứ không phải vì giá điện thấp.

Việc đẩy giá điện trong nước lên ngang bằng khu vực là chưa hợp lý vì trong cấu trúc chi phí của ngành, có nhiều loại chi phí thấp hơn các nước khác trong khu vực (như giá nhân công, nguyên liệu).

Chia nhỏ EVN

Qua đánh giá số liệu và so sánh với các nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu CEPR khẳng định chỉ cần cải thiện mức năng suất 2%/năm thì không những không cần tăng giá mà có thể hạ giá điện xuống 2%.

Điều này có thể nhận thấy ở các ngành: càng tăng trưởng mạnh thì giá thành sản phẩm càng giảm (như cước viễn thông liên tục giảm trong nhiều năm).

Vì vậy, theo TS Nguyễn Đức Thành, vấn đề của ngành điện là phải cải thiện ở phía cung chứ không phải tăng giá ở phía cầu.

Từ nghiên cứu của nhóm CEPR, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trung nhấn mạnh nguyên lý của sản xuất - kinh doanh là không được bắt người tiêu dùng phải tích lũy vốn cho nhà sản xuất để mở rộng, đầu tư.

Cách đặt vấn đề tăng giá để đủ bù đắp chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh là không ổn. Nhà sản xuất phải tự bỏ vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Vì vậy, ông Trung cho rằng trước khi tăng giá, ngành điện không nên nói một chiều mà nên công khai đã làm gì để giảm giá trước khi nói đến tăng giá.

TS Nguyễn Quang A, viện trưởng IDS, nhấn mạnh: “Người dân quan tâm nhất là thật sự EVN có cần tăng giá không? Vấn đề này có do độc quyền tạo nên? Nếu thật sự mang tinh thần phục vụ của một tập đoàn nhiều năm được ngân sách ưu ái, EVN cần công khai các số liệu, thưởng phạt những năm qua. Rồi một cơ quan kiểm tra độc lập vào cuộc”.

Ở góc độ người tiêu dùng, bà Trương Thị Thúy Hằng - Học viện Quản lý giáo dục - nhấn mạnh phải có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng vì hiện nay EVN còn độc quyền cả việc giám sát việc tính giá điện với người tiêu dùng mà không ai kiểm soát được độ trung thực chính xác trong các côngtơ điện. Bản thân bà đã nhiều lần bị sai số nhưng không có cơ chế nào để tự bảo vệ mình “vô tội”.

TS Nguyễn Quang A cho rằng trước mắt cần yêu cầu EVN công khai nhưng lâu dài, phải chia nhỏ tập đoàn này theo đúng chiến lược phát triển ngành điện. Tuy vậy, thời gian tách khâu phân phối điện ra khỏi EVN cần được làm càng sớm càng tốt.

Tác động của việc tăng giá điện lên GDP

Phương án 1

Ðiện tiêu dùng: tăng 20%

GDP giảm: 0,04%

CPI tăng: 0,13%

Sản xuất: không tăng

Phương án 2

Ðiện tiêu dùng: tăng 20%

GDP giảm: 0,15%

CPI tăng: 0,73%

Sản xuất: tăng 10%

Phương án 3

Ðiện tiêu dùng: tăng 20%

GDP giảm: 0,16%

CPI tăng: 1,25%

Sản xuất: tăng 20%

Theo Cẩm Văn Kình - Nguyễn Vũ
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.