Tăng giá điện trên 10% là không hợp lý

Tăng giá điện trên 10% là không hợp lý
TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thị trường giá cả, đánh giá như vậy khi trao đổi về phương án đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực VN. Theo ông, nên lùi việc tăng giá điện đến hết tháng 3-2010
Tăng giá điện trên 10% là không hợp lý ảnh 1
TS Vũ Đình Ánh

Ông có bình luận gì về việc mới đây Tập đoàn Điện lực VN (EVN) dự định đề xuất tăng giá điện từ ngày 1-2, sớm hơn một tháng so với lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt?

- TS Vũ Đình Ánh: Theo tôi, tốt nhất nên lùi việc tăng giá điện đến hết tháng 3-2010. Đó là thời điểm đã có số liệu về chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) của 2 tháng đầu năm. Đến thời điểm này, Tổng cục Thống kê chưa công bố CPI tháng 1 nhưng mức này khoảng dưới 1,5%. Thông thường, CPI của tháng Tết mới tăng cao. Thời điểm lấy các thông số đầu vào để phân tích CPI là ngày 25 và ngày 5 hằng tháng. Năm nay, thời điểm lấy thông số rơi vào đúng Tết Nguyên đán nên chắc chắn CPI của tháng 2 sẽ rất cao. Vì thế, phải nhìn vào con số này mà tính toán thời điểm và mức tăng giá điện.

Mức tăng của EVN đề xuất cao nhất gần 14% so với giá điện bình quân năm 2009, thấp nhất là hơn 6%. Sau khi thẩm tra, Tổ Điều hành giá bán điện đề xuất 3 phương án, cao nhất là tăng 11%, thấp nhất tăng gần 5%. Mức tăng nào là hợp lý, thưa ông?

- Áp lực tăng giá điện rất cao trong những năm trở lại đây nhưng năm 2008, Chính phủ đã không đồng ý cho tăng. Nguyên nhân là do dự báo lạm phát năm 2008 sẽ lên đến hơn 20%, mức kỷ lục trong vòng 10 năm.

Sang năm 2009, với mục tiêu giữ lạm phát 15%, Chính phủ mới cho phép tăng giá điện 8,12% so với mức giá bình quân của năm trước, bắt đầu từ ngày 1-3. Còn bối cảnh của năm 2010 khác hẳn, lạm phát dự kiến tăng 7%, chỉ bằng 50% của năm trước nhưng lại có phương án đề xuất tăng giá điện trên 10% là không hợp lý. Theo tôi, cần cân nhắc lại về mức tăng giá điện.

Như vậy việc tăng giá điện sẽ tác động như thế nào đến mặt bằng giá chung?

Tăng giá điện chắc chắn tác động ngay đến hai yếu tố, đó là làm tăng CPI và giảm tăng trưởng, tức là tác động đến cả hai mục tiêu của năm 2010 nhưng đến mức độ nào thì phụ thuộc vào mức độ tăng giá điện cụ thể.

Trước đây, đã có phép tính tác động của tăng giá điện đối với vòng quay của nền kinh tế, làm tăng CPI bao nhiêu, giảm tăng trưởng bao nhiêu... nhưng cách tính này chưa thuyết phục vì không ai kiểm chứng được đúng hay sai. Và bây giờ, khi tăng giá điện, người ta không chú ý phân tích các con số này nữa.

Trong bối cảnh không thể không tăng giá điện, biện pháp quản lý giá phải thực hiện thế nào để tránh việc tăng giá đồng loạt những mặt hàng khác?

Các bộ - ngành đang tập trung tìm các biện pháp bình ổn giá. Việc sửa đổi Thông tư 104 của Bộ Tài chính về bình ổn giá là cần thiết nhưng đó mới là quản lý mức tăng giá, còn một “vế” cần thiết của công tác bình ổn giá là quản lý mức giá nhưng chưa được làm rõ.

Trong chuyện giá sữa, giá điện, vấn đề đáng quan tâm hơn là mức giá đã hợp lý hay chưa. Doanh nghiệp nhập sữa về bán gấp đôi giá gốc thì không thể coi là mức giá hợp lý. Nếu không làm rõ mức giá bán mà chỉ đi “chặn” các đợt tăng giá thì không quản được.

Theo tôi, trường hợp giá nhập khẩu chỉ có 5 đồng mà bán 10 đồng thì có thể quy vào tội xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng chứ không phải là tội làm mất ổn định thị trường.

Quy buộc như thế mới bảo vệ được người tiêu dùng và tìm được công cụ bảo vệ thị trường, bảo đảm duy trì tốc độ lạm phát, đồng thời quản lý được mức giá để tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng. Nếu để giá cả các mặt hàng thiết yếu đầu vào leo thang vô lý sẽ làm hệ thống giá khác méo mó đi. Lúc đó, nền kinh tế sẽ tăng trưởng không bền vững. Câu chuyện giá điện cũng vậy, cần xem giá thành đã hợp lý chưa rồi mới xét đến mức tăng giá bao nhiêu.

Theo Tô Hà
Người lao động

MỚI - NÓNG