Lộ trình giá mặt hàng trọng điểm 2008:

Tăng giá và tác động tăng giá

Tăng giá và tác động tăng giá
Năm 2007 nền kinh tế VN chịu lạm phát lớn, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao. Tuy nhiên, theo lộ trình điều hành giá cả thì năm 2008, mức tăng này có thể vẫn là báo động đỏ.
Tăng giá và tác động tăng giá ảnh 1
Tăng giá sẽ là nhịp điệu chủ đạo của thị trường năm 2008.

Nguyên nhân là do Nhà nước và DN điều hành giá xăng hoàn toàn theo cơ chế thị trường (CCTT); xoá bù lỗ dầu; đồng thời tăng giá bán than, điện theo lộ trình.

Giá "thả nổi"

Nói về vấn đề chơ chế thị trường (CCTT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định:

Năm 2008 sẽ là năm tiếp tục thực hiện lộ trình xoá bao cấp về giá. Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta xây dựng nền kinh tế theo CCTT thì phải chấp nhận ảnh hưởng giá cả của TT thế giới. Ví dụ giá dầu thế giới tăng thì chúng ta cũng buộc phải điều chỉnh giá bán xăng lên.

Chỉ riêng bù lỗ giá dầu năm 2007 đã lên tới 10.000 tỉ đồng. Trong 10.000 tỉ đồng thì chúng ta mới có hơn 4.000 tỉ đồng cho tạm ứng để bù lỗ, còn 6.000 tỉ đồng còn lại chưa có nguồn bù đắp. Nếu tiếp tục bù lỗ sẽ rất khó khăn cho ngân sách.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc "thả nổi" giá theo CCTT là bước đi cần thiết để không chỉ VN hội nhập sâu WTO; mà còn là bước đi nhằm tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế này theo hướng hội nhập và minh bạch về giá.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội vừa qua, đã đến lúc nền kinh tế VN không thể điều hành bằng mệnh lệnh hành chính.

Đặc biệt, các chuyên gia cũng cảnh báo: Với mệnh lệnh hành chính, sự vận hành TT sẽ bị méo mó; từ đó càng khiến cho chính sách điều hành thêm khó khăn.

Với chủ trương đã được xác định này, năm 2008 VN chấp nhận bước vào sân chơi sòng phẳng hơn về giá. Cụ thể, Nhà nước và DN sẽ cùng có chính sách cởi mở hơn trong kinh doanh và điều hành giá xăng. Đặc biệt theo lộ trình thì mặt hàng dầu cũng được xoá bao cấp, bù lỗ giá. Đối với mặt hàng than và điện, Nhà nước cũng như DN đã sẵn sàng cho lộ trình tăng giá.

Cần những bước đi thận trọng

Theo tính toán của các chuyên gia, hiện nay bất cập của kinh doanh xăng chính là cơ chế "bao cấp ngược". Cụ thể Nhà nước và DN phải bù lỗ; người không sử dụng bao cấp cho người sử dụng xăng; thị trường trong nước bao cấp cho thị trường buôn lậu ven biên giới; thậm chí ngân sách nhà nước bao cấp cho các DN nước ngoài tại VN sử dụng xăng dầu...

Để xoá bỏ sự bao cấp này, giá xăng sẽ tăng ở mức đến 3.000đ/lít; giá dầu cũng sẽ tăng khoảng dưới 3.000đ/lít mới có thể tiếp cận với CCTT cũng như tương quan với giá thế giới...

Theo các chuyên gia kinh tế, rõ ràng tăng giá sẽ là nhịp điệu chủ đạo của thị trường năm 2008; điều đó đồng nghĩa đời sống người dân bị ảnh hưởng.

Vì thế các chuyên gia cho rằng dù đã có lộ trình; song nhịp điệu tăng giá vẫn cần bàn tay điều hành thận trọng và linh hoạt.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, nếu không thận trọng, tăng giá và tác động tăng giá sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát, nền kinh tế có thể sụp đổ.

Còn ông Tuấn Anh (Bộ Công Thương) thì phân tích: Năm 2007, lộ trình tăng giá than, điện đã chậm lại; chính sách xoá bù lỗ dầu cũng tạm thời chưa thực hiện. Năm 2008, các nhà điều hành vẫn chịu sức ép 2 chiều là vừa thực hiện lộ trình này; vừa phải cân nhắc tránh ảnh hưởng lớn đối với đời sống người dân.

Từ đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần thực hiện cụ thể và rõ ràng hơn giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Để thực hiện điều này, nhất thiết cơ chế giá sẽ hoàn toàn phải theo CCTT.

Điều này sẽ đưa TT về đúng giá trị; DN hạch toán lành mạnh. Chỉ như thế chính sách điều hành mới đúng quy luật và sát thực tế. Đặc biệt, Nhà nước sẽ có được khoản tiền lớn từ nguồn kinh phí bù lỗ hàng năm để thực hiện những chính sách hỗ trợ đúng địa chỉ cho người nghèo, ngư dân và nông dân một cách hiệu quả hơn.

Với "phác thảo" này, các chuyên gia nhận định năm 2008 cũng sẽ chính là "lộ trình" sát hạch DN khi tuân thủ đầu đủ quy luật của CCTT.

Theo Phạm Anh - Minh Đồng
 Lao động

MỚI - NÓNG