Tăng giá xăng dầu: Các doanh nghiệp lao đao

Tăng giá xăng dầu: Các doanh nghiệp lao đao
Xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp vận tải lao đao, cước vận tải ô tô sẽ được điều tiết theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, theo thông tin từ Tổng công ty vận tải HN, sẽ chưa tăng vé xe bus.

Ngay trong ngày đầu tăng giá xăng dầu nhiều người dân tại Hà Nội đã quyết định đi xe buýt thay vì đi xe máy như trước.

Ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho biết, trước mắt trong năm 2005, giá cước đi xe buýt sẽ chưa thay đổi cho dù ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đến hoạt động vận tải hành khách công cộng là rất lớn.

Để đáp ứng nhu cầu đi xe buýt dự kiến sẽ tăng cao, ông Dũng cho biết, hiện Tổng Cty đã chuẩn bị 152 xe buýt sẵn sàng đưa vào hoạt động trong tháng 8/2005.

Tổng Cty đã trình lên Sở GTCC Hà Nội phương án thành lập 10 tuyến buýt mới. Khi được chấp thuận, số xe trên sẽ được đưa ngay vào khai thác. Theo kế hoạch, năm 2005, Tổng Cty sẽ đưa 200 xe buýt mới vào hoạt động.

Cước vận tải ô tô sẽ được điều tiết theo cơ chế thị trường

“Chúng tôi đã tiên đoán được vấn đề. Thứ bảy này Hiệp hội sẽ họp bàn về vấn đề cước vận tải trong bối cảnh tăng giá xăng dầu.” - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nói.

Theo ông Hùng, trong tuần, Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép ngành vận tải ô tô thực hiện cơ chế giá theo Pháp lệnh giá.

Có nghĩa là, giá vận tải sẽ chịu điều tiết của cơ chế thị trường trên cơ sở sự thỏa thuận giữa DN vận tải và khách hàng.

Tuy nhiên Hiệp hội cũng sẽ bàn với các DN đưa ra giải pháp phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động vận tải, ảnh hưởng đến khách hàng cũng như tránh tình trạng lợi dụng tăng cước vận tải theo giá xăng dầu để tăng lợi nhuận.

TPHCM: Các doanh nghiệp vận tải lao đao!

Theo một số DN, với mức tăng như hiện nay, hoạt động vận tải sẽ không có lãi nếu như không kịp thời điều chỉnh cước phí. Trong tình hình hiện nay, giá cước phải tăng từ 15 –20% (khoảng 4 –5 nghìn đồng/tấn) mới đảm bảo cho hoạt động này.

Tuy nhiên, với xu thế cạnh tranh ngày càng  gắt, nhiều DN cho biết sẽ tính toán mức giá hợp lý nhất mà khách hàng có thể chấp nhận.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lự, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải TPHCM ngay trong chiều nay (4/7), Hiệp hội sẽ họp để thống nhất mức tăng cước phí chuyên chở và kiến nghị cơ quan chức năng cho áp dụng.  

Tăng giá xăng dầu: Các doanh nghiệp lao đao ảnh 1

Dệt may, da giày cũng bị ảnh hưởng

Dự báo trong thời gian tới hai ngành này sẽ rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn khi giá xăng dầu tiếp tục tăng.

Ông Nguyễn Thế Vinh- Phó TGĐ Cty dệt Thắng Lợi (Vigatexco) cho biết, bình quân mỗi tháng Vigatexco tiêu thụ 300.000-400.000 tấn dầu FO, chi phí cho dầu FO chiếm 15-20% giá thành sản xuất của Cty. 

Ở lần tăng giá xăng dầu cuối tháng 3/2005, giá thành phẩm của Cty đã tăng khoảng 5%. Trong lần tăng giá xăng dầu này, mặc dù chưa thể tính toán được giá thành sẽ tăng thêm bao nhiêu, song chắc chắn chúng tôi sẽ phải gánh thêm nhiều khó khăn, vì trong tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay, chúng tôi không thể tăng giá bán sản phẩm.

Theo ông Vũ Đức Thịnh, TGĐ TCty Dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã thu hẹp sản xuất, riêng đối với những đơn vị trực thuộc Vinatex vẫn phải duy trì sản xuất nhưng phải cắt giảm tối đa về lợi nhuận cũng như khấu hao, và kể cả thu nhập của người lao động.

Ông TGĐ Vinatex còn cảnh báo về tình trạng thụt lùi của ngành dệt may. Theo ông Thịnh, vì chi phí đầu vào tăng mạnh, trong khi các chính sách hỗ trợ xuất khẩu không có khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn về vốn.

Để duy trì sản xuất, rất nhiều doanh nghiệp phải chọn giải pháp quay trở lại làm gia công như những năm 1990-1992 của thế kỷ trước.   

MỚI - NÓNG