Tăng lãi suất, các ngân hàng có “hút” được tiền gửi ?

Tăng lãi suất, các ngân hàng có “hút” được tiền gửi ?
Thị trường nhà đất trầm lắng, giá vàng thất thường, thị trường chứng khoán chưa sôi động... Lựa chọn tối ưu của người dân lúc này là đưa tiền nhàn rỗi gửi vào “nhà băng” giữ hộ?

Theo thống kê chung, lượng tiền gửi vào các NHTM từ bộ phận dân cư nhàn rỗi đang chiếm khoảng 40 - 50%. Trong quý I/2005, lượng tiền gửi vào các NHTM vẫn tăng trưởng trung bình vài phần trăm.

“Do người dân hiện nay đã có nhiều kênh đầu tư để lựa chọn ( mua cổ phần của các Cty CPH, nhà đất trong khu CN, thị trường chứng khoán...) nên kiểu gửi tiền “truyền thống” vào ngân hàng không quá mấy hấp dẫn. Tuy nhiên, nó vẫn là sự lựa chọn số 1 cho những người không ưa mạo hiểm”-  Phó Tổng giám đốc NH Công thương - Trịnh Công Thắng khẳng định.

Cụ thể hơn, ông dẫn chứng: “Quý I/2005 , huy động vốn của NH Công thương tăng hơn 4% tiền gửi trong dân cư; sang tháng 4 này, sau khi tăng LS, NH Công thương dự kiến lượng tiền gửi sẽ tiếp tục tăng”.

Muốn thu hút người dân đến gửi tiền, toàn bộ hệ thống NH sẽ tăng lãi suất? Tuần qua, việc tăng lãi suất của 4 ngân hàng lớn: Nông nghiệp, Ngoại thương, Công thương, Đầu tư đã tạo phản ứng dây chuyền trong các NHTM cổ phần.

Theo đó, lãi suất tiền gửi VNĐ của các NH cổ phần  Đông Á, Eximbank, Quốc tế Vibank, ACB... đều nhất loạt tăng ít nhất 0,625%/tháng kỳ hạn 3 tháng; 0,67%/tháng kỳ hạn 6 tháng; 0,7%/tháng kỳ hạn 1 năm. Tuy nhiên cũng có NH “con” đang khá chần chừ.

Tại NH Habubank (thuộc Tổng Cty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội), bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc cho biết: “Ban lãnh đạo vẫn đang khá băn khoăn vì từ đầu năm đến nay, tình hình huy động vốn của Habubank diễn ra tương đối tốt. Tăng LS, NH sẽ phải chịu áp lực cổ đông và lợi nhuận phải chia. Tuy nhiên, LS cũng là thị trường, nếu các NH đã quyết định tăng thì chúng tôi cũng sẽ phải cân nhắc nếu không sẽ khó mời gọi được người dân”.

Nên đầu tư vào đâu?

Giá xăng đã tăng, nhiều mặt hàng như sắt thép, vật liệu xây dựng, thực phẩm được dự báo: khó tránh khỏi “vòng xoáy” tăng giá của thị trường từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản sau 3 tháng ban hành khung giá đất mới vẫn đang khá trầm lắng, chưa có dấu hiệu sẽ hồi phục trong thời gian tới.

Như vậy, nếu có tiền người dân chỉ còn sự lựa chọn: trữ tiền vàng, gửi tiết kiệm, hay đầu tư vào thị trường chứng khoán, mua bán cổ phần. Tuy nhiên, vào thời điểm này sau 3 phiên giao dịch bán cổ phần khá thành công tại TTGDCK Hà Nội, việc TT “tạm đóng cửa” chờ hàng khiến thị trường này đang lắng xuống.

“Ít nhất phải sang quý III/2005 khi một số Cty lên sàn niêm yết và việc CPH được thúc đẩy quyết liệt hơn thì các nhà đầu tư là những người dân mới chú tâm vào hình thức này”  - Một chuyên gia chứng khoán cho hay.

Với vàng, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Cty kinh doanh vàng thương hiệu 3 chữ A (thuộc NH NN&PTNT ) chia sẻ: “Do giá vàng liên tục bất ổn từ cuối năm ngoái trở lại đây (trước Tết lên cao nhất 865 ngàn đồng/chỉ, sau Tết có lúc xuống tới 802 ngàn đồng/chỉ, hiện khoảng 832 ngàn đồng/chỉ) nên từ đầu năm đến nay vàng không còn là mặt hàng hấp dẫn người dân.

Tuy nhiên, vẫn có một hình thức huy động vàng rất tốt: đó là gửi tiết kiệm bằng vàng với lãi suất 0,21% - 0,26%/tháng cho kỳ hạn 6 tháng và 1 năm ( các NH: NN&PTNT, ACB, Việt Á đang áp dụng).

Theo ông Trúc, chỉ riêng tháng 3/2005, luợng vàng gửi vào NHNN&PTNT đã  tăng thêm 1.000 lượng (trung bình 1 năm NH nhận khoảng 15.000 lượng vàng gửi). Mặc dù luôn biến động phức tạp theo tỷ giá USD, Euro và LS của Cục dự trữ Liên bang Mỹ nhưng ông Trúc nhận định: “Tới đây nếu Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế bán vàng ra để bù đắp chênh lệch cho một số nước nghèo thì giá vàng sẽ còn hạ”. 

Hầu hết các chuyên gia kinh tế khi được hỏi đều có chung một câu trả lời : “Diễn biến thị truờng như vậy, người dân nên lựa chọn hình thức đầu tư gửi tiết kiệm (bằng VNĐ hoặc USD đều được). Tuy lợi nhuận không lớn nhưng khả năng an toàn cao”.

MỚI - NÓNG