Tăng lãi suất vì giá cổ phiếu?

Tăng lãi suất vì giá cổ phiếu?
Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 7 này, Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo Thủ tướng về một số nội dung liên quan tới hoạt động ngân hàng, đặc biệt là xu hướng tăng lãi suất hiện nay. 

Đây đang là vấn đề thời sự trong lĩnh vực ngân hàng, khi trong hơn một tuần qua, rất nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vốn. Điều đáng nói là, lãi suất tăng trong điều kiện nguồn vốn tỏ ra vẫn khá dư dật.

Lãi suất huy động tăng đang gây một sức ép nhất định lên lãi suất cho vay và nhiều người quan ngại rằng, điều này có thể ảnh hưởng tới đầu tư, bởi gánh nặng lãi suất của các doanh nghiệp vay vốn sẽ tăng lên.

Trong diễn biến của thị trường tiền tệ, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản của mình thêm 0,25 điểm phần trăm, nhiều ngân hàng trong nước cũng điều chỉnh lãi suất huy động bằng USD lên mặt bằng lãi suất mới.

Nhưng điều đáng nói là, lãi suất huy động VND cũng được điều chỉnh tăng, đặc biệt là đối với các kỳ hạn ngắn 3 - 9 tháng, tập trung ở khối ngân hàng cổ phần.

Nếu lãi suất huy động USD tăng được lý giải là do ảnh hưởng của lãi suất quốc tế, thì lãi suất VND tăng được nhiều ngân hàng giải thích là nhằm đảm bảo khoảng cách lãi suất giữa hai đồng tiền này, để người gửi tiền không dịch chuyển lượng tiền gửi VND của mình sang USD.

Ngoài ra, còn một số lý do khác, mà nhiều ngân hàng cổ phần đưa ra là, nhằm tăng cường huy động vốn, đáp ứng cho nhu cầu tín dụng và nhu cầu đầu tư của các ngân hàng...

Mặc dù vậy, trên tổng thể thị trường, việc lãi suất VND tăng lại có nhiều dấu hiệu bất thường, bởi theo tổng kết 6 tháng đầu năm của NHNN thì tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng của huy động vốn, vốn khả dụng tại nhiều ngân hàng lớn vẫn đang khá dư thừa.

Điều đó cho thấy, dường như việc tăng lãi suất không dựa trên cơ sở cung - cầu vốn, mà căn cứ bởi nhiều lý do khác, đặc biệt là lý do cạnh tranh để giữ thị phần.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đây là lần thứ hai trong 5 năm qua, diễn biến lãi suất có phần không phù hợp với những thay đổi của yếu tố thị trường, như lạm phát kỳ vọng thấp hơn năm ngoái, cung về vốn lớn hơn cầu, thể hiện ở vốn khả dụng các ngân hàng thương mại dư thừa lớn...

“Diễn biến lãi suất 6 tháng đầu năm 2006 cũng khá giống như năm 2003, khi đó lãi suất cho vay các kỳ hạn ngắn đều tăng 0,24 - 0,6 điểm phần trăm/năm”, bà Thanh nói.

Theo bà Thanh, một trong những nguyên nhân khiến lãi suất có xu hướng tăng trong điều kiện nguồn vốn VND về tổng thể là dư thừa kéo dài trong vài tháng, đó là sự phát triển của thị trường liên ngân hàng còn hạn chế và việc quản trị nguồn vốn của các ngân hàng thương mại còn những bất cập nhất định.

Cụ thể, đối với nhiều ngân hàng cổ phần nhỏ, nguồn vốn huy động vẫn thiếu so với nhu cầu cho vay, nhưng họ lại khó tiếp cận được nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của các ngân hàng lớn, nên buộc phải tăng lãi suất để huy động vốn ngoài thị trường.

Còn đối với các ngân hàng lớn, chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước, với mạng lưới rộng và uy tín đối với người gửi tiền, nguồn vốn khả dụng dư thừa nhưng không dám hạ lãi suất vì sợ mất khách hàng.

Đồng thời, do tâm lý sợ mất khả năng thanh khoản do sự kém thông suốt của thị trường, nên buộc các ngân hàng này phải dự trữ mức thanh khoản lớn (có những lúc dự trữ thanh khoản trước 10 ngày nhu cầu phát sinh).

“Nếu như thị trường tiền tệ phát triển tốt, nhất là thị trường liên ngân hàng, khả năng quản trị nguồn vốn của các ngân hàng tốt hơn thì sự thiếu - thừa vốn giữa các ngân hàng sẽ được bù đắp và tình trạng trên sẽ không xảy ra”, bà Thanh cho biết.

Ở một góc độ khác, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ đầu tư lại cho rằng, đối với khối ngân hàng cổ phần, không phải tất cả các ngân hàng đều thiếu vốn để cho vay, nhưng hầu hết đều tăng lãi suất huy động.

Theo vị lãnh đạo này, ngoài lý do cạnh tranh để mở rộng thị phần huy động vốn và tăng thêm khách hàng gửi tiền, còn có một lý do khác liên quan đến giá cổ phiếu.

Cụ thể, trong khi cổ phiếu ngân hàng đang được quan tâm trên thị trường, nhiều ngân hàng đã tăng vốn điều lệ của mình để gia nhập câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng.

Ngoài việc tăng vốn điều lệ thì yêu cầu đẩy mạnh huy động vốn để tăng tổng tài sản của mình cũng được đặt ra. Tổng tài sản cũng là một chỉ tiêu quan trọng về mặt quy mô, ảnh hưởng tới giá cổ phiếu ngân hàng.

Cũng theo vị lãnh đạo này, nguồn vốn huy động hiện chiếm khoảng 70 - 80% tổng tài sản của một ngân hàng Việt Nam. Chính vì vậy, để tăng tổng tài sản thì việc tăng huy động vốn là một yêu cầu tất yếu.

Trong khối ngân hàng cổ phần hiện nay, ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - 1.899 tỷ đồng, nhưng ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất lại là Ngân hàng Á Châu (ACB), với mức trên 33.000 tỷ đồng, gần gấp đôi Sacombank.

Ngoài lý do về chất lượng hoạt động, bề dày cũng như uy tín thương hiệu thì quy mô hoạt động lớn cũng là lý do khiến giá cổ phiếu ACB trên thị trường được chào bán với mức gấp hơn 15 lần mệnh giá, cao nhất so với giá cổ phiếu các ngân hàng cổ phần khác, trong khi giá cổ phiếu của Sacombank trên sàn giao dịch gấp khoảng 8 lần mệnh giá.

Theo Trần Kiên
Đầu tư

MỚI - NÓNG