Tăng mạnh từ mức rất thấp là bình thường

Tăng mạnh từ mức rất thấp là bình thường
Richmond Mayo - Smith, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) VN tăng mạnh từ một mặt bằng rất thấp là bình thường. TTCK ở Bangkok cũng đã từng  tăng gấp 5 lần trong 1 thời gian ngắn.
Tăng mạnh từ mức rất thấp là bình thường ảnh 1

Sự tăng trưởng của thị trường luôn song hành với sự kỳ vọng của nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài tháng trở lại đây phát triển vượt bậc, gấp 2-3 lần. Rất nhiều người lo ngại mức tăng giá này là ảo, bong bóng. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ra những cảnh báo. Ông vui lòng cho biết ý kiến của mình về tình hình này?

Đúng là giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng mạnh, nhưng vấn đề ở đây là chúng ta phải xem bối cảnh của việc tăng giá, nó đang tăng từ mức rất thấp tăng lên 200%, thậm chí 300% bởi trước đó giá cổ phiếu trên thị trường đang ở mức thấp.

Nói rằng giá chứng khoán của Việt Nam là bong bóng nhưng thử nhìn thị trường chứng khoán ở Bangkok (Thái Lan) xem, chỉ trong thời gian ngắn đã tăng gấp 5 lần.

>> Thị trường chứng khoán đang biến thành sòng bạc

Tôi nghĩ, thị trường không đến nỗi diễn biến quá tồi tệ vì Việt Nam đang được giới đầu tư nước ngoài đánh giá có nhiều tiềm năng, GDP bình quân đầu người tăng trưởng cao, kinh tế tăng trưởng ổn định, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tôi tin rằng sau 10 năm nữa, Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan nếu tính GDP bình quân đầu người.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khi tăng cao quá thì tự động sẽ điều chỉnh. Nếu trong thời gian tới, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam có giảm và giảm mạnh đi nữa thì sau đó cũng sẽ tăng trở lại, không có gì phải lo lắng nếu nhà đầu tư mong muốn đầu tư lâu dài vào cổ phiếu của công ty mà họ cho là tiềm năng.

Thế còn những cảnh báo của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước?

Năm 1996, Thống đốc Quỹ dự trữ Liên bang của Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo khi thị trường chứng khoán của Mỹ đang đi lên quá mức, nhưng sau đó thị trường vẫn tăng thêm vài chục phần trăm nữa.

Và khi đã tăng đến mức không thể tăng nữa, tự động thị trường sẽ điều chỉnh. Tương tự, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vậy, giá vẫn tăng mặc dù có sự cảnh báo của các nhà điều hành và nó cũng sẽ tự điều chỉnh giảm khi không thể tăng nữa.

Một lý do khác khiến giá cổ phiếu tăng cao là do cầu quá lớn so với cung. Muốn giải quyết, chỉ có cách Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải tìm cách tăng cung để hạn chế sự tăng nóng của thị trường. Khi cung và cầu được cân bằng, ắt thị trường sẽ tự động điều chỉnh.

Có nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây có sự làm giá của các tổ chức, công ty lớn, ông nghĩ vấn đề này như thế nào?

Theo tôi các tổ chức và công ty lớn tại đa số các thị trường chứng khoán trên thế giới đều có thể tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của nước họ, không riêng gì Việt Nam.

Tuy nhiên, để hạn chế điều này, thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải được tăng quy mô nhanh chóng và có số vốn tối thiểu đạt 15 tỷ USD thì mới có thể phát triển được. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn quá bé, rất dễ để cho các tổ chức thao túng.

Ngoài việc cổ phần hoá các công ty lớn và đưa lên niêm yết, Chính phủ Việt Nam cũng nên đẩy mạnh việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp Nhà nước.

Indochina Capital đã hoạt động ở Việt Nam 15 năm, trong 15 năm qua, Indochina Capital đã đầu tư bao nhiêu tiền vào thị trường Việt Nam và đầu tư vào những dự án nào? Xin ông cho biết cụ thể các dự án đã đầu tư?

Trong 15 năm qua, chúng tôi đã đầu tư 1 tỷ USD vào các dự án địa ốc, trong đó tiêu biểu là các dự án như khách sạn Furama (Đà Nẵng), Saigon Center (Tp.HCM), 63 Lý Thái Tổ (Hà Nội)... và nhiều dự án địa ốc khác do chúng tôi đầu tư chính.

Hoạt động chính của tập đoàn là quản lý quỹ bất động sản đầu tiên ở Việt Nam (và đang xúc tiến quỹ bất động sản thứ 2); quản lý các dự án đầu tư độc lập tập trung vào thị trường tư nhân hóa và thị trường vốn; cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính và xâm nhập thị trường mới cho các công ty đa quốc gia muốn làm ăn tại Việt Nam; sở hữu và điều hành một ngân hàng đầu tư và môi giới được cấp phép hoạt động trong nước.

Ngoài lĩnh vực bất động sản, chúng tôi còn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi thị trường chứng khoán bắt đầu mở cửa cho đến nay và tổng cộng chúng tôi đã đầu tư khoảng 50 triệu USD vào thị trường này và con số này dự kiến sẽ tăng mạnh trong vòng 12 tháng tới.

Hiện chúng tôi đang quản lý số vốn khá lớn của các tổ chức tài chính và các cá nhân nhà đầu tư nước ngoài và đang sở hữu 30% vốn của công ty chứng khoán Mekong.

Xin ông cho biết hướng đầu tư của Indochina Capital vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sắp tới?

So với lĩnh vực bất động sản thì mức độ đầu tư của chúng tôi vào thị trường chứng khoán Việt Nam còn hạn chế vì quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay còn quá nhỏ, mới ở mức khoảng 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh trong thời gian tới, quy mô sẽ đạt 100 tỷ USD trong vòng 10 - 12 năm nữa. Lúc đó, chúng tôi và nhiều công ty khác sẽ đầu tư nhiều hơn vào thị trường này.

Còn sắp tới chúng tôi sẽ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam như thế nào và mức độ đầu tư ra sao phụ thuộc vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Để xem sẽ có bao nhiêu cổ phiếu sẽ tham gia niêm yết và tốc độ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhanh hay chậm.

Chúng tôi rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa các công ty của Việt Nam, các lĩnh vực thuộc ngành viễn thông, dịch vụ, hạ tầng cơ sở, nông nghiệp, nông sản, hải sản... Nếu tình hình tiến triển tốt, chúng tôi sẽ đầu tư mạnh vào thị trường này.

Ngoài quỹ bất động sản thứ 2 mang tên Indochina Land Holdings 2, vào tháng 7/2006 sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt một quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ này sẽ có quy mô từ 70 - 100 triệu USD.

Theo Tú Uyên

TBKT VN

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.