Tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế Việt Nam

Các khách mời tại buổi tọa đàm
Các khách mời tại buổi tọa đàm
TPO - “Chúng tôi muốn cạnh tranh nhiều hơn nữa trong nền kinh tế Việt Nam, mức độ cạnh tranh càng cao thị trường hoạt động càng tốt, lúc đó hiệu quả của nền kinh tế sẽ gia tăng và tạo ra sự bình đẳng trong kinh doanh”, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Tọa đàm: “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức đã diễn ra sáng nay (22/11). 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, cắt giảm, hợp lý hóa, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh đã được Bộ Công Thương triển khai ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới.

Cụ thể, từ tháng 7/2016, khi hướng dẫn Luật Đầu tư mới, Bộ đã chủ động xóa bỏ 3 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tái nhập, tái xuất. Đến tháng 12/2016, Bộ đã đưa ra phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương trong năm 2017.

Trong phương án này, Bộ đã yêu cầu giảm bớt 22 điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực do ngành công thương quản lý. Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 8 Nghị định có liên quan đến một số ngành nghề kinh doanh như kinh doanh hóa chất, kinh doanh khí hóa lỏng... Quyết định ngày 20/9 vừa qua của Bộ trưởng Công Thương là bước tiếp theo trong cả tiến trình này. Bộ đã quyết định cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực do Bộ quản lý, chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh đã thống kê được do ngành công thương quản lý.

Trong đó, tiêu chí đầu tiên, xây dựng điều kiện kinh doanh thì cố gắng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng điều kiện kinh doanh phải lưu ý đến các cam kết quốc tế của Việt Nam, bởi cam kết của Việt Nam có sự phân biệt giữa các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước và điều kiện với các nhà đầu tư nước ngoài có thể có khác biệt với các nhà đầu tư trong nước.

Thứ ba, nếu tiếp tục duy trì điều kiện kinh doanh thì các điều kiện đó phải đáp ứng tiêu chí Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Thứ tư, cắt giảm hợp lý hóa, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh như vậy thì lưu ý đến tính khả thi cũng như nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tức là không phiêu lưu mà cũng không cắt giảm để lấy tiếng mà chú ý đến tính khả thi của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đó.

Cuối cùng là cắt giảm điều kiện kinh doanh gắn với cải cách thủ tục hành chính, chứ không phải cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng những thủ tục còn lại lại quá phức tạp, dẫn đến vô hiệu hóa lợi ích của việc cắt giảm.

"Dựa trên 5 tiêu chí đó chúng tôi xem xét cắt giảm điều kiện kinh doanh của ngành", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói.

Về vấn đề này, TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ: “Lâu nay, quy định về cắt giảm điều kiện kinh doanh là vấn đề nhức nhối, nó làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường, triệt tiêu những sáng kiến trong hoạt động kinh doanh, làm giảm quy mô và sức cạnh tranh trong thị trường, từ đó, nó làm hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung.

Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ này trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Có rất nhiều vướng mắc trong ngành Công Thương nhiều năm trước không giải quyết được mà kỳ này đã giải quyết nhanh chóng. Từ xưa tôi chưa thấy bộ nào củ động tự nguyện cắt giảm điều kiện kinh doanh”.

“Chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn nữa, đặc biệt là những điều kiện làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường và làm giảm số lượng tiềm năng của doanh nghiệp kinh doanh ở trong ngành đó, bởi giảm số lượng tiềm năng là giảm mức độ cạnh tranh, mà trong kinh tế thị trường, cạnh tranh mang tính quyết định.

Chúng tôi muốn cạnh tranh nhiều hơn nữa trong nền kinh tế Việt Nam, mức độ cạnh tranh càng cao thị trường hoạt động càng tốt, lúc đó hiệu quả của nền kinh tế sẽ gia tăng và tạo ra sự bình đẳng trong kinh doanh, không ai bị để lại phía sau”, ông Cung kỳ vọng.

MỚI - NÓNG