Tăng thể chế để ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp, nông dân xuất khẩu nông thủy sản sang EU

Tăng thể chế để ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp, nông dân xuất khẩu nông thủy sản sang EU
Trong chuỗi liên kết, ngoài mối liên hệ giữa nông dân – doanh nghiệp (DN), còn một yếu tố rất quan trọng, đó là nguồn vốn. Doanh nghiệp xuất khẩu, các hộ nông dân cần vốn để đầu tư, phát triển cho vùng trồng của họ, nhất là trong giai đoạn thực thi các Hiệp định thương mại lớn như CPTPP, EVFTA. Cần làm gì để ngân hàng và nông dân tìm được tiếng nói chung, để việc cho vay vốn thuận tiện, an toàn hơn là câu hỏi cần có lời giải ngay lúc này.

EVFTA – chìa khóa mở cửa thị trường đầy tiềm năng

Nông thủy sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Việt Nam hiện là nhà cung ứng các sản phẩm nông sản hàng đầu và quan trọng sang thị trường EU (cụ thể, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 25 về cung ứng rau quả, đứng thứ 13 về cung cấp cao su, đứng thứ 2 về cung ứng cà phê…vào thị trường EU).

Theo Hiệp định EVFTA, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thuộc ngành hàng nông, thủy sản chiếm 62% (cụ thể: hàng rau quả chiếm 49%, thủy sản và chế biến từ thủy sản chiếm 13%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến và các sản phẩm khác chiếm 38%. Các mặt hàng nông, thủy sản đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó các DN Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, marketing  sản phẩm các mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EU.

Với “sân chơi” lớn như vậy, các DN Việt Nam cũng phải “lớn” theo và phải thay đổi quy mô, cách thức làm ăn để có thể trụ vững ở thị trường tiềm năng nhưng rất khắt khe này.

Tăng thêm các chế tài đảm bảo liên kết bền vững

Theo Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Vina T&T Group, muốn sản lượng được đảm bảo về lâu về dài, giữa nông dân - DN - ngân hàng cần duy trì được mối liên kết. “Như vậy, vai trò của ngân hàng trong việc tận dụng các cơ hội của thị trường EU khi thực thi EVFTA là rất quan trọng” – ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Một trong những đơn vị đi đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và bà con nông dân, thông qua chủ động thực hiện đầu tư tín dụng và cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, Agribank đang mở ra cơ hội cho hàng triệu người nông dân Việt Nam được tiếp cận với kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu trên thế giới, ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam có những bước tiến lớn trong gia nhập “sân chơi” toàn cầu. Đại diện Agribank cho biết, ngân hàng luôn xác định “nông nghiệp, nông thôn là thị trường truyền thống, nông dân là người bạn đồng hành” do đó Agribank luôn giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong các năm qua luôn ở mức khoảng 70% tổng dư nợ cho vay của Agribank, vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), việc triển khai cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nống nghiệp của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, thách thức. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, tuy nhiên hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều; chưa có nhiều mô hình sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao bài bản, hiệu quả, một số DN chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa chứng minh phương án sản xuất hiệu quả, khả thi, chưa đáp ứng tiêu chí NN công nghệ cao theo quy định; thị trường tiêu thụ không ổn định

Do đó, Nhà nước cần ban hành quy định đối với việc thực hiện hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, trong đó nêu rõ chế tài đối với các bên tham gia nhằm hạn chế những rủi ro và đảm bảo sự bền vững trong liên kết của chuỗi giá trị nông sản.

Nhà nước cũng cần ban hành quy định về bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế những tổn thất, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp, cần mở rộng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các DN tham gia.

Báo Lao Động phối hợp với NHNN tổ chức hội thảo: "Hiệp định EVFTA: Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU". Hội thảo sẽ được truyền hình trực tuyến lúc 8h ngày 20/11/2020.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.