Tăng thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm

TP - Trước thực trạng nhiều HTX thổ cẩm gặp khó, ở xã Gla huyện Đắk Đoa, Gia Lai, HTX dệt thổ cẩm Gla vẫn hoạt động tốt, số xã viên không ngừng tăng lên. 

Chủ nhiệm HTX là bà M’lop - dân tộc Ba Na, năm nay 51 tuổi. “Từ nhỏ tôi đã yêu thích dệt thổ cẩm nên sớm theo mẹ học dệt cho bằng được. Hồi đó, dệt chủ yếu làm thủ công, từ lấy bông kéo sợi, tạo màu vải… phải tự mình làm ra, khó hơn bây giờ rất nhiều. Giờ chỉ việc lên phố mua chỉ về dệt thành phẩm là xong. Sau này thấy nhiều người bỏ nghề truyền thống, tôi buồn lắm. Được nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, tôi mới mạnh dạn đứng ra mở HTX”, bà M’lop chia sẻ.

Tăng thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm ảnh 1

Bà M’lop giới thiệu sản phẩm.

Năm 2006, HTX dệt thổ cẩm xã Gla được thành lập với vài chục thành viên. Trước đây, sản phẩm làm ra chỉ dùng trong gia đình, nay được bán ra ngoài khiến nhiều người mừng thầm: Vừa giữ được nghề, lại có thêm thu nhập. Tuy nhiên, từ năm 2010 nền kinh tế khó khăn, sản phẩm không ai mua khiến nghề dệt chao đảo, một số người quay lưng với nghề. Bên bờ phá sản, bà M’lop đã “tự thân vận động” đi sang các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk… liên hệ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, mở các lớp dạy dệt miễn phí cho chị em phụ nữ trong làng. Từ đó, dệt thổ cẩm Gla “hồi sinh” trở lại, số thành viên tăng lên trên 300 người.

Chị Rachel (ở thôn 2) cho biết: “Dệt không khó lắm, càng khéo tay thì sản phẩm càng đẹp. Hằng ngày, ngoài việc ở nhà nuôi heo thì em còn dệt vải và chạy chỉ giao cho các hội viên khác, thu nhập có tháng hơn 2 triệu đồng”.

Theo bà M’lop, dệt thổ cẩm là nghề tay trái, ngoài việc đồng áng thì lúc rảnh rỗi, chị em phụ nữ tranh thủ ở nhà dệt, trung bình mỗi tháng có thêm thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng. HTX giao nguyên vật liệu cho các xã viên làm, sau đó thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, về lâu dài, trăn trở lớn nhất của bà M’lop vẫn là đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ông A Lân - Chủ tịch UBND xã Gla: “Nhiều năm trở lại đây, nét văn hóa truyền thống của người Ba Na mai một nhiều. Đến nay HTX dệt thổ cẩm Gla vẫn hoạt được là việc đáng mừng, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ và giữ gìn được nghề truyền thống”.

MỚI - NÓNG