Tăng trọng bằng... hormon

Tăng trọng bằng... hormon
Một số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi bất chấp sức khỏe người tiêu dùng đã sử dụng hormon tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa mạnh tay xử lý các trường hợp này.

Đã cấm nhưng vẫn sử dụng

“Việc sử dụng hormon tăng trưởng (HMTT) trong thức ăn cho heo diễn ra khá phổ biến tại khu vực phía Nam, là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng...” - TS Lã Văn Kính, viện phó Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (IAS), đã khẳng định như vậy khi đề cập kết quả kiểm tra việc sử dụng HMTT vừa được Cục Chăn nuôi thực hiện.

Theo kết quả kiểm tra, trong 428 mẫu thức ăn chăn nuôi (TACN) được các địa phương gửi về, cơ quan chức năng đã phát hiện 47 mẫu dương tính với HMTT, chiếm gần 11%, trong đó hầu hết các mẫu là thức ăn cho heo, còn lại là thức ăn cho gà.

TS Lã Văn Kính cho biết một số nước chỉ phát hiện HMTT sử dụng cho heo thịt giai đoạn vỗ béo, trong khi kết quả kiểm tra của Cục Chăn nuôi cho thấy HMTT có ở tất cả các mẫu TACN cho các loại heo, từ heo con sau cai sữa đến nái, nhưng nhiều nhất vẫn là heo thịt. Hai loại HMTT được sử dụng phổ biến vẫn là clenbuterol và salbutamol, trong khi VN đã cấm sử dụng từ nhiều năm qua.

Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy hàm lượng clenbuterol trung bình trong TACN khá cao, bình quân 124, 82 ppb (phần tỉ). Mẫu thấp chứa 1,54 ppb, mẫu cao chứa tới 319,49 ppb. Hàm lượng salbutamol trong các mẫu thấp hơn, trung bình gần 58 ppb. Cũng theo TS Lã Văn Kính, càng kiểm tra, các cơ quan chức năng càng phát hiện tỉ lệ các mẫu dương tính với HMTT càng tăng.

“Tình trạng trộn HMTT vào TACN tại các trại xảy ra khá phổ biến, một phần do người chăn nuôi chạy theo lợi nhận, nhưng chủ yếu do áp lực từ người mua heo” - anh Nguyễn Khắc Quốc Quân, cán bộ một đơn vị sản xuất TACN tại Lâm Đồng, cho biết.

Theo anh Quân, người mua heo đem “thần dược” đến ép người nuôi phải sử dụng. Nguồn cung cấp HMTT chủ yếu từ Trung Quốc, một số ít từ Thái Lan và Malaysia... Việc sử dụng HMTT sẽ giúp người chăn nuôi tăng “hiệu quả” sản xuất. “Heo lớn nhanh hơn, mông và vai nở hơn, dáng heo đẹp, tỉ lệ nạc cao, được thương lái mua với giá cao hơn heo “sạch” từ 1.000-1.500 đồng/kg.

Xử lý chưa kiên quyết

“Việc sử dụng HMTT của một số nhà sản xuất TACN không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn gây ra bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất TACN” - ông Hồ Hoàng Dũng, giám đốc nghiên cứu và triển khai công nghệ Công ty Cargill VN, nói.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, các loại HMTT như clenbuterol và salbutemol thuộc nhóm ß-agonist làm tăng nhịp tim, giãn động mạch vành, làm giãn cuống phổi và tử cung.

Một số nước còn phát hiện thịt sản xuất có tồn dư hormon nhóm ß-agonist liên quan đến một số bệnh ung thư trên người. Ngoài ra người ta còn tìm thấy đàn ông có ngực to như phụ nữ hay “gay” là do lúc nhỏ sử dụng thức ăn có chứa nhiều hormon nhóm ß-agonist.

Theo ông Dũng, một số đơn vị sản xuất nhỏ và không có tên tuổi trên thị trường nhưng quảng cáo với người chăn nuôi rằng sản phẩm của họ giúp con heo giống như... lực sĩ. Thủ đoạn của những đơn vị này là tăng hàm lượng HMTT trong sản phẩm mới để tung ra thị trường.

Người chăn nuôi mua về nuôi thấy heo phát triển nhanh và hiệu quả cao đã đổ xô vào mua. Khi đã có được thị phần nhất định, những đơn vị này không đưa HMTT vào TACN nữa để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Khi người chăn nuôi phát hiện “chất lượng” của loại thức ăn này đi xuống, nhà sản xuất lại đưa HMTT vào.

“Phải xử thật nặng những nhà sản xuất TACN, những trại chăn nuôi... cố tình sử dụng HMTT. Nếu chỉ hô hào, kêu gọi mà không xử lý thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với sản phẩm chăn nuôi...” - ông Kiều Minh Lực, giám đốc di truyền giống Công ty CP VN, nói.

Theo đề nghị của một số nhà sản xuất TACN, cơ quan chức năng phải công bố những đơn vị vi phạm, thậm chí buộc đóng cửa. Một số nhà sản xuất TACN bức xúc khi cơ quan chức năng đã có danh sách 13 doanh nghiệp sản xuất TACN bị phát hiện có sử dụng HMTT nhưng không công khai và chưa rõ biện pháp xử lý thế nào, có đảm bảo những đơn vị này không tái phạm?

Ông Phạm Đức Bình, một nhà sản xuất heo giống và TACN ở Đồng Nai, cho rằng cần qui định cụ thể, vi phạm sử dụng HMTT bao nhiêu lần thì phải bị công khai tên tuổi và xử lý nặng. Tuy nhiên, để tránh trường hợp trong TACN không có HMTT nhưng người nuôi mua về trộn vào, cơ quan chức năng cần phải kiểm soát cả những cơ sở chăn nuôi.

Đối với những trang trại chăn nuôi lớn, nếu kiểm tra và phát hiện có sử dụng HMTT, có thể áp dụng hình thức tạm ngưng bán heo để chấn chỉnh. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, biện pháp tốt nhất là tuyên truyền cho người nuôi ý thức được những tác hại lâu dài đến sức khỏe của con người khi cho heo sử dụng HMTT.

Theo Hải Đăng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG