Tàng trữ chất cấm trong chăn nuôi: Cần xử lý hình sự

Cần phát động phong trào nông dân nói không với chất cấm.
Cần phát động phong trào nông dân nói không với chất cấm.
TP - Trao đổi với Tiền Phong về thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho rằng, cần xử lý hình sự việc tàng trữ và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Vừa qua, Thanh tra Bộ NN&PTNT có thông báo về tỷ lệ vi phạm chất cấm trong chăn nuôi (chất tạo nạc) đã ở mức báo động đỏ. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Đúng là so với các năm trước, tỷ lệ vi phạm sử dụng chất cấm  trong chăn nuôi cao hơn. Điều này có nguyên nhân do áp lực về giá thực phẩm tăng cao, giá thịt lợn hơi đầu năm tới nay duy trì ở mức 45- 47 nghìn đồng/kg, thậm chí 49- 50 nghìn đồng/kg. Tác động của một số thương lái, ép người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng chất cấm để cho thịt màu tươi hơn, tỷ lệ nạc cao, dễ bán hơn… Họ cho vận động người chăn nuôi bằng cách cho tặng, khuyến mãi hay dùng thử.

Ngoài ra, sau một thời gian kiểm soát chặt chẽ thì một số địa phương có biểu hiện xao nhãng trong quản lý. Tuy nhiên, cần nhìn nhận số liệu thanh tra công bố vừa qua một cách khách quan. Bởi số liệu này có tỷ lệ dương tính ảo tương đối nhiều. Quy định test nước tiểu chỉ mang tính sàng lọc, để chính xác chúng ta cần kiểm tra lại bằng định lượng theo đúng tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT tại Thông tư 57. Năm 2012, sau khi xét nghiệm lại thì có tới 60% các mẫu dương tính giả.

Vậy giải pháp tổng thể nào để kiểm soát tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay, thưa ông?

Theo tôi, cả trước mắt và lâu dài, chúng ta cần có các giải pháp đồng bộ. Trước hết cần tuyên truyền để người chăn nuôi, người tiêu dùng hiểu rõ tác hại của việc dùng chất cấm. Chất cấm ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng thì ai cũng rõ rồi nhưng với người chăn nuôi, sử dụng chất cấm làm xấu đi hình ảnh của nền chăn nuôi Việt Nam, đến một lúc nào đó người tiêu dùng sẽ quay lưng với nền chăn nuôi trong nước, chuyển sang sử dụng các sản phẩm của nước ngoài. Năm 2012, mỗi tháng chúng ta mất 2.000- 3.000 tỷ đồng vì giá thịt lợn giảm. Giá lợn từ 43-45 nghìn đồng/kg, xuống còn 37-38 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi vô hình chung đã làm hại chính mình.

Ngoài ra, công tác kiểm soát chất cấm cần sự vào cuộc của các địa phương, nếu địa phương không vào cuộc thì bất khả thi. Các xã, phường có thể phát động phong trào người tiêu dùng nói không với sản phẩm có chất cấm, người chăn nuôi không sử dụng chất cấm… Từ đó có thể có những phong trào tố giác, chính người nuôi tử tế tố giác những người nuôi sử dụng chất cấm.

Tàng trữ chất cấm trong chăn nuôi: Cần xử lý hình sự ảnh 1  Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).

Theo ông, làm sao để kiểm tra nhanh việc sử dụng chất cấm chứ triển khai như hiện nay thì khi có kết quả xét nghiệm đàn lợn đã được đưa đi tiêu thụ hết?

Đây đúng là khó khăn. Hiện nay các cơ quan chức năng đang thử nghiệm bằng hai phương pháp là Elisa và Sắc ký khí ghép khối phổ, đều phải làm trong phòng thí nghiệm. Có trường hợp khi xác định được kết quả thì đàn lợn đã được bán. Do vậy, chúng tôi đang gấp rút đơn giản hóa phương pháp thử nghiệm bằng cách dùng que thử. Cục Chăn nuôi đã đề nghị các công ty của Mỹ và Đài Loan cung cấp để thử nghiệm, kiểm tra mức độ chính xác.

Phương pháp này tuy độ nhạy không cao, nhưng sàng lọc rất tốt, chúng ta có thể kiểm tra nhanh ngoài hiện trường, như vậy không thể bỏ lọt được. Bình quân giá mỗi que thử khoảng 70- 100 nghìn đồng/que, có thể sử dụng được mọi nơi. Trong 1- 2 tuần nữa chúng tôi sẽ có que thử để thử nghiệm, bước đầu đơn giản hóa việc thử nghiệm.

Dư luận cho rằng, những xử lý của cơ quan chức năng vừa qua chưa đủ mạnh, không đủ tính răn đe?

Không thể nói các hình thức phạt không đủ tính răn đe, vì giờ khung phạt đã rất nặng. Đối với cơ sở chăn nuôi, vi phạm lần đầu sẽ đình chỉ và tiêu hủy thức ăn. Đàn lợn nuôi đến khi nào phải lấy mẫu nước tiểu không còn chất cấm mới được xuất chuồng. Tái phạm lần hai, làm theo quy trình lần thứ nhất, nhưng đàn lợn sẽ bị tiêu hủy. Hình thức bổ sung là thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy doanh nghiệp sẽ bị tẩy chay dẫn đến phá sản. Về lâu dài, chúng tôi cũng đang kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự về hành vi tàng trữ chất cấm trong chăn nuôi. Hiện nay muốn xử lý hình sự thì hành vi đó phải gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, không cần chờ gây hậu quả nghiêm trọng hay không, mà cứ tàng trữ chất cấm trong chăn nuôi là bị xử lý.

Các biện pháp xử lý đã mạnh tay nhưng tại sao chất cấm trong chăn nuôi vẫn được bày bán tràn lan, thưa ông?

Hiện nay, có 3 chất beta-agonist bị cấm gồm: Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamin. Đợt kiểm tra vừa qua, 100% các mẫu dương tính là có chứa chất Salbutamol, còn Clenbeterol đã bị thế giới cấm từ lâu, Ractopamin chỉ có 9 nước được phép sử dụng và kiểm soát chặt chẽ. Salbutamol được mua bán và sử dụng phổ biến vì chất này vẫn được Bộ Y tế chỉ định hỗ trợ điều trị hen suyễn.

Do vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế kiểm soát chặt hơn về chất này, bởi hàm lượng chất này trong ống tiêm là rất ít. Bộ Y tế phải thống kê vì sao lượng chất Salbutamol nhập khẩu lại nhiều như vậy, lượng còn tồn bao nhiêu, tùy nhu cầu để cấp phép nhập khẩu. Giải pháp này vô cùng quan trọng để ngăn chặn chất cấm tràn vào ngành chăn nuôi.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.