Tăng trưởng xuất khẩu thiếu ổn định

Tăng trưởng xuất khẩu thiếu ổn định
TP- Mặc dù xuất khẩu từ đầu năm 2008 đến nay có mức tăng trưởng đột biến, song tại hội nghị xuất khẩu hôm qua, 15/10, các nhà quản lý cũng như đại diện các hiệp hội ngành hàng lẫn các doanh nghiệp (DN) đều không khỏi lo lắng bởi nguy cơ tụt dốc trong thời gian tới.

“Sự đóng góp tăng trưởng xuất khẩu về lượng còn khá khiêm tốn, không bền vững và dễ bị tổn thương bởi những tác động bên ngoài hoặc bên trong của thị trường” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đánh giá. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2008 đạt 48,56 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Biên phân tích, kim ngạch tăng cao chủ yếu do yếu tố giá xuất khẩu tăng, đặc biệt giá một số mặt hàng tăng liên tục trong 7 tháng đầu năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng 13,6 tỷ USD so cùng kỳ, trong đó tăng do giá khoảng 6,5 tỷ USD (chiếm 47,8%); tăng do lượng 7,1 tỷ USD (52,2%).

Đáng nói là trong số kim ngạch tăng do lượng, có khoảng 2 tỷ USD là hàng hóa nhập về nhưng không tiêu thụ được nên phải tái xuất, chủ yếu là sắt thép, vàng…

Một biểu hiện khác của việc tăng trưởng thiếu ổn định, bền vững là xu hướng đi xuống cả về giá và lượng xuất khẩu trong quý 3. Riêng tháng gần đây nhất (tháng 9), kim ngạch xuất khẩu đã giảm 11,9% so với tháng trước do lượng và giá xuất khẩu của một số mặt hàng giảm.

Cũng theo ông Biên, trong 3 tháng còn lại của năm 2008, giá và lượng xuất khẩu tiếp tục theo chiều hướng giảm. Vì rằng, nguồn tăng trưởng (nguyên liệu, hợp đồng…) của 3 tháng cuối năm không còn nhiều; đầu ra - thị trường xuất khẩu cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó trong thời gian 3 tháng còn lại này cũng chưa thấy mặt hàng nào có dấu hiệu tăng giá. Xu hướng giảm giá dầu đang tiếp tục, vì vậy các mặt hàng liên quan đến giá dầu cũng sẽ giảm theo. Các mặt hàng nông - lâm - thủy sản như cao su, cà phê, cá tra… đang giảm mạnh.

Ví như, giá mủ cao su xuất sang Trung Quốc hiện giảm chỉ còn 30 triệu đồng/tấn so với 58 triệu đồng/tấn hồi tháng 7. Giá các mặt hàng may mặc, da giày, đồ gỗ, máy tính, công nghiệp chế biến… cũng đang giậm chân tại chỗ.

“Giấc mơ” khiêm nhường

Không chỉ năm nay, theo các chuyên gia, sản xuất xuất khẩu năm tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trở ngại. Ngoài những áp lực cũ như thiếu nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao, thủ tục hành chính nhiêu khê, hạ tầng yếu kém… các DN còn phải đối mặt với nhiều áp lực mới.

Ông Phạm Thế Dũng - Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, xuất khẩu của DN Việt Nam thời gian tới. Một mặt vì sức tiêu thụ của thị trường lớn này chắc chắn sẽ giảm, điều đó cũng có nghĩa sức cạnh tranh tại thị trường này sẽ vô cùng khốc liệt.

Mặt khác, khi không bán được hàng tại Mỹ, DN các nước trong khu vực lại đổ dồn hàng hóa về các nước xung quanh, tạo thêm áp lực mới cho DN Việt Nam ở chính thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Tôn Quyền- Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam đưa ra một dự báo không lấy làm vui trong năm 2009. Đó là chỉ có khoảng 50% DN trong ngành này trụ vững; khoảng 20% DN sẽ phá sản, chủ yếu là DN nhỏ và mới; 30% còn lại sẽ vô cùng khó khăn.

Vì khó khăn nên nhiều DN buộc phải tính đến chuyện cắt giảm sản xuất, xuất khẩu và chỉ dám “mơ” một giấc mơ rất khiêm nhường là được giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm tới. “Kế hoạch xuất khẩu 5,3 tỷ USD trong năm tới là rất khó thực hiện, chỉ giữ được bằng năm nay (4,5 tỷ USD) là cố gắng lắm rồi” - Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) nói.

Ông Phạm Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng thổ lộ: “Chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 mà Chính phủ giao cho ngành dệt may là tăng 21% so với năm 2008, nhưng chúng tôi chỉ dám đề ra con số tăng trưởng 15%”.

Ông Hồng khẳng định từ nay đến hết 2009 ngành dệt may chắc chắn sẽ không đầu tư mở rộng, mà nếu có thì chỉ đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cũng theo ông Hồng, cơ sở để các DN dệt may Việt Nam hy vọng giữ được tăng trưởng 15% trong năm tới là làm các mặt hàng trung cấp và dưới trung bình một ít. Vì rằng đây là phân khúc thị trường mà Việt Nam có lợi thế hơn “người khổng lồ” Trung Quốc.

MỚI - NÓNG