Tăng tỷ giá USD 1%: Doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng

Điều chỉnh tỷ giá, nhiều DN nhập khẩu lo tăng chi phí. Ảnh: Như Ý.
Điều chỉnh tỷ giá, nhiều DN nhập khẩu lo tăng chi phí. Ảnh: Như Ý.
TP - Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1% tỷ giá VND/USD tối 6/1 đã khiến thị trường đột ngột “nóng” lên. Được ví như bước đi chủ động dẫn dắt thị trường, nhưng cũng có lo ngại động thái này sẽ gây thiệt cho doanh nghiệp nhập khẩu và tăng gánh nặng trả nợ quốc gia.

DN nhập khẩu lo lắng

Ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Vinacam- DN nhập khẩu phân bón cho biết, tăng tỷ giá đúng là “cực chẳng đã”. Trên bình diện chung, thời điểm này là tích cực với DN xuất khẩu. Theo ông Hải, với các DN nhập khẩu giá vốn sẽ cao, từ đó khiến giá bán hàng hóa trong nước tăng lên. “Vinacam mỗi tháng nhập khẩu bình quân khoảng 15 triệu USD, nếu tỷ giá tăng thêm 1%, tức khoảng  150.000 USD, tương đương hơn 3 tỷ đồng cho đầu vào. Tôi tin khoảng 1-2 tháng nữa, mặt bằng giá hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng lên”- ông Hải nói.

Còn ông Đoàn Trọng Lý, Tổng giám đốc Cty CP Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) - đơn vị chuyên nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho biết: Tỷ giá đang ổn định, nay đẩy lên, sẽ gây khó cho các DN nhập khẩu. 

Tăng tỷ giá chỉ có lợi cho ngân hàng và DN vay USD nhưng lại chịu lãi suất tiền Việt. Với những lô hàng nhập về chưa thanh toán, DN phải chịu lỗ phần chênh lệch đó. Với 1.000 tấn nguyên liệu, DN phải bù thêm khoảng 150 triệu đồng. 

“Năm 2014, chúng tôi nhập khẩu trên 35 triệu USD về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cùng giá xăng dầu không ổn định, nếu tỷ giá biến động, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh của DN trong thời gian tới, nhất là DN làm hàng nhập khẩu”- ông Lý nói.

Phản ứng thị trường

Tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng của NHNN áp dụng cho ngày 7/1 là 21.458 đồng, tăng 1% so với ngày hôm qua. Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần cho các ngân hàng thương mại là 21.673 đồng và tỷ giá sàn là 21.243 đồng.

Chiều 7/1, ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay: Sau giờ mở cửa lúc sáng nâng tỷ giá lên 21.450 - 21.510 đồng (mua vào - bán ra) đến cuối chiều, Vietcombank đã điều chỉnh giá xuống 30 đồng và niêm yết giá ở mức 21.420 - 21.480 đồng. Theo ông Hà, ngay sau khi NHNN điều chỉnh, cầu USD trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống và ngân hàng đã cân bằng trạng thái.

“Năm 2015, NHNN vẫn giữ nguyên cam kết nếu điều chỉnh cũng sẽ không vượt quá 2%”. 

Một lãnh đạo NHNN

Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank thông tin thị trường liên ngân hàng đã dịu lại. “Doanh nghiệp có nhu cầu mua ngoại tệ dễ thở hơn vì có thể mua được từ ngân hàng một cách công khai và dễ hạch toán. Doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ chắc chắn sẽ bán ra. Sáng nay, chúng tôi đã thu xếp nguồn cho một doanh nghiệp lọc hóa dầu mua tới 9,3 triệu đô la”- bà Vân cho biết.

Chủ một cửa hàng vàng bạc trên phố Hà Trung (Hà Nội) cho biết với động thái công bố điều chỉnh tỷ  giá của NHNN, thị trường tự do đã xác lập ngưỡng mới trên 21.600 đồng/USD, suýt soát kém mức giá trần của NHNN khoảng hơn 10 đồng. Theo vị này, mức mua vào - bán ra chiều cùng ngày ngoài ngân hàng đã là  21.550 - 21.661 đồng/USD.

“Trong suốt 11 tháng đầu năm 2014, với định hướng điều hành tỷ giá và giữ ổn định của NHNN, các NHTM  đã chủ động bán ngoại tệ ra cho thị trường, kể cả bán âm trạng thái. Do vậy, đến tháng 11, trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đã âm tới 6%, tương đương với khoảng hơn 1 tỷ USD. Cuối năm 2014, giới đầu cơ có hành động tự điều chỉnh tỷ giá”-  một lãnh đạo NHNN thừa nhận.

Có giữ được cam kết 2%?

Trong bản tin phát đi ngày 7/1, ngân hàng HSBC nhận định việc điều chỉnh này không bất ngờ, nhưng diễn ra sớm hơn so với dự đoán. Theo HSBC, trong bối cảnh đồng USD đang mạnh so với hầu hết các đồng tiền ở những thị trường mới nổi vào đầu năm 2015 và tỷ giá USD/VND thường đóng cửa giao dịch ở mức chạm trần trong vài tuần qua thì động thái này không gây quá nhiều ngạc nhiên. 

“Việc thay đổi tỷ giá tham chiếu được xem như bắt kịp với các loại tiền tệ khác ở những thị trường mới nổi” - báo cáo HSBC viết.

Trước câu hỏi thời điểm điều chỉnh liệu có hợp lý chưa? TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia cho rằng cả tháng cuối năm 2014, thị trường đã kỳ vọng tăng nên điều chỉnh thời điểm này là hợp lý. 

Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh -  Đại học Ngân hàng TPHCM phân tích: “Nghị quyết  01 của Chính phủ ban hành ngày 3/1 cho phép NHNN quyền chủ động và định hướng. Trong đó còn yêu cầu phải tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối (dù mức hiện tại 35 tỷ USD dự trữ đã đạt  kỷ lục cao nhất), thế thì tại sao họ (tức NHNN) lại không được  chủ động dẫn dắt, thay vì để thị trường đầu cơ và công phá?”. 

Theo ông Dương hiện các yếu tố cơ bản đang “yểm trợ” NHNN như lạm phát ở mức thấp, xuất siêu năm 2014 đạt 2 tỷ USD, cán cân thặng dư gần 10 tỷ USD, kiều hối dự kiến 11 tỷ USD. 

“Điều chỉnh 1% là mức hợp lý, chứ tăng 2% luôn thì sẽ không làm chủ được lạm phát.  DN nhập khẩu thì rõ ràng bị ảnh hưởng rồi nhưng việc điều chỉnh đâu chỉ vì một vài DN cụ thể mà phải tính đến lợi ích của nền kinh tế” - ông Dương nói.

MỚI - NÓNG