Tập trung cổ phần hoá các tổng công ty lớn

Tập trung cổ phần hoá các tổng công ty lớn
Ông Hồ Xuân Hùng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã trả lời Tiền Phong về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đối với các Tổng Cty nhà nước...
Tập trung cổ phần hoá các tổng công ty lớn ảnh 1
Điện lực là một trong các Tcty cần phải cổ phần hóa

Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh và mở rộng quá trình cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đối với các Tổng Cty nhà nước, kể cả các Tcty trong lĩnh vực độc quyền như điện lực, bưu chính viễn thông, xi măng, than… Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện yêu cầu này vẫn rất chậm.

Ông Hồ Xuân Hùng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã trả lời Tiền Phong về vấn đề này.

Thưa ông, Nghị quyết Trung ương IX của Đảng đã yêu cầu đẩy nhanh thực hiện Cổ phần hoá đặc biệt với một loạt các Tổng Cty lớn, kể cả các Tổng Cty độc quyền. Đầu năm 2004, Chính phủ cũng đã yêu cầu đẩy nhanh và hoàn thành CPH một số Tổng Cty ngay trong năm 2004 nhưng việc này vẫn “dậm chân tại chỗ”?

Việc CPH các Tổng Cty lớn được đặt ra từ khi có nghị quyết trung ương 9. Việc CPH Tổng Cty là riêng không giống như CPH một DN được mà các quy định của Chính phủ về vấn đề này là chưa từng có, như Nghị định 64/NĐ-CP không nói CPH Tổng Cty như thế nào, cách CPH ra sao cho nên bây giờ phải tính lại khung pháp lý.

Ngoài ra, phải xác định rõ và làm thí điểm tốt rồi mới thực hiện trên diện rộng. Cho nên vừa rồi Chính phủ quyết định chọn thí điểm ở 5 Tổng Cty nhưng mới có quyết định phê duyệt cho làm 2 Tổng Cty là Tổng Cty Xây dựng và Công nghiệp, Tổng Cty Xuất nhập khẩu và xây dựng.

Còn các DN Ngân hàng thì thường trực Chính phủ đã nghe báo cáo đề án nhưng có thể nói phương án còn nhiều chuyện nên chưa thể xong được. Bởi vì đây là loại hình rất khó cả về quy mô và các mối quan hệ cho nên phải làm để rút kinh nghiệm đã.

Hiện nay có Tổng Cty Vật tư Nông nghiệp của Bộ NN&PTNT đề nghị cho làm thí điểm. Tôi nghĩ CPH phải thận trọng vì còn phải làm nhiều Tổng Cty lớn hơn nữa nên phải có bước đi.

Phải chăng để đẩy mạnh CPH các Tổng Cty và một số ngân hàng phải có cơ chế đặc thù riêng?

Điều đó hoàn toàn đúng vì hiện nay quy định trong nghị định của 187/NĐ-CP mới tập trung về Tổng Cty nói chung. Còn Ngân hàng - một lĩnh vực rất nhạy cảm và chi phối mạnh đến nền kinh tế đất nước - nên không thể làm như loại doanh nghiệp bình thường. Chính phủ cho rằng, phải hết năm nay mới sơ kết được việc CPH các Tổng Cty để làm mạnh hơn trong những năm tiếp theo.

Một điều đáng nói là trong khi yêu cầu đẩy nhanh quá trình CPH nhưng hiện nay cũng có yêu cầu thành lập một số tập đoàn kinh tế như bưu chính viễn thông, xi măng. Điều này có mâu thuẫn với quá trình CPH?

Tôi không cho rằng có gì trái ngược. Đúng là thành lập các tập đoàn thì rõ ràng có nghĩa là độc quyền. Nhưng trước mắt, do yêu cầu hội nhập vào WTO cho nên cũng phải có những tập đoàn kinh tế để đủ sức cạnh tranh.

Chúng ta tuy thành lập các tập đoàn, hiện nay Chính phủ đã quyết định thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông nhưng thành viên các tập đoàn này vẫn phải có các doanh nghiệp đã được CPH. Cho nên, tưởng là mâu thuẫn nhưng cũng lại không mâu thuẫn.

Hiện nay, mặc dù số doanh nghiệp CPH đã tính đến con số hàng ngàn nhưng thực ra, số vốn các doanh nghiệp đã CPH mới chỉ bằng 8% tổng số vốn nhà nước tại khối DNNN. Điều đó cũng nói lên là mấy năm nay, ta chỉ quan tâm CPH doanh nghiệp nhỏ, yếu, thậm chí phần nhiều là không hiệu quả?

Năm 2004 thực hiện tốt nhất từ trước đến nay: sắp xếp được hơn 1000 doanh nghiệp và CPH được 755 doanh nghiệp là năm đầu tiên hoàn thành mục tiêu đề ra nhưng cộng dồn mấy năm trước thì chưa làm hết. Số vốn CPH mới chỉ đạt 8% tổng số vốn nhà nước tại khối doanh nghiệp quốc doanh.

Cái chính hiện nay, vốn nhà nước nằm ở những Tổng Cty lớn như Hàng không, Bưu chính viễn thông, Điện lực đã mất già nửa số vốn. Trong khi ta mới làm những doanh nghiệp vừa và nhỏ thôi. Cho nên, Trung ương đánh giá chậm cũng theo nghĩa đấy.

Khi làm vào mấy “anh lớn” này thì mới làm được số vốn lớn. Nhưng nói chỉ quan tâm chủ yếu đến CPH các doanh nghiệp nhỏ, yếu, không hiệu quả thì cũng không hẳn. Ví dụ như Vinamilk là một doanh nghiệp rất có lãi, cổ phiếu của Cty này chỉ 100.000 đồng/cổ phiếu nhưng chào giá sàn là 220.000 đồng và khi bán đấu giá bán được 330.000 ngàn, cá biệt có 100 cổ phiếu bán được 2,2 triệu đồng/cổ phiếu và 99,9 % nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu ở đấy.

Và có nhiều doanh nghiệp nữa. Cho nên, Nghị quyết trung ương IX đã nói rõ, không xem doanh nhiệp đó có lãi hay không có lãi để CPH mà vấn đề loại hình doanh nghiệp nào cần giữ lại mới giữ lại, kể cả doanh nghiệp thua lỗ, nếu doanh nghiệp đó phục vụ cho những nhiệm vụ chính trị và an ninh, quốc phòng.

Năm 2005, việc CPH các Tổng Cty lớn, nhất là các Tổng Cty trong những lĩnh vực độc quyền của Nhà nước sẽ tiến hành thế nào?

Sẽ được tập trung hơn năm trước. Phần lớn các doanh nghiệp thành viên của các Tổng Cty lớn sẽ phải được CPH. 18 Tổng Cty 91 sẽ cơ cấu lại và tính toán CPH trong giai đoạn sau còn 80 Tổng Cty 90 có 19 Tổng Cty sẽ giữ lại ở mức hiện nay còn lại sẽ tính CPH ở mức toàn Tổng Cty.  Đó cũng là quyết tâm rất lớn của Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG