Tất cả chứng khoán hạ xuống kịch sàn

Tất cả chứng khoán hạ xuống kịch sàn
Ngày 9/5, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 27,85 điểm còn 546,4 điểm (giảm 4,85% - chỉ còn 0,15% nữa là kịch sàn). Đây là phiên giảm giá liên tiếp thứ tư, và là phiên liên tiếp thứ hai tất cả các cổ phiếu trên sàn giao dịch đều rớt giá.
Tất cả chứng khoán hạ xuống kịch sàn ảnh 1
Phiên thứ hai liên tiếp, tất cả các cổ phiều giảm giá. Ảnh : VietnamNet

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/5, tất cả 36 chứng khoán trên sàn giao dịch TP. HCM đã hạ đến giá sàn. VN-Index chỉ còn 520,82 vào lúc đóng cửa. Trên sàn giao dịch Hà Nội, ngoại trừ mã ILC tăng và mã HSC không có giao dịch, tất cả các chứng khoán còn lại đã hạ đến sàn.   

Từ ngày 9/5 đã xuất hiện tình trạng bán tháo cổ phiếu do lượng đặt bán tăng đột biến trong khi lượng đặt mua tiếp tục giảm. Tổng cung trên thị trường là 7,7 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trong khi tổng cầu chỉ là 1 triệu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 3.677.509 chứng khoán với tổng giá trị là 352.472.494.000 đồng.

Nhà đầu tư nội toát mồ hôi!

“Tôi mất tong cả trăm triệu rồi!” Ông Đ. nói qua điện thoại. Ông đầu tư vào tất cả 36 loại gồm 35 cổ phiếu và một chứng chỉ quỹ. Hôm qua khi chỉ số còn xấp xỉ 574-575 điểm, ông xác định huề vốn. “Nhưng tôi đã hơi run rồi, vì 3 phiên giảm liên tục, nhất là phiên thứ ba tất cả các cổ phiếu đều giảm. Còn hôm nay thì lỗ đậm!”.

Ông Đ. đã đầu tư 5 tỷ vào lĩnh vực này. Cách tham gia của ông là mua tất cả các cổ phiếu để chia sẻ rủi ro. Nhưng ông không thể tiên liệu rằng tất cả các cổ phiếu đều rớt thê thảm như vậy, nên ông thua nặng.

Tuy nhiên ông vẫn giữ cổ phiếu chứ chưa bán ra. “Đành chịu thôi. Thà chịu đựng thêm vài phiên nữa”. Ông Đ. còn có một cửa gỡ gạc là ông còn một khối lượng lớn cổ phiếu OTC. Giá cổ phiếu OTC của các doanh nghiệp sắp sửa niêm yết hiện tại đang tăng nhanh, nên ông hy vọng lấy OTC bù qua.

Người đầu tư số vốn như ông Đ. vẫn chưa phải là lớn. Ông cho biết, bạn bè ông có người mười lăm, hai mươi tỷ bỏ vào lĩnh vực này. Họ cũng như ông, hiện thời vẫn giữ lại chứ chưa bán ra. “Bán thì tiếc, nhưng giữ thì run” - ông Đ. nói.

Bà H, mở tài khoản tại Công ty chứng khoán Bảo Việt, tự an ủi: “Ai cũng bị giảm, chứ có phải mỗi mình”. Ngày mai bà bắt đầu bán bớt một phần tư số cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng như ông Đ, bà H. cũng có một lô cổ phiếu OTC bù qua. Mới cách đây 2 ngày, bà tiếp tục mua 1.000 cổ phiếu sông Hinh và 1.000 của COMECO.

Bình tĩnh hơn những người khác là ông L. Tham gia chứng khoán với gần 7 tỷ đồng, nhưng ông có vẻ không hề nao núng, bởi ông có biết chút ít về kỹ thuật phân tích và đầu tư. Ông L. cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có đặc điểm là khi lên thì đồng loạt lên, khi xuống thì đồng loạt xuống, nên hiện tượng hai ngày qua chỉ số xuống là theo phong trào, chẳng có gì phải ngại. Ông L. bán tất cả các cổ phiếu giá thấp, vẫn giữ lại những cổ phiếu blue chip. Ông tin rằng, các cổ phiếu blue chip vẫn ổn định và phát triển, mặc dù tới đây thị trường có thể giảm vài ba phiên nữa.

Nhà đầu tư nước ngoài bình thản

Trái ngược với các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các quỹ đầu tư có vốn lớn, có kinh nghiệm hoạt động lại bình thản. Một số họ lại có cách hành động trái ngược là ngừng bán và tăng cường mua vào.

Phiên sáng nay, họ bán ra vỏn vẹn 2 mã là TYA (7.490 CP) và REE (600 CP) trị giá 460 triệu đồng. Đến khi chỉ số sắp sửa chạm sàn, họ bỏ ra tới 18,7 tỷ đồng mua 213.190 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thuộc 20 mã cổ phiếu. Các chứng khoán được mua mạnh nhất là VNM  với 52.000 cổ phiếu, REE 50.200 cổ phiếu, BBT 3.000 cổ phiếu.

Bình thường hay bất thường?

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương: thực tế chênh lệch cung cầu đang khiến thị trường có hiện tượng "sốt lạnh" sau suốt 3 tháng "sốt nóng" từ đầu năm đến nay.

Theo các chuyên gia, những nhà đầu tư theo phong trào, do thiếu trình độ và kinh nghiệm, bị ảnh hưởng tâm lý khi quyết định đầu tư. Trong khi đó, những thông tin tham khảo về thị trường, những phân tích tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của các công ty niêm yết bị bỏ qua; kể cả những cảnh báo cũng không được chú ý.

Sự đầu tư theo phong trào đã khiến giá nhiều cổ phiếu tăng nóng, thoát ly khỏi giá trị nội tại của doanh nghiệp. Và khi tình hình kinh doanh và tài chính quý I/2006 của nhiều đơn vị niêm yết được công bố không được như kỳ vọng đã khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ.

Theo quan sát của phóng viên, trong những ngày giao dịch vừa qua, lượng bán ra đa số là cổ phiếu của những người mới tham gia thị trường. Mới tham gia, mua vào giá đã cao, chỉ sau vài phiên giảm đã thấy lỗ hoa mắt, lại vừa thiếu kinh nghiệm cộng với không có kiến thức phân tích nên lo lắng bán tháo.

Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán đưa ra nhận định, vừa rồi có thông tin ngân hàng sẽ hạn chế việc cầm cố cổ phiếu, nên các nhà đầu tư phải bán cổ phiếu ra để lấy vốn. Cũng đã có ý kiến cho rằng sau một hồi tăng, thị trường sẽ có đoạn chững lại để “nghe ngóng”, nhất là thời điểm mấy ngày qua các kênh truyền thông đưa ra cảnh báo về tốc độ tăng quá nóng của chứng khoán.

Theo nhận định của những người có kinh nghiệm, giá cổ phiếu có thể chao đảo nhưng các công ty vẫn giữ nguyên giá trị thực. Và vì vậy nền kinh tế cũng chẳng có gì phải chao đảo. Thị trường lên xuống là bình thường,

Song việc tất cả các cổ phiếu cùng lên lên rồi lại cùng xuống, liệu đó có phải là điều bình thường? Xét về hiệu quả đầu tư, thì nhà đầu tư cần phải hiểu được các quy luật, kể cả những quy luật… bất thường. Cuộc chơi nào cũng vậy, thua thiệt sẽ thuộc về người không biết luật chơi.

Theo Đông Hiếu - Đặng Vỹ

VietnamNet

MỚI - NÓNG