Tàu cá vi phạm IUU: Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu các bộ ngành, địa phương triển khai giải pháp sớm khắc phục "thẻ vàng" thủy sản của EC.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu các bộ ngành, địa phương triển khai giải pháp sớm khắc phục "thẻ vàng" thủy sản của EC.
TPO - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành, 28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng trong việc khắc phục “thẻ vàng” về thủy sản của EU.  Để tàu cá đánh bắt hợp pháp ở nước ngoài, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.  

Ngày 3/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 địa phương ven biển về triển khai thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng về một số nhiệm vụ và giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 

Theo Bộ NN&PTNT, ngày 23/10/2017,  EC cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, do chúng ta chưa kiểm soát được hoạt động khai thác thủy sản IUU, đồng thời đưa ra 9 khuyến nghị với Việt Nam.

Sau hơn 8 tháng kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, Việt Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và bước đầu có một số kết quả trong việc chống khai thác IUU.

Việt Nam cơ bản đã nội luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực về chống khai thác IUU trong Luật Thuỷ sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật. Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt, công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có tiến bộ...

Trong đợt kiểm tra từ 16-24/5/2018 vừa qua, Đoàn Thanh tra EC đã ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ NN&PTNT triển khai các hành động chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, so với những khuyến cáo của EC, Việt Nam vẫn còn nhiều “lỗ hổng” cẩn khắc phục trong thời gian tới, kể cả khung pháp lý và đặc biệt là tính thực thi ở các địa phương. Đến nay, một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, như Công điện 732, Chỉ thị 45, Quyết định 78… nhất là sau thời điểm EC cảnh báo “thẻ vàng”, vẫn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Từ ngày 23/10/2017 đến nay đã xảy ra 44 vụ (75 tàu) với 482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. 

Trong đó, nhiều nhất là Kiên Giang (15 vụ/26 tàu), Cà Mau (12 vụ/15 tàu), Bình Định (5 vụ/8 tàu), Bình Thuận (5 vụ/7 tàu), Bến Tre (3 vụ/11 tàu). Các địa phương khác như Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tiền Giang, mỗi tỉnh đều “dính” một vụ.

Ngoài ra còn có 48 vụ/77 tàu/589 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại khu vực chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, chưa rõ tọa độ, chủ yếu cũng tàu cá các địa phương nói trên.

Thông tin xác nhận, chứng nhận hải sản có nguồn gốc từ khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu chưa đảm bảo độ tin cậy, tính hợp pháp. Chưa kiểm soát được tàu cá ra vào cảng, tàu cá hoạt động trên biển và sản lượng hải sản cập bến. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá chưa được thực hiện thường xuyên và chưa xử lý nghiêm theo quy định…

Tàu cá vi phạm IUU: Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng ảnh 1 Tàu cá dài 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình, nếu vi phạm ở vùng biển nước ngoài có thể bị phạt 1 tỷ đồng, tịch thu tàu.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, 9 khuyến nghị của EC là những nội dung tích cực, trùng với định hướng chỉ đạo để xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững, hiệu quả. 

“Sau thời gian dài phát triển nhanh về bề rộng thì đã đến lúc cần phải chuyển sang một nghề cá khai thác có trách nhiệm bền vững, đảm bảo trụ cột về kinh tế cho đời sống của ngư dân, đảm bảo trụ cột về môi sinh, an toàn; đảm bảo trụ cột về môi trường bền vững, trong đó bao gồm cả sinh thái, khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản”- ông Cường nói.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ cấp thiết. “Nếu để EU tặng nặng thêm “thẻ đỏ”, thủy sản Việt Nam sẽ hết đường vào EU, lúc đó sẽ gây khó khăn rất lớn đến thu nhập, việc làm của ngư dân, tăng trưởng của ngành thủy sản và nền kinh tế”- Phó Thủ tướng lưu ý. 

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng qua các công điện, quyết định, chỉ thị, khắc phục những tồn tại liên quan đến đánh bắt hải sản bất hợp pháp.

Giao Bộ NN&PTNT chủ trì, tham mưu thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU của Chính phủ trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Tổ công tác liên ngành 689 hiện nay. Triển khai dự án thông tin quản lý nghề cá giai đoạn 2, trong đó lắp đặt thiết bị giám sát cho tất cả tàu cá dài 15 m trở lên theo yêu cầu của Luật Thủy sản (khoảng 28.600 tàu). Tàu ra khơi phải bật máy giám sát hành trình, nếu không xử phạt nghiêm.

Bộ Tài chính rà soát, bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương duy trì hệ thống giám sát Movimar thực hiện năm 2019 (cho khối tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên theo khuyến nghị của EC). 

Theo Phó Thủ tướng, cần tăng cường sự phối hợp và xử lý ngay giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển khi phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.  Cùng đó, có biện pháp xử lý quyết liệt như rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.

Các địa phương cập nhật danh sách các tàu cá đã vi phạm có nguy cơ tham gia vào hoạt động khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài để giám sát chặt. “Nếu không ngăn chặn tình trạng tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”- Phó Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG