Tàu cá xuất ngoại chui

Tàu cá xuất ngoại chui
TP - Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau), lo ngại: “Mấy tháng nay, nhiều ngư dân xin xác nhận cho tàu ngưng hoạt động để chuẩn bị khai thác theo tiêu chuẩn Malaysia. Nhiều lắm, tôi không dám ký luôn”.
Tàu cá xuất ngoại chui ảnh 1
Tàu cá Cà Mau trên biển - Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng

Một lão ngư ở thị trấn Sông Đốc cho biết, hầu hết tàu có trọng tải trên 50 tấn đều đã hoạt động hoặc đang chuẩn bị thủ tục để khai thác tại vùng biển Malaysia. Ngư dân đã đưa 50-60 chiếc tàu có trọng tải trên 50 tấn sang khai thác vùng biển Malaysia.

Ông Phạm Biên Giới, ngư dân ở thị trấn Sông Đốc, giải thích: “Maylaysia cấm tàu nhỏ khai thác gần bờ. Nếu phát hiện vi phạm sẽ phạt nặng lắm”.

Với danh nghĩa bán tàu cá cho người mang quốc tịch Malaysia, những chiếc tàu cá của ngư dân Cà Mau bây giờ có 2 bộ hồ sơ, một của Việt Nam để ra cửa biển, một của Malaysia để được khai thác ở vùng biển nước này. Ngư phủ trên những chiếc tàu xuất khẩu chui cũng có giấy tờ tùy thân theo qui định của hai nước.

Tự bơi

Hầu hết những ngư dân đã đưa tàu sang khai thác vùng biển Malaysia lại không thừa nhận việc đó vì sợ ảnh hưởng đến việc làm ăn. Ông TVC có tàu khai thác trên vùng biển Malaysia cho biết, các tàu sang Malaysia có trọng tải từ 50 tấn và công suất máy từ 90CV trở lên.

Ông TVC ở khóm 2, thị trấn Sông Đốc đưa trót lọt 3 tàu lưới vây với 40 ngư phủ sang Malaysia khai thác.

Ông làm thủ tục bán tàu với giá 163.000 USD, được trả trước 30.000 USD, có chứng thực tại Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP HCM. Nhưng thực chất, việc mua bán này không diễn ra, chỉ hợp thức hóa thủ tục tàu ngư dân Cà Mau để được phép khai thác ở vùng biển Malaysia. 

Ông PVH ở khóm 4, thị trấn Sông Đốc cũng có 3 tàu lưới kéo với 30 ngư phủ đang hoạt động khai thác ở vùng biển Malaysia từ nhiều tháng nay.

Ông đã làm đơn ngưng hoạt động có thời hạn, rồi ủy quyền cho người mang quốc tịch Malaysia để gởi qua Cty Dịch vụ Du lịch - Thương mại Abusama, tại số 73A Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15 (quận Phú Nhuận, TP HCM) làm môi giới hợp đồng với Malaysia.

Bà ĐNB ở khóm 6, thị trấn Sông Đốc, đang làm thủ tục bán 3 tàu lưới kéo cho người mang quốc tịch Malaysia. Thực chất việc mua bán không diễn ra, chỉ để nhằm có giấy phép khai thác của Malaysia. Khi người môi giới mang quốc tịch Malaysia được cấp phép khai thác thì bà ĐNB đưa 3 tàu cá với 30 ngư phủ sang Malaysia hoạt động khai thác hải sản.

Thông thường, để có giấy phép khai thác, ngư dân Cà Mau phải trả cho người môi giới khoảng 300 triệu đồng. Hằng tháng, chủ tàu đóng phí cho Malaysia 25 triệu đồng, chỉ được khai thác cách đất liền 30 hải lý, cách các đảo 15 hải lý.

Ông TVC cho biết thêm, khi tàu cá của ngư dân vi phạm qui định sẽ bị phạt và tịch thu sản phẩm.

Trúng mùa

Theo ngư dân Cà Mau, cái cách hợp thức hóa thủ tục để khai thác vùng biển Malaysia mà ngư dân Cà Mau hiện đang làm, ngư dân một số nước khác đã làm. Các tỉnh khác trong nước như Kiên Giang, Tiền Giang, Vũng Tàu, v.v, cũng đã làm.

Phải đóng cho môi giới số tiền khá lớn, đưa tàu đi xa, lại phải lén lút mà ngư dân vẫn rộn ràng kéo nhau đi vì khai thác trên ngư trường nước bạn, với những tiêu chuẩn của nước bạn, ngư dân trúng mùa.

Ngư dân Cà Mau cho biết, tàu đánh bắt khi được phép khai thác hải sản ở vùng biển Malaysia, mỗi chuyến biển được mua 20.000- 30.000 lít dầu, giá 8.100đ/lít. So với giá dầu tại Việt Nam 14.100đ/lít, ngư dân thủ chắc vài trăm triệu đồng mỗi chuyến biển tại vùng biển Malaysia.

Tàu cá hoạt động vùng biển Malaysia, mỗi chuyến biển phải bán 1- 2 tấn cá cho nước bạn. Mức nghĩa vụ này nhẹ hều so với kỹ năng khai thác của ngư dân Cà Mau.

Vả lại, Malaysia chỉ mua những loại cá có giá trị, còn tươi. Phần lớn sản phẩm khai thác được, ngư dân Cà Mau bán ngay trên vùng biển chồng lấn cho thương lái Cà Mau.

Trung bình, mỗi chuyến biển trên ngư trường Malaysia, mỗi tàu khai thác được 20 - 30 tấn hải sản, lợi nhuận thu được gấp 2-3 lần so với ngư trường trong nước.

Mỗi đợt hoạt động trên vùng biển Malaysia từ 3-4 tháng, ngư dân Cà Mau quay về sửa chữa tàu, tu bổ máy, ngư phủ thăm gia đình. Ông TVC cho biết, tàu cá đi mỗi đợt như thế thu lợi nhuận từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay là hoạt động xa đất liền, thời gian vài ba tháng mới về nhà nên các chủ tàu khó tìm đủ ngư phủ.

Tuyên truyền giáo dục

Phó chủ tịch Phạm Thành Tươi cho biết thêm, chưa đề ra việc xử lý ngư dân cho tàu xuất khẩu chui, nhưng phải đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục bà con, không tiếp tục đưa tàu sang vùng biển Malaysia khai thác.

Theo UBND Thị trấn Sông Đốc, thị trấn có 37 tàu cá, 415 ngư phủ sang vùng biển Malaysia khai thác. Nhưng cũng tại cửa biển thị trấn Sông Đốc, Chi cục Khai thác & Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Cà Mau thống kê chỉ có 32 tàu cá đã đi và 10 tàu cá đang chuẩn bị đi sang Malaysia. Còn ngư dân cho biết đã có 50-60 tàu sang vùng biển nước bạn.

Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Sông Đốc, nói: “Chúng tôi thấy hình thức hợp tác khai thác thông qua môi giới phức tạp, đã báo cáo tình hình lên trên nhưng chưa nhận được ý kiến chỉ đạo cụ thể”.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau họp với các ngành chức năng bàn biện pháp xử lý tình trạng ngư dân Cà Mau đưa tàu qua môi giới sang khai thác ở Malaysia.

Ông Phạm Thành Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, nói: “Cần phải cấm sang bán tàu cho người Malaysia, cấm hợp đồng khai thác với Malaysia. Đồng thời, chúng tôi báo cáo với Bộ NN - PTNT để trình với Chính phủ tìm đường chính thức cho đoàn tàu một cách an toàn, thuận lợi”.

Tuy nhiên, việc cấm đoán không dễ dàng. Ngừng khai thác ngư trường này, đưa tàu sang khai thác ngư trường khác hoặc bán tàu, pháp luật không cấm.

Còn nói về an toàn cho ngư dân, từ năm 2000 đến năm 2008, ngư dân Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ đòi tiền chuộc hoặc tịch thu 174 chiếc tàu cá, hàng ngàn ngư phủ bị phạt tù.

Chỉ tính riêng năm 2009, Cà Mau có 43 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, trong đó, bị Malaysia bắt giữ và tịch thu có 27 chiếc, bị phạt tù có 273 ngư phủ. Từ khi có đường dây môi giới hợp đồng khai thác với Malaysia, tàu cá Cà Mau bị Malaysia bắt giữ giảm hẳn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi:

Tìm đường an toàn cho ngư dân

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Phạm Thành Tươi nói: “Chúng tôi vừa ký công văn khẩn để chấn chỉnh hoạt động hợp đồng xuất ngọai chui của ngư dân khai thác trên vùng biển Malaysia. Trong đó, cấm xâm phạm vùng biển nước bạn, cấm hợp đồng khai thác bất hợp pháp trên vùng biển của nước bạn, cấm bán tàu cho người nước ngoài”.

Nhưng chiếc tàu là tài sản riêng của ngư dân, họ có quyền bán?

Chiếc tàu là tài sản riêng của bà con thì chúng tôi khuyên không nên sang bán. Riêng đối với những tàu hình thành từ nguồn vốn vay ngân hàng, chưa thanh toán xong là cấm.

Bởi vì, sau bão số 5 (năm 1997) hàng ngàn chiếc tàu được nâng cấp, sửa chữa, đóng mới bằng nguồn vốn hỗ trợ khắc phục hậu quả bão. Cho đến thời điểm này, bà con chưa trả nợ hết nợ vốn lẫn lãi.

Cấm sang bán tàu cho người nước ngoài để đảm bảo thu hồi vốn, sử dụng đúng mục đích và quản lý nguồn vốn vay.

Những chiếc tàu trước đây bị nước ngoài bắt, ngư dân mua lại thì thế nào?

Tàu của bà con bị tịch thu thì con tàu trở thành của nước ngoài. Việc mua bán tàu cá với nước ngoài vẫn chưa được Bộ NN - PTNT hướng dẫn cụ thể. Trước đây, ngư dân Cà Mau mua lại 2 chiếc tàu do nước ngoài bắt giữ, chúng tôi đã xin ý kiến nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay, ngư dân không bán tàu, không xâm phạm vùng biển nước bạn, mà tìm đến môi giới để hợp tác khai thác. Chính quyền cứ cấm và cứ tuyên truyền giáo dục nhưng ngư dân đang làm theo cách của họ để thoát khó khăn, thưa ông?

Nhiều lần chúng tôi kiến nghị với Bộ NN - PNNT trình Chính phủ ký hợp tác khai thác với các nước bạn trong khu vực nhưng chưa thành.

Nay, chúng tôi tiếp tục kiến nghị với Bộ NN - PTNT trình Chính phủ thực hiện vấn đề trên để bà con hợp tác khai thác với các nước.

Con đường khai thác an toàn, hiệu quả, hợp pháp là mong mỏi của chính quyền địa phương và bà con ngư dân.

Nguyễn Tiến Hưng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.