Tàu đánh cá xa bờ… nằm bờ

Tàu đánh cá xa bờ… nằm bờ
Gần nửa đời đi tàu, bám biển, ông Bùi Tấn Viết ở Phước Tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu chưa bao giờ ngờ được rằng có ngày mình phải đem con tàu ra để gán nợ. Thế mà...

Ở vùng đất của nghề đánh bắt xa bờ này đâu chỉ có ông Viết, hàng trăm ngư dân cũng đành phải ngậm ngùi chia tay với những con tàu.

"Gặm" tàu ăn dần

Nhiều lần tôi tìm đến nhà, anh Trần Thành Mình (Phước Tỉnh, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) đều đi vắng. Đứa con lớn của anh Mình nói: “Ba con ngày nào cũng đi từ sáng sớm tới khuya mới về”.

Từng là ông chủ của bốn chiếc tàu đánh cá xa bờ, gia sản có đến vài tỉ đồng, nhưng giờ đây anh Mình là người phụ việc trên bờ, ai kêu gì làm nấy để kiếm dăm ba chục ngàn mỗi ngày.

Một chiếc tàu cá bị sóng biển đánh chìm, một chiếc phải bán đi để lấy tiền bù vào các khoản thua lỗ, hai chiếc còn lại trị giá 2,1 tỉ đồng cũng phải giao luôn cho ngân hàng với giá bán chỉ còn hơn một nửa.

“Không giao cho ngân hàng thì lấy gì để trả nợ hả chú? Càng giữ tàu, món nợ càng phình ra” - ông Bùi Tấn Viết nói.

Sau cơn bão số 5 năm 1997, ông Viết được duyệt vay 375 triệu đồng theo chương trình đánh bắt xa bờ để sửa chữa lại tàu cá, số tiền đầu tư cho con tàu lúc đó lên hơn 1 tỉ đồng.

Thế nhưng chỉ vài năm đầu làm ăn có lãi, những chuyến đi biển những năm gần đây liên tục thua lỗ, không những nợ gốc không trả được mà ngay cả lãi vay ông Viết cũng không có để trả.

Đầu năm nay, ông Viết đành phải giao tàu cho ngân hàng bán đấu giá để trả nợ. Sau hai lần định giá, từ 255 triệu đồng xuống còn 175 triệu đồng, con tàu của ông Viết đã sang tay cho chủ mới, còn gia đình ông “ôm” nợ trên 200 triệu đồng! “Giao con tàu mà như giao đứa con mình đẻ ra cho người khác chú ơi”- ông Viết than thở.

Trong vòng hai năm nay, ở xã Phước Tỉnh đã có gần 20 ngư dân phải bán tàu đánh cá vì làm ăn thua lỗ.

Tàu đánh cá xa bờ… nằm bờ ảnh 1
Tận thu tất cả những gì vướng vào lưới để mót những đồng tiền lẻ bù vào giá xăng dầu

Ông Thanh - chủ đội tàu đánh bắt xa bờ sáu chiếc tại phường 5, TP Vũng Tàu - cho biết từ đầu năm đến nay, phần lớn ngư dân tại đây đều rơi vào tình trạng thua lỗ sau các chuyến đi biển, đội tàu nào hiệu quả nhất cũng chỉ đủ khả năng hòa vốn.

Ngay cả các “bạn” theo tàu hiện nay cũng không dám đi biển theo hình thức ăn chia trên lợi nhuận, thay vào đó là yêu cầu chủ tàu trả lương theo ngày làm việc.

Nếu ăn chia tỉ lệ trên lợi nhuận, các “bạn” tàu có nguy cơ trắng tay sau 2-3 tháng làm việc cật lực trên biển do các chuyến đi biển đều thua lỗ. Thua lỗ như vậy sao vẫn đưa tàu ra khơi?

Ông Thanh phân trần: “Biết là thua lỗ nhưng chẳng lẽ cho tàu “trùm mền” nằm bờ mãi, phải cho tàu đi đánh bắt mới có cái ăn. Kéo dài như vậy nên cứ “ăn” dần vào vốn, vào tàu cá”.

Ngư trường cạn kiệt

Hôm nghe tin giá dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít, cả nhà ông Phan Văn Cẩm - chủ đội 12 chiếc tàu đánh bắt xa bờ tại TP Vũng Tàu - choáng váng.

Ông Cẩm tính toán với giá dầu tăng như hiện nay, chi phí đi biển bị đội thêm 35-50 triệu đồng/chiếc/chuyến. Từ đầu năm, những con tàu của đội tàu nhà ông Cẩm thay phiên nhau nằm bờ vì thua lỗ, nay tiếp tục nằm bờ.

“Ngư trường ngày càng cạn kiệt, cá ít dần mà số tàu cá lại quá nhiều. Chỉ cần có luồng cá nào là tàu tập trung nhiều đến độ lưới cá vướng vào nhau, rồi ẩu đả nhau để tranh giành”- ông Năm Nhành (Phước Tỉnh), người đã bán một trong ba chiếc tàu đánh bắt xa bờ với giá 100 triệu đồng, nói.

Nhiều ngư dân cho biết từ sau cơn bão số 5 đến nay, lượng tàu đánh cá tăng vọt tại nhiều địa phương.

Hoạt động đánh bắt xa bờ cũng như tiêu thụ hải sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng khó khăn hơn do nhiều đội tàu từ các tỉnh khu vực miền Trung cho đến Cà Mau đổ về ngư trường này khai thác rồi đưa vào tiêu thụ luôn. Những ngày tàu cá từ Ninh Thuận đến Kiên Giang đổ về cảng Vũng Tàu nhiều, giá cả các loại hải sản càng giảm mạnh.

“Cái khó cho ngư dân tụi tui là chẳng biết tìm đâu ra ngư trường tốt để đánh bắt. Quanh quẩn mãi những ngư trường đã khai thác đến cạn kiệt thì không hiệu quả, ra xa hơn thì gặp vùng biển chồng lấn”- một ngư dân tên Bí cho hay.

Các ngư dân đều biết việc đưa tàu ra vùng biển chồng lấn đánh bắt cá sẽ gặp rất nhiều nguy cơ bị nước bạn bắt giữ, nhưng rồi cũng nhắm mắt làm liều khi đuổi theo luồng cá. “Khổ lắm chú ơi, không đi đánh bắt ở các vùng biển chồng lấn thì chẳng biết có ngư trường nào còn cá mắm để khai thác”, ông Bí buồn bã.

Ông Lê Thành (Phước Tỉnh) cho rằng có thể vẫn còn nhiều ngư trường rất nhiều tiềm năng trong vùng biển VN, nhưng để tìm ra nó là chuyện ngoài tầm tay của ngư dân. “Số lượng tàu cá ngày càng tăng, ngư trường ngày càng bị cạn kiệt và thu hẹp, chưa kể chi phí dầu, đá đều tăng vọt, hoạt động đánh bắt xa bờ lâm vào ngõ cụt là điều không thể tránh khỏi”- ông Lê Thành nói và nhìn ra biển xa xăm.

MỚI - NÓNG