Taxi Grab - Bộ GTVT đề nghị, Đà Nẵng từ chối

Đà Nẵng lo Grab Car sẽ phá vỡ quy hoạch vận tải.
Đà Nẵng lo Grab Car sẽ phá vỡ quy hoạch vận tải.
TP - Dù Bộ GTVT có văn bản đề nghị Đà Nẵng (cùng Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh và Khánh Hòa) thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, lãnh đạo thành phố đã từ chối.

Ngày 23/11/2016 Bộ GTVT có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị cho phép triển khai loại hình Taxi GrabCar trên địa bàn. Đơn vị tham gia thí điểm là Công ty TNHH Grab Taxi và các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các tỉnh thành phố thực hiện thí điểm, theo nội dung đề án GrabCar do Công Ty TNHH GrabTaxi trình Bộ GTVT ngày 7/8/2015…

Theo văn bản trên, tại TP HCM và Hà Nội đã cho thấy hiệu quả về hoạt động kinh doanh vận tải của loại hình này là rất cao, góp phần giảm ùn tắc giao thông do phương tiện đến đón đúng  địa chỉ với quãng đường di chuyển ngắn nhất; hành khách sử dụng dịch vụ hài lòng vì thời gian chờ đợi ngắn và được đón chính xác theo địa điểm yêu cầu.  

Lo ùn tắc

Ngày 14/2, lãnh đạo Đà Nẵng có văn bản trả lời Bộ GTVT về việc chưa cho thí điểm triển khai ứng dụng GrabCar. Một trong những lý do Đà Nẵng đưa ra là việc triển khai mô hình GrabCar  hiện tại sẽ làm gia tăng số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ phá vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới taxi đã được thành phố phê duyệt, ùn tắc giao thông sẽ càng nghiêm trọng. Trong khi đó tình hình nhu cầu vận tải hành khách đang hoạt động ổn định.

Quan điểm trên của Đà Nẵng gây ra tranh cãi. Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư  Đà Nẵng), cho rằng: Hiện nay, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, hay luật thương mại, cạnh tranh đều không cấm hình thức hợp đồng điện tử hoặc các giao dịch hợp đồng hiện đại. Chúng ta cần tư duy tiên tiến hơn để đón nhận những giá trị, dịch vụ mới thì mới mong phát triển được.

“Với tốc độ phát triển phương tiện và điều kiện hạ tầng giao thông của Đà Nẵng hiện nay, TP đã và đang phải nghiên cứu triển khai nhiều giải pháp để hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết bài toán ùn tắc giao thông đang có dấu hiệu ngày một phức tạp. Do vậy, Thường trực Thành ủy thống nhất giao UBND TP có văn bản gửi Bộ GTVT về việc thành phố chưa thí điểm triển khai ứng dụng GrabCar tại thời điểm hiện nay”

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Về lo lắng ùn tắc giao thông, ông Cao nhận định: Chưa có cơ sở nào cho thấy điều đó cả, bởi lẽ cùng một phương thức vận chuyển giống nhau người dân dùng GrabCar rồi sẽ thôi chọn taxi khác.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng: Việc không cho phép Grab Việt Nam thực hiện thí điểm ở Đà Nẵng là một thiệt thòi lớn cho người sử dụng, chưa tạo cơ hội cho cạnh tranh lành mạnh. Rất mong chính quyền Đà Nẵng xem xét để đồng thời mang thêm lựa chọn cho người tiêu dùng mà vẫn không ảnh hưởng đến giao thông. Grab rất mong được đối thoại thêm với chính quyền để cùng tìm ra giải pháp.

Ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng nói rằng, Nhà nước cho ứng dụng công nghệ, Hiệp hội rất ủng hộ. Nhưng GrabCar đã không thực hiện đúng nội dung đề án thí điểm. Bản chất Grab Car là kinh doanh taxi. Taxi bị ràng buộc rất nhiều quy định, đặc biệt là giá cước phải đăng ký với Sở Tài chính và được các sở liên quan, UBND địa phương đồng ý. Trong khi loại hình Grab hay Uber không bị ràng buộc.

 “Nếu cho phép Grab hay Uber hoạt động sẽ tạo ra bất công trong thuế. Chúng tôi không đề nghị cấm, mà chỉ mong muốn kinh doanh thì phải đúng quy định, kinh doanh phải bình đẳng”, ông Nhân nói.

MỚI - NÓNG