Tây Bắc vẫn là địa bàn nghèo trọng điểm của cả nước

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPO - Ngày mai 21/9, tại Lào Cai sẽ diễn ra lễ tổng kết 5 năm chính sách tín dụng cho vùng Tây Bắc. Giai đoạn tới, các tỉnh vùng Tây bắc vẫn là địa bàn nghèo trọng điểm của cả nước, theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo.

Theo Ban chỉ đạo Tây Bắc, vùng Tây bắc có 45 huyện nghèo/64 huyện nghèo của cả nước được hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; có 12 huyện/30 huyện của cả nước có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng một số cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; 1.375 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện hỗ trợ theo Chương trình 135.

Với vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nhưng các tỉnh vùng Tây bắc có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đồi núi hiểm trở, gặp nhiều khó khăn về giao thông, thường xuyên chịu nhiều tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, như lũ, sạt lở, hạn hán,... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Bắc,  thời gian qua, tín dụng chính sách trở thành một công cụ không thể thiếu được trong quá trình tổ chức xây dựng kinh tế, xoá đói nghèo của khu vực có chiếm tới 4/5 số huyện nghèo cả nước. Trong hơn 6 năm qua, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, NHCSXH đã đồng hành cùng các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn như: Cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay hộ dân cho tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; cho vay bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (giai đoạn 2)...

Từ năm 2011 đến nay, đã có trên 2.220 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, góp phần giúp trên 318 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114 nghìn lao động, trong đó, gần 06 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 121 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 681 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; gần 61 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, có gần 360 căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (Thanh Hóa và Nghệ An)…

Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng đã giảm từ 34,58% (năm 2010) xuống còn dưới 15% (năm 2015). Giai đoạn tới, các tỉnh vùng Tây bắc vẫn là địa bàn nghèo trọng điểm của cả nước, theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận đa chiều năm 2015, các tỉnh vùng Tây bắc có tỷ lệ hộ nghèo bình quân là 29,14% (45 huyện nghèo là 49,98%, 12 huyện hưởng cơ chế 30a là 46,56%); trong đó có nhiều tỉnh tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước như: Điện biên (48,14%), Hà giang (43,65%), Cao bằng (42,53%), Lai châu (40,40%)…

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Quốc hội, chính phủ đã phê duyệt Tổng vốn thực hiện Chương trình là 48.397 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương cân đối là 41.449 tỷ đồng (theo dự kiến, vốn phân bố cho các tỉnh vùng Tây bắc chiếm khoảng 60% tổng nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí của cả chương trình);

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo tiếp tục được ưu tiên thực hiện trên địa bàn các tỉnh tây bắc, theo hướng tích hợp chính sách, mở rộng các chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, chuyển sang chính sách hỗ trợ có thu hồi, có hoàn trả, có điều kiện để phát huy tính chủ động vươn lên thoát nghèo của chính người nghèo.

MỚI - NÓNG