Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn:

Tay đua mới nổi trên đường đua BOT

Tay đua mới nổi trên đường đua BOT
TP - Từ số 0, khi có vận hội tham gia vào dự án trọng điểm quốc gia, có định hướng đúng, phương pháp khác biệt, Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC) đang trở thành một doanh nghiệp có các tố chất chuyên nghiệp và đầy tiềm lực.
Tay đua mới nổi trên đường đua BOT ảnh 1

Hầm Đèo Cả - nơi đánh dấu bước phát triển vượt bậc của SBRC.

Tỏa sáng từ Đèo Cả

Cách nay hơn 1 năm, tên tuổi SBRC bắt đầu được biết đến khi được chủ đầu tư hầm đường bộ Đèo Cả mời vào tham gia “ứng cứu tiến độ” tại dự án trọng điểm quốc gia này. Thời điểm đó, hầm Đèo Cả buộc phải hoàn thành, đưa vào khai thác trước mùa mưa năm 2017 đã đặt ra nhiều thách thức và cần giải pháp quyết liệt. Không ít nhà thầu đặt lợi ích của mình lên trên, gây áp lực với chủ đầu tư. Trong bối cảnh đó, SBRC được giao nhiệm vụ dẫn dắt và thúc đẩy công việc, đảm đương những phần việc khó, không có lợi nhuận nhưng loại trừ được các rủi ro, đảm bảo tiến độ
dự án.

SBRC vượt lên mọi hoài nghi, tiếp nhận nhiều mũi thi công dở dang và phức tạp như: Khoan hầm, hạ nền đường trong hầm, thi công bê tông vỏ hầm... Đồng thời, doanh nghiệp non trẻ này cùng lúc thi công nhiều hạng mục mới như: Nhà TMC (Trung tâm điều hành giao thông miền Trung đặt tại Đèo Cả), trung tâm cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, trạm thu phí…

Cuối cùng, SBRC khẳng định bằng những sản phẩm cụ thể, hoàn thiện toàn bộ các công việc được chủ đầu tư giao, góp phần quan trọng đưa dự án hầm Đèo Cả vào vận hành khai thác đúng kế hoạch vào ngày 21/8/2017.

Từ sự trưởng thành và khẳng định năng lực tại hầm Đèo Cả, SBRC đang được các chủ đầu tư giao thi công các hạng mục chính tại hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn…

“Lối chơi” đầy bản sắc

Trong quá trình thực hiện dự án hầm Đèo Cả, SBRC tổ chức các phòng thí nghiệm hiện trường, mời tổ chức kiểm định độc lập nghiên cứu toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Đặc biệt, công ty phối hợp với Phòng thí nghiệm trọng điểm của Trường Đại Học GTVT sử dụng thiết bị “Hamburg Wheel Tracker” để xác định độ sâu vệt lún.

Với phương châm “bạn có thể làm được mọi thứ nếu bạn có lòng nhiệt huyết”, ban điều hành SBRC phối hợp với nhà thầu Hòa Hiệp chủ động nghiên cứu và đề xuất sử dụng cát nghiền từ đá để thay thế cát tự nhiên. Quyết định này không những góp phần tăng độ ổn định của mặt đường mà còn giải bài toán khan hiếm cát. Quyết định này đặc biệt hiệu quả tại nhiều dự án khi chi phí vận chuyển cát từ đồng bằng đến chân công trình lớn hơn giá trị của cát. Bước đi trở nên bài bản hơn khi SBRC phối hợp với chủ đầu tư tổ chức hội thảo quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về bê tông nhựa nhằm trao đổi các kết quả thí nghiệm theo tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới.

Điểm mạnh của SBRC là triển khai các dự án về hầm kéo dài từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đến Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Trong khi đó, hầm là công trình đòi hỏi kỹ thuật cao (trước đây nhà thầu Việt Nam chủ yếu làm thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài). Vì vậy, SBRC chú trọng hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ tiến tiến của thế giới.

Điều này được ghi nhận vào tháng 6/2016, khi Hội đồng cố vấn của SBRC chủ động mời chuyên gia của Công ty Alpin Technik (CHLB Đức), sử dụng camera độ phân giải cao, kết hợp với phần mềm ATIS Viewer 4.2 để thu nhận toàn bộ các vết nứt của hầm Hải Vân 1, trước khi thi công hầm Hải Vân 2. Tiếp đó, nhóm khảo sát vận dụng tiêu chuẩn của CHLB Đức đánh giá hiện trạng của từng vết nứt theo 3 tiêu chí: Độ ổn định của kết cấu vỏ hầm, an toàn giao thông và độ bền công trình, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục lâu dài.

Tháng 4/2017, SBRC có sự cải tiến quan trọng trong hoạt động quản lý công trường tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Lần đầu tiên, thiết bị bay gắn camera (Flycam) được ứng dụng vào kiểm tra công trường. Đội ngũ kỹ sư và chuyên gia công nghệ thông tin của SBRC đang tiếp tục nghiên cứu sử dụng ô tô chuyên dụng có gắn màn hình kết nối với hệ thống camera gắn trên đầu xe và Flycam bay tự động dọc theo tim tuyến. Với cách làm này, Ban điều hành và đội ngũ chuyên gia, cố vấn cao cấp của công ty có thể trao đổi và can thiệp kịp thời các giải pháp kỹ thuật ngay trong quá trình chạy xe kiểm tra hiện trường.

Tay đua mới nổi trên đường đua BOT ảnh 2 SBRC đã cùng chủ đầu tư BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đưa thiết bị bay Flycam vào việc kiểm tra dự án. Ảnh: Bảo An.

Cải tổ để đơn giản, hiệu quả hơn

Hiện tại, SBRC được hoạch định phạm vi hoạt động trong nước và quốc tế với tính toàn diện trong hoạt động đầu tư và thi công hạ tầng. Các hoạt động chính sẽ bao gồm: Đầu tư dự án, thi công hầm – cầu – đường, quản lý vận hành công trình giao thông. Với việc mua lại cổ phần chi phối của Tập đoàn Hải Thạch, Công ty Quản lý vận hành hầm Hải Vân (Hamadeco)…, SBRC đang sở hữu các đơn vị có đội ngũ nhân lực tổ chức thi công và quản lý vận hành hầm đường bộ hàng đầu Việt Nam.

SBRC hiện đã có thể tự hào về đội ngũ nhân sự chuyên môn cao, tác phong chuyên nghiệp. Hội đồng quản trị và Ban điều hành tập trung nhiều nhân sự trẻ tài năng như: Lưu Bá Hợp, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Phan Văn Thắng, Trần Văn Thế… Hội đồng cố vấn với những chuyên gia đầu ngành như Tiến sỹ Hồ Nghĩa Dũng, PGS.TS Trần Chủng, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn và sự góp mặt của doanh nhân Hồ Minh Hoàng – Tổng Giám đốc Cty Đầu tư Đèo Cả. Những nhân sự trẻ trung, nhiệt huyết, mới tham gia vào hệ thống đang được đào tạo, rèn dũa kế cận cho những công việc lâu dài như Lê Viết Nghĩa, Võ Văn Tịnh, Vũ Minh Hoàng…

Ông Lưu Bá Hợp – Phó Chủ tịch HĐQT, từng 20 năm làm việc cho Tập đoàn công nghệ thông tin IBM tại Hoa Kỳ. Ông luôn ấp ủ, sau khi trải nghiệm đầy đủ ở một đất nước có nền khoa học phát triển bậc nhất thế giới như Mỹ được quay về đóng góp cho đất nước. Và cơ duyên đã đưa ông về với SBRC với vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị. “Sau khi tham dự vài cuộc họp ở cấp lãnh đạo, tham gia những cuộc đàm phán đầy thú vị, tôi rất ấn tượng với sự hiện đại, cập nhật và hiệu quả tương tác của quy trình tổ chức tại SBRC. Có thể nói, khó tìm ra sự khác biệt đáng kể nào giữa môi trường của SBRC với những gì tôi trải nghiệm tại Hoa Kỳ” - ông
Hợp nói.

Hiện nay, SBRC đang tập trung cho công tác tái cấu trúc toàn Tập đoàn với ba nhóm công việc chính: Quy hoạch con người, đào tạo đội ngũ kế cận; liên kết tài chính chiến lược với các đối tác tin cậy; chuyển đổi mô hình mang tính “cai trị” thành chính sách quản trị khoa học. Các nhóm việc đó đều hướng tới mục tiêu cao nhất: Làm cho mọi việc ở SBRC đơn giản hơn, con người gắn bó và hành động thiết thực hơn. 

PGS.TS. Trần Chủng, thành viên Ban cố vấn SBRC đánh giá: Là đơn vị “sinh sau đẻ muộn”, SBRC cần một toan tính thông minh nhưng hiệu quả. Đó là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực nghiệm cực nhanh với tâm thế người mở đường. SBRC đã có vận hội, từ vận hội đó đã nỗ lực đột phá, đi tắt đón đầu. Giờ đây, SBRC cần tiếp tục lòng say mê và quyết tâm làm được điều mình mong muốn với thái độ nghiêm túc học hỏi.

SBRC hiện đang thực hiện kiện toàn, tăng cường hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống. Trong đó, chú trọng thành lập các chi bộ Đảng và tổ chức tốt công tác sinh hoạt Đảng cho gần 150 đảng viên đang công tác trong Tập đoàn.

MỚI - NÓNG