Tây Nguyên: Lạy trời mưa xuống...

Tây Nguyên: Lạy trời mưa xuống...
Nguyên gốc tiếng M’Nông Đăk Lăk có thể dịch nghĩa là nước hồ. Thế nhưng đến nay trên 400 hồ nhỏ và vừa ở Đăk Lăk đều đã cạn khô. NƯỚC đang là mối quan tâm hàng đầu, bởi đây là tỉnh đang “khát” nhất Tây Nguyên.

Nước! Nước!

Cho tới 24/2, ước tính riêng diện tích cà phê khô hạn trên toàn tỉnh Đăk Lăk đã có tới gần 70.000/163.680 ha. Tôi “tháp tùng” lãnh đạo tỉnh và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thị sát tình hình hạn hán và phòng chống cháy rừng ở một số địa bàn trọng điểm, đến đâu cũng thấy suối hồ khô cạn, nông dân vã mồ hôi chạy tìm nguồn nước và cán bộ thở than bồn chồn: “Gay lắm! Gay lắm!”.

Phía Nam tỉnh, thôn Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) là điểm dân cư đầu tiên trong tỉnh diễn ra chuyện mua bán nước sinh hoạt chở tới tận nhà với giá 10.000đ/phuy 200 lít, tương đương 50.000đ/m3, gấp hơn 20 lần giá bán nước sinh hoạt của Cty Cấp thoát nước Đăk Lăk.

Không riêng Cư Kty, các xã lân cận như Hoà Thành, Hoà Tân, Tân Kang, Ea Trul lúa đang thì con gái đã khô quắt như rạ xám cả mặt đồng. Huyện Krông Ana có cả đoạn sông dài cùng tên, lo xa thiếu nước đã chủ động giảm diện tích gieo trồng vụ đông Xuân hẳn 1000 ha so với kế hoạch, nhưng tới nay cũng đã có 355/ 2876 ha lúa màu thất thu.

Ông Lê Văn Ánh - Chủ tịch huyện - điểm tên 8 xã hạn nặng, lo lắng “Tính sơ vụ này Krông Ana mất 8 vạn tấn thóc. Dân đói thì chớ lại thiếu cả nước sinh hoạt, cần tỉnh hỗ trợ xăng dầu gấp để tăng cường bơm tưới, không thì nguy!”.

Phía Bắc tỉnh, những dòng chảy từng làm tươi mát huyện Ea H’leo như suối Ea Drăng, suối Ea Khanh đều cạn trơ đáy. Cả 9 xã và 1 thị trấn của huyện toàn dùng nước giếng. Từ sau Tết phần lớn giếng đã kiệt nước. Lãnh đạo huyện cấp tốc chỉ thị dân chúng ai còn trữ được nguồn nước nào thì vui lòng san sẻ cho nhau, ưu tiên giúp các buôn đồng bào bản địa.

Huyện trồng cà phê nhiều nhất tỉnh là Cư M’gar thì toàn bộ 33.100 ha cà phê đều bị đưa vào diện hạn, ước sản lượng vụ tới giảm 1.500 tấn nhân. Huyện Krông Buk những cuộc xung đột vì tranh chấp nước tưới đã lên đến cao trào , đành cầu viện tỉnh.

Ngày 22/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Đức Khiêm phải ký gấp công văn về việc điều tiết nước, yêu cầu Xí nghiệp cà phê AT nêu cao tinh thần tương thân tương trợ bằng cách xả bớt 1,4 triệu mét khối nước sau khi tưới 800 ha cà phê còn dư từ 2 hồ Ea Tlul và Ea Ksuy  xuống cho nông dân đang khóc vì hạn khốc liệt dưới vùng hạ lưu.

Krông Buk có diện tích cà phê lớn thứ nhì tỉnh sau Cư M’gar, có hơn 19.100 ha cà phê vào tuổi kinh doanh bị hạn nặng, sản lượng ước giảm đến hơn 16.000 tấn quy theo thời giá 11 triệu đồng/ tấn nhân, thì riêng giảm sản cà phê huyện Krông Buk đã mất đứt 176 tỉ đồng.

Phía Tây tỉnh, chân các cánh rừng khộp bạt ngàn rụng lá trải đầy le bụi chết khô. Để ngăn trước thảm hoạ cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai lực lượng phát dọn, đốt non đón đầu hàng vạn hecta. Các đồn biên phòng 741, 737 thuê chuyên gia địa chất khoan giếng sâu trên dưới 70 mét chỉ đủ nước ăn uống, đánh răng rửa mặt. Muốn tắm giặt, các chú bộ đội lại ca bài “Hành quân xa” vài cây số ra sông…

Nước ngầm, ngươi ở đâu ?

Đó là câu hỏi thường trực ám ảnh ông Bùi Minh Kính, Giám đốc Cty Cấp thoát nước Đăk Lăk. Gần 30 năm công tác gắn bó với ngành cấp nước, mọi vấn đề về nước sạch ông rành rẽ và thuộc như trong lòng bàn tay.

Sau bao mùa khô hạn chịu đựng vô số cú điện thoại gay gắt mắng mỏ của những vị khách hàng nóng tính bị cúp nước, năm 2002 ông thở phào khi hệ thống khai thác nước ngầm công suất 49.000m3/ ngày đêm trị giá 271 tỉ đồng phần lớn do Đan Mạch tài trợ đi vào vận hành.

Theo dự án thì công suất này đủ phục vụ cho cư dân nội thành Buôn Ma Thuột đến năm 2015. Thế nhưng yên ổn chưa lâu thì nguồn nước khai thác đã vơi nghiêm trọng. Đến ngày 21/2/2005 đã có 13/27 giếng ngầm mới 2 tuổi của Cty trở nên vô dụng vì không còn nước, trong  đó 10 giếng do các “ông Tây”  định vị  mũi khoan sau khi chụp ảnh vệ tinh và được khẳng định tuổi thọ “túi nước” mỗi giếng cho phép khai thác liên tục khoảng 27 năm.

Trạm cấp nước Ea Cotam, Ea Msen mỗi nơi đặt 3 giàn máy nay chỉ chạy được 1 máy nhưng chỉ bơm 20-25 phút lại phải nghỉ 2 tiếng, trạm Cư Pul 2/3 máy  chạy nửa ngày nghỉ nửa ngày.

Chiều 23/2 tôi đến giếng khoan KP 21 chứng kiến cảnh công nhân đang hì hục đổi máy bơm vì lượng nước còn quá ít, ông Kính thở dài: “Nước không đủ cấp mà phải thay bơm lớn bằng bơm nhỏ, hỏi có đau không!”. 

Giải pháp sẽ phải áp dụng từ nay đến cuối mùa khô năm 2005 là lại lên lịch cúp nước luân phiên, kêu gọi toàn dân tiết kiệm nước và cấp tốc khoan thêm một số giếng bổ sung. Còn về lâu dài thì không thể tiếp tục dựa vào các nguồn nước ngầm dù rất sạch, mà phải lập phương án xây dựng và khai thác nước mặt từ các hồ đập lớn. 

Phương án chống hạn lâu dài cho Tây Nguyên

Theo ông Bùi Minh Kính Giám đốc Cty Cấp thoát nước Đăk Lăk: “Lấy nước từ hồ Ea Nhái hoặc hồ Krông Buk Hạ về bổ sung cho nguồn nước sinh hoạt nội thành Buôn Ma Thuột  mới là kế sách lâu dài.

Tuy nhiên dẫn nước từ hồ Ea Nhái về đến trạm cấp nước Cư Pul lợi hơn vì chỉ xa 10km, tiết kiệm 30% điện năng, bảo dưỡng dễ, tổng chi phí xây dựng đường ống và nhà máy xử lý nước mặt chỉ khoảng 50 tỷ, tiết kiệm được phân nửa so với lấy nước từ Krông Buk Hạ cách Cư Pul đến 28km”.

Còn ông Lê Đức Quang, Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo và ông Lê Thành Tễ, Bí thư huyện uỷ Krông Bâng đều cho rằng: Kế sách chống hạn lâu dài và bền vững nhất cho Tây Nguyên là phải trồng rừng và giữ được rừng. Vì thực tế những nơi xảy ra hạn nghiêm trọng nhất thì vùng rừng đầu nguồn đều bị chặt phá nghiêm trọng. 

MỚI - NÓNG