Temasek mua 30% cổ phần Pacific Airlines

Temasek mua 30% cổ phần Pacific Airlines
Dự kiến, đầu tháng 9 tới, Temasek sẽ chính thức mua 30% vốn cổ phần của Pacific Airlines, tương đương khoảng 50 triệu USD trên tổng số 167 triệu USD giá trị của hãng hàng không này.

Hiện tại, mọi thủ tục mua bán cổ phần giữa Hãng hàng không Pacific Airlines và Tập đoàn Temasek (Singapore) đang bước vào giai đoạn cuối.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm kiêm Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Pacific Airlines cho biết, khi tiến hành tái cơ cấu, ngoài Temasek, Bộ đã nhận được đề nghị tham gia của hai hãng hàng không danh tiếng là Boeing và Airbus cùng các ngân hàng lớn của nước ngoài.

Bộ Tài chính quyết định chọn Temasek, bởi đây là công ty đầu tư tài chính Nhà nước của Singapore, quản lý toàn bộ vốn đầu tư nhà nước trong các công ty cổ phần nước này như hàng không, giao thông vận tải, viễn thông, bất động sản...

Đây là một doanh nghiệp lớn của Singapore và là một trong những công ty hàng đầu thế giới, vì vậy, Bộ Tài chính hy vọng, với kinh nghiệm quản trị và khả năng điều hành của tập đoàn này, sẽ vực dậy được Pacific Airlines đang trên bờ vực phá sản.

Trong khi đó, những đối tác còn lại là nhà đầu tư, kinh doanh máy bay nên khả năng điều hành một hãng hàng không còn hạn chế.

Ngoài những lý do trên, theo nhận định của một chuyên gia, còn có lý do khác nữa khiến Bộ Tài chính phải tính toán khi chọn đối tác chiến lược là nếu mời Boeing và Airbus tham gia thì với tiềm lực của mình, những đối tác này sẽ gây khó khăn cho Vietnam Airlines ngay lập tức.

Ngoài ra, nếu tham gia thì hai hãng này cũng muốn đầu tư trực tiếp thay vì đầu tư gián tiếp vào Pacific Airlines.

Ngoài những nhà đầu tư trên, trong thời gian tiến hành tái cơ cấu Pacific Airlines, Bộ Tài chính còn nhận được rất nhiều đề nghị mua cổ phần từ những nhà đầu tư lớn từ TPHCM.

“Chúng tôi nhận thấy họ ít có kinh nghiệm nên khó có khả năng quản lý, và như vậy, sẽ không có hãng hàng không nào dám cho Pacific Airlines thuê máy bay khi trong thành phần quản lý của hãng này là những nhà đầu tư đó.

Vietnam Airlines là một hãng hàng không lớn của Việt Nam, đã quản lý Pacific Airlines khoảng 10 năm nay nhưng hãng này vẫn bị lỗ. Vì vậy, việc chọn được một đối tác chiến lược để vực dậy Pacific Airlines là điều cần phải tính toán”, bà Tâm nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Pacific Airlines Trần Hữu Tiến, thời gian này, hiệu suất sử dụng ghế máy bay của hãng đang ở mức 92-94% so với 85-88% của Vietnam Airlines và hiện hãng không đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ của hành khách.

Ông Tiến cho rằng “Cơn bão” giá xăng dầu thời gian qua vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của hãng. Tuy nhiên, khi xây dựng phương án giá vé thì giá xăng dầu thế giới đang ở mức 50-52 USD/thùng và họ buộc phải tính toán hiệu suất sử dụng ghế là 72-74% thì mới mong ổn định.

"Hiện nay, hiệu suất sử dụng ghế của Pacific Airlines khoảng 92-94% nên khi giá xăng dầu tăng khoảng 60 USD/thùng chúng tôi vẫn hoạt động được”, ông Tiến giải thích.

Để có được kết quả này, theo ông ngay từ khi tiếp nhận hãng, công ty đã tăng cường quản lý bằng việc giám sát thu, chi tài chính chặt chẽ như tăng cường quản lý trong khâu phân phối vé cho các đại lý...

Bên cạnh đó, để thu hút đối tượng khách hàng bình dân, Pacific Airlines còn đề ra một chiến lược giảm giá vé hợp lý vào các thời điểm cũng như với các đối tượng là thương binh, thân nhân liệt sỹ.

Ông Tiến cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng kể từ khi về Bộ Tài chính, Pacific Airlines đã không phát sinh thêm lỗ, làm ăn hiệu quả và lương cán bộ nhân viên của hãng đã tăng lên 10-15%, trung bình khoảng 2,2 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm tăng khả năng cạnh tranh và công suất hoạt động, vào ngày 1/12 tới, hãng sẽ thuê thêm máy bay để ổn định đội bay hoạt động, các hợp đồng thuê máy bay được kéo dài 2 năm thay vì 3-6 tháng như trước đây.

Trong một động thái khác, để tách dần khỏi sự phụ thuộc Vietnam Airlines, Pacific Airlines đang xây dựng đề án về đội tự phục vụ mặt đất. Đề án này cũng sẽ giúp hãng giảm chi phí hoạt động, lao động dôi dư, kiểm soát chất lượng dịch vụ...

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.