Thả tôm lấp vụ, rủi ro khó lường

Thả tôm lấp vụ, rủi ro khó lường
TP - Nhiều hộ nuôi tôm sú ở Sóc Trăng ( và các tỉnh ĐBSCL) đang bước vào đợt thả nuôi tôm sú khắc phục thiệt hại, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa giảm. Hiện chỉ riêng tỉnh Sóc Trăng, đã có gần 25.500ha đầm tôm bị thiệt hại cần thả nuôi. Dự báo, mùa tôm năm nay vốn đã khó lại càng khó khăn hơn.

Thiếu trầm trọng con giống

Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, thời vụ thả nuôi tôm sú trở lại ở địa phương chỉ còn trong tháng 6. Theo ước tính của ngành nông nghiệp tỉnh, nếu thả nuôi lại toàn bộ 48.000 ha, tỉnh Sóc Trăng phải cần có trên 7 tỉ con giống. Còn nếu tính cả khu vực ĐBSCL thì nhu cầu con giống là rất lớn.

Đây sẽ là cơ hội để các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống đẩy giá bán lên cao, vì gần như toàn bộ diện tích thả nuôi tôm sú năm 2011 sẽ được bắt đầu lại chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Ông Phạm Minh Tiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết: Hiện tại, giá tôm giống đã lên tới 75 đồng/con, dự báo sẽ tăng nhiều hơn vì người nuôi đang chuẩn bị thả nuôi lấp vụ. Chất lượng con giống khó có thể kiểm soát được bởi quá nhiều nguồn, quá nhiều con giống cùng lúc được nhập về địa phương.

Kết quả kiểm dịch gần đây của cơ quan Thú y vùng VI và Cục Thú y cho thấy, có khoảng 70-80% tôm sú giống bố mẹ mang mầm bệnh đốm trắng, bệnh còi... Như vậy, rủi ro trong việc nuôi lấp vụ là không nhỏ.

Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng nói: Do tôm sú bố mẹ phải đánh bắt từ tự nhiên, nên khó có thể kiểm soát được dịch bệnh. Khi mua con giống, người nuôi cần xét nghiệm để chọn con giống tốt, nhằm tránh hiện tượng nhiễm bệnh ngay từ đầu. Loại bỏ những con giống có biểu hiện bất thường về cấu trúc tế bào hay dấu hiệu hoại tử gan tụy trước khi thả tôm xuống ao...

Nỗi lo dùng thuốc làm sạch ao

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều nông dân nuôi tôm ở Sóc Trăng sử dụng một số hóa chất, thuốc trừ sâu trong quá trình nuôi tôm. Cụ thể, sau khi lấy nước vào vuông tôm, nông dân phải xử lý triệt để các loại cá và giáp xác để tránh trường hợp chúng mang mầm bệnh vào ao nuôi cũng như ăn thịt tôm. Loại thuốc phổ biến mà nông dân hay dùng là rễ cây thuốc cá.

Thời gian gần đây trên thị trường có xuất hiện loại thuốc đóng bao (loại 10 kg) do Thái Lan sản xuất, có thành phần chiết xuất tương tự như rễ cây thuốc cá. Tuy nhiên, nếu dùng cây thuốc cá hoặc thuốc do Thái Lan sản xuất thì chi phí thường rất cao. Chính vì vậy, không ít nông dân đã lén lút dùng cả các loại thuốc trừ sâu rầy cho vùng nuôi tôm.

Ông T ở xã Khánh Hòa (huyện Vĩnh Châu) cho biết: “Một số nông dân dùng thuốc trừ sâu, rầy về để diệt cua, còng, cá trong ao nuôi vừa rẻ vừa hiệu quả”. Ông cho chúng tôi xem nhãn hiệu một loại thuốc trừ sâu mà ông đã sử dụng mấy năm qua (Visher-25N), trong thuốc này có hoạt chất Cypermethain 25%. Ngoài ra, loại thuốc được dân dùng phổ biến nhất là Thiodan. Chỉ cần rải thuốc này xuống một lúc là cá nổi đầu và chết.

Theo một cán bộ ngành nông nghiệp Sóc Trăng, trước đây, loại thuốc này chỉ cấm trong nuôi trồng thủy sản, vẫn được phép dùng cho các loại cây trồng trên cạn nên không khó mua. Nhiều người cho biết: “Mặc dù biết đây là loại thuốc bị cấm sử dụng nhưng vẫn dùng vì thuốc rải ra môi trường. Thuốc này dùng sau 20-30 ngày là mất hết chất độc, có thể thả tôm giống vào nuôi bình thường. Nhiều người sử dụng thuốc này mấy năm nay nhưng không khiến tôm chết. Năm nay tôm chết không phải do thuốc trừ sâu”.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, tôi nhận thấy môi trường ở vùng nuôi tôm rất xấu. Điều kiện cơ sở hạ tầng, thủy lợi rất nhiều nơi chỉ có một con kênh chạy dài cấp và thoát nước, không có ao xử lý lắng lọc. Tỉnh cần đề xuất hỗ trợ đầu tư thủy lợi cho vùng nuôi tôm, thực hiện tốt công tác quản lý giám sát môi trường thường xuyên, xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG