Thách thức từ nhân lực, hạ tầng yếu kém, tham nhũng

Thách thức từ nhân lực, hạ tầng yếu kém, tham nhũng
TP - Đó là những vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra với Việt Nam tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2007, được tổ chức ngày hôm qua, 4/11.
Thách thức từ nhân lực, hạ tầng yếu kém, tham nhũng ảnh 1
Các nhà đầu tư trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: N.P.C

Tại Diễn đàn, các nhà đầu tư nước ngoài có chung một nhận định: Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu xuất sắc trong việc đạt tới các mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, duy trì tăng trưởng và cải cách kinh tế.

Môi trường đầu tư và kinh doanh Việt Nam ngày càng gây ấn tượng mạnh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn than phiền rằng, họ đang gặp phải nhiều thách thức, trở ngại khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Ông Alain Cany - Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cho rằng, nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo là vấn đề cần quan tâm hàng đầu của các nhà kinh doanh ở Việt Nam.

Khó khăn lớn mà các doanh nghiệp tư nhân phải đương đầu là cố gắng của họ trong việc lôi cuốn và níu giữ các nhân viên có tay nghề cao, đặc biệt là các nhân viên quản lý.

Đây là vấn đề gây ảnh hưởng đến khả năng của các nhà kinh doanh trong và ngoài nước tại Việt Nam trong việc duy trì khả năng cạnh tranh của họ trong thị trường toàn cầu và vì thế rủi ro sẽ xảy ra, khiến Việt Nam bớt hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư.

Mặc dù nhân công giá rẻ là thế mạnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư song thách thức lớn nhất là chúng ta vẫn chưa có nguồn nhân lực có tay nghề cao.

Theo báo cáo của Vietnamworks, trong 12 tháng qua, cầu về lao động đã tăng 100%, trong khi cung về việc làm chỉ tăng khoảng 60%. Báo cáo cảm nhận môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp đang làm ăn ở Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ nhân viên có tay nghề chuyên môn cao, đặc biệt là các nhân viên quản lý giỏi.

Các tổ chức quốc tế cho rằng, sự mất cân đối trong thị trường lao động sẽ làm giảm ưu thế cạnh tranh của Việt Nam trên khía cạnh nguồn lao động dồi dào, tương đối rẻ và có trình độ. Việc thiếu hụt này cũng bộc lộ sự kém hiệu quả trong nỗ lực cải cách giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh nguồn nhân lực có tay nghề, vấn đề cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng biển và năng lượng điện được “mổ xẻ” nhiều nhất. Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ - ông Christopher Muessel - khẳng định: Cảng biển và điện là hai vấn đề then chốt để các nhà đầu tư đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông, chính những hạn chế về cơ sở hạ tầng là mối đe doạ tới việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc tham gia của khu vực tư nhân vào sự phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính và quản trị là một đòi hỏi cấp bách, đặc biệt là việc phát triển các cảng nước sâu và nhà máy điện.

Đồng quan điểm này, vị đại diện Phòng Thương mại Úc (AusCham) cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng chưa thỏa đáng và quá tải là một trong những rào cản chính tới sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Việc cung cấp điện, thông tin liên lạc, giao thông và các hạ tầng kỹ thuật khác chưa đủ độ tin cậy tạo ra tổn hại về thời gian và tiền bạc cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông kiến nghị: Sự quá tải cảng đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực TPHCM - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI đang trở thành một vấn đề bức xúc. Các Cty thuộc thành viên AusCham kiến nghị về các dự án xây dựng hải cảng với sự hợp tác của Cảng Sài Gòn.

Theo đó, đề nghị các cơ quan hữu trách cho phép và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào việc phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng các cơ sở hạ tầng trên bộ như đường sá, cầu cống...”.

Thay đổi địa chỉ Cty phải mất tới vài tuần!

Ông Paul Fairhead - Chủ tịch Phòng Thương mại Úc (AusCham) chi nhánh Hà Nội cho rằng, tham nhũng và tệ quan liêu có quan hệ chặt chẽ với nhau trong cản trở sự phát triển của Việt Nam. Về mặt kinh tế học, chúng là những “gánh nặng vô ích” cho nền kinh tế và xã hội Việt Nam.

Nói một cách khác, người dân Việt Nam chính là những người phải chịu đựng nhiều nhất. Tham nhũng và quan liêu đang ảnh hưởng tới sự phân bổ hiệu quả các nguồn lực và làm chậm lại năng suất kinh tế xã hội.

Khi mà đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên thì càng có nhiều cơ hội cho tham nhũng và vì thế các thành viên AusCham lo ngại rằng, các nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ chưa được đầu tư đủ nguồn lực để đáp ứng đòi hỏi trong tình hình mới.

Theo ông Paul Fairhead, mặc dù Việt Nam đã có nhiều cải thiện về thủ tục hành chính song trên thực tế, việc xin cấp phép kinh doanh, giấy phép lao động, chứng nhận đầu tư, hoàn thiện các thủ tục thuế và hải quan vẫn còn khá phức tạp và khó có thể thực hiện được “một cửa”. Ngay tại TPHCM, việc thay đổi địa chỉ chính thức của một Cty cũng phải mất tới vài tuần.

“AusCham đề nghị Chính phủ Việt Nam tăng cường nỗ lực thực hiện cải cách hành chính hơn nữa. Đặc biệt là cần làm rõ hơn lĩnh vực trách nhiệm của các cơ quan khác nhau, tập trung đầu mối trách nhiệm càng nhiều càng tốt” - Ông Paul Fairhead đề xuất.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc ghi nhận những ý kiến quan trọng của các đại biểu và hứa sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh Việt Nam trong thời gian tới. Mục tiêu là làm thế nào để Việt Nam thực sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất của các doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.