Thâm nhập giới “chim lợn”, “cửu bay” vùng biên ải

Thâm nhập giới “chim lợn”, “cửu bay” vùng biên ải
“Chim lợn”, “cửu bay” là tên gọi quen thuộc đối với dân buôn lậu xứ Lạng. Đó là một mắt xích không thể thiếu trong hệ thống các đầu nậu để chuyển hàng lậu từ biên giới về Lạng Sơn.
Thâm nhập giới “chim lợn”, “cửu bay” vùng biên ải ảnh 1
Một "cửu bay" chuẩn bị lên đường

Sau một tuần “nếm mật nằm gai” tại thị trấn Đồng Đăng để làm “cửu bay”, chúng tôi mới hiểu được vì sao các lực lượng chống buôn lậu dày như nêm cối mà hàng lậu vẫn hàng giờ, hàng ngày tràn qua biên giới xứ Lạng.

Nhận diện dân “cửu bay”

Ngỏ ý muốn làm quen với vài “cửu” hàng lậu, Minh (một tay áp tải hàng lậu sừng sỏ giờ đã giải nghệ) viết vài dòng nguệch ngoạc rồi bảo tôi đi tìm Dũng “Rô” ở xóm liều 06, cạnh chợ Đồng Đăng. Lần tìm mãi, tôi mới đến được con đường lầy lội, trơn trượt dẫn vào xóm liều 06.

Thấy người lạ, những ánh mắt từ sau tấm liếp quét ra như máy dò mìn, còn mấy “chim lợn” thì lượn lờ đầu đường mòn. Đang ngó nghiêng tìm, tôi bị một bàn tay cứng như thép túm lấy vai. Gã thanh niên đầu húi cua, mặt chằng chịt sẹo đưa tay hỏi: “Ông là bạn Minh “Bò” hả? Ông anh liều đấy, người lạ vào đây lơ ngơ nếu không ăn dao, ăn gạch cũng ăn xơ-ranh (kim tiêm) nhuốm máu của mấy thằng “ếch nhái”. Nói đoạn, Dũng “Rô” kéo tôi vào căn nhà lụp xụp, nằm dưới chân núi.

Chiếc bộ đàm trên thắt lưng Dũng “Rô” bỗng kêu lên rẹt rẹt, các “chim lợn” báo cáo về: “Sao xanh (biên phòng - PV) đã xuất hiện ở Hang Dơi”. Lát sau lại tiếp: “A lô! 128 (Đội chống buôn lậu huyện Cao Lộc - PV) đã khởi động”; “40 - 15 (trạm liên ngành Dốc Quýt - PV) đã nhổ neo”. Những vết sẹo chằng chịt trên mặt Dũng “Rô” phút chốc cuộn lên, đôi mắt vằn đỏ, nói vào bộ đàm vẻ trầm trọng: “Tẩu tán hàng trở về vị trí!”.

Vài phút sau, tiếng xe Minsk nổ râm ran đầu ngõ, khoảng hai chục “cửu bay” đã tập kết đầy nhà, không thấy có bọc hàng nào. Ngạc nhiên, tôi hỏi: “Hàng đâu hết rồi?”, Dũng “Rô” nói: “Còn để trên núi, muốn đem xuống phải xé lẻ để ở khắp xóm, nếu dồn vào một chỗ khác gì lạy ông tôi ở bụi này”. Dũng “Rô” quát: “Tuấn ra đường xem động tĩnh, mau lên”. Tôi xin Dũng “Rô” cho đi theo Tuấn - gã thanh niên có khuôn mặt đen như cột nhà cháy, Dũng “Rô” gật đầu đồng ý.

Tuấn quê ở xã Cộng Hoà (Nam Sách, Hải Dương). Tuấn mới 26 tuổi, song đã có 8 năm làm “cửu” vùng biên giới. Hồi mới lên Lạng Sơn, Tuấn được cai “cửu” tập trung vào đoàn quân vác hàng lậu xuyên rừng. Sau mấy năm, tích cóp được ít vốn Tuấn mua một chiếc xe Minsk giá 3 triệu, rồi đầu tư thêm 1 triệu để mông má, xoáy nòng thành 160 phân khối. Chiếc xe trông cũ kỹ, nát bươm, dầu mỡ cáu đen khắp thân máy nhưng vẫn chạy được tới 120 km/giờ.

“Ông anh kiếm được khá không?” - tôi hỏi. Tuấn lắc đầu: “Trải qua 8 năm làm cửu vạn nhưng vẫn chưa gửi được đồng nào về nhà. Đời “cửu bay” làm được bao nhiêu thì nộp phạt bấy nhiêu, phần lãi chỉ là ngày ba bữa cơm vào bụng”. Do lanh lợi và có kinh nghiệm, nên ngoài việc được trả 15 ngàn đồng/chuyến hàng từ xóm 05, 06 ra thị trấn Đồng Đăng, Tuấn còn được trả mỗi tháng 1 triệu tiền công làm “chim lợn”.

Công việc “chim lợn” của Tuấn là hàng ngày đóng vai xe ôm đứng ở đầu đường quan sát mọi di chuyển của lực lượng Hải quan và đồn biên phòng Cốc Nam, rồi thông báo qua bộ đàm liên tục cho các “cai cửu” và “chim lợn” khác. Theo Tuấn, mỗi “cai cửu” thường nuôi 7 - 8 “chim lợn”, cài cắm khắp nơi. Cai này lại trao đổi thông tin với cai khác để theo dõi sát sao mọi hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu. Khuôn mặt, hình dáng, tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình của mỗi cán bộ, các “chim lợn” đều nắm rõ.

Tuấn bảo: “Nếu mất hàng “cai cửu” sẽ tìm cách xin lại, xin không được thì đe dọa, thậm chí lôi vợ con họ ra uy hiếp. Đường cùng thì sai bọn đầu gấu, nghiện ngập vác dao kiếm đập phá nhà cửa của họ. Họ chờn tay lờ đi thì mình mới dễ dàng chuyển hàng...”.

Những tháng giáp hè này, hàng hoá từ Trung Quốc về nhiều nên mức thù lao cao hơn ngày thường. Thị trấn Đồng Đăng là nơi dễ hoạt động buôn lậu nên hầu hết cánh xe Minsk ở biên giới Lạng Sơn đều tập trung về đây.

Từ trên núi, những bao hàng ào ào thả xuống rồi phân tán vào nhà dân. Từ nhà dân, hàng hoá được chất lên xe Minsk cho đội “cửu bay” chở về thị trấn. Chất lên xe xong, nổ máy là “cửu bay” chạy “mát ga” (hết tốc độ) luôn. Tốc độ chạy phải 80 đến 100 km/giờ, để khi lực lượng chống buôn lậu có phát hiện cũng không kịp trở tay.

“Cửu bay” ở Đồng Đăng gồm có hai loại, loại ngụ cư và loại bản địa. Loại bản địa chủ yếu là người Nùng, Tày ở các bản làng dọc biên giới, nhiều nhất là ở xã Tân Mỹ. Thôn Cốc Nam và xóm 05, 06, rất nhiều người làm “cửu lậu”, gái vác hàng, trai làm “cửu bay”.

Loại ngụ cư thường là dân tứ xứ từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… Loại ngụ cư này đông đảo hơn bản địa, họ sống trong những ngôi nhà tạm ở xóm 05, 06, lấy đêm làm ngày, ngày làm đêm, thay nhau làm việc. Ngày thường, khu vực thị trấn Đồng Đăng có khoảng 300 “cửu bay” làm việc.

Liều mạng cũng chỉ vì nghèo

Thâm nhập giới “chim lợn”, “cửu bay” vùng biên ải ảnh 2
Một bãi tập kết xe của các cửu bay

1h sáng, Dũng “Rô” đưa tôi đi gặp Hoá -  một “chim lợn” chuyên nghiệp. Hoá được phân công “săn mồi” đêm trên quốc lộ mới đoạn từ thị trấn Đồng Đăng về thành phố Lạng Sơn, dài 14km. Nai nịt gọn gàng, trên tay là chiếc bộ đàm có giá 7 triệu đồng, công suất phát sóng 6 - 12 km, ăng ten inox sáng loáng, micrô nhỏ xíu gắn ở cổ áo, Hoá nhảy lên xe.

Chiếc Minsk cõng chúng tôi lướt đi trong đêm biên ải mưa rơi rả rích, gió lạnh thấu xương. Hoá bảo, đoạn đường này tốn nhiều “chim lợn” nhất, bởi vì phòng tuyến chống buôn lậu chốt dày như nêm cối. Từ Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị có trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt đón lõng các ngả đường, hướng cửa khẩu Chi Ma cũng có đội kiểm soát liên ngành của huyện Lộc Bình chốt chặt.

Kế đó là tuyến ngăn chặn vòng 3, bao gồm đội chống thất thu thuế huyện Cao Lộc, đội chống thất thu ngân sách thành phố Lạng Sơn. Vì thế, tranh thủ thời gian các trạm kiểm soát sơ hở như: ăn cơm, nghỉ trưa, thay ca...là các “chim lợn” thông tin cho “cửu bay” hoạt động. Với đoạn đường dài 14km, các “cửu bay” phải đi trong vòng 10 phút. Dù các lực lượng chống buôn lậu có phát hiện ra cũng không kịp xuất quân.

1h 32 phút, Hoá bấm máy bộ đàm tít tít hai tiếng rồi rồ ga phóng về phía trước. Hoá bảo đó là tín hiệu thông đường. Trước khi “triển khai” lực lượng, các “chim lợn” và “cai cửu” đều thống nhất dùng loại ký hiệu và tần số của bộ đàm cùng chiến thuật đổi tần số, ký hiệu theo giờ nhằm tránh sự phát hiện bởi máy quét sóng của lực lượng chống buôn lậu.

Một lát sau, những tiếng nổ rát tai vang lên từ phía sau, đèn pha xuyên màn đêm loang loáng, hơn chục “cửu bay” xé gió vọt lên như một cuộc đua khốc liệt. Phía sau, có 3 chiếc xe chở phụ nữ, không có hàng hoá gì, có nhiệm vụ cản đường. Nếu lực lượng chống buôn lậu đuổi theo thì đánh võng phía trước để “cửu bay” chạy nhanh về thành phố tẩu tán hàng. Những “cửu bay” đêm này thường chở hàng hoá có giá trị cao như: điện tử, điện máy, phụ tùng xe máy.

Bỗng nhiên nghe một tiếng “két két… roảng roảng”, chiếc xe Minsk mài xuống mặt đường, gã đàn ông nằm sõng xoài, đầu cố ngẩng lên, hai mắt ngơ ngác, máu hoà với nước mưa nhoè nhoẹt. Người đàn bà ngồi sau một chiếc xe cản đường khóc rống lên. Mấy tay áp tải lao vào gỡ bọc hàng trên chiếc xe bị nạn, chằng lên xe mình chạy tiếp. Chiếc khác bốc người bị nạn lên xe rồ ga nhằm hướng thành phố Lạng Sơn. Mọi hành động từ khi “cửu bay” bị nạn đến lúc tiếp tục lên đường chỉ diễn ra trong vòng 3 phút.

Hoá bảo: “Thằng ấy tên Vương, quê Hưng Yên, nhà nghèo lắm nên vợ chồng phải dắt nhau lên đây làm cửu vạn. Chiều nay, vợ nó đòi ngồi sau xe ôm hàng, nó không cho, bắt ngồi xe khác, nó bảo nếu không may tai nạn thì còn lại một đứa về quê nuôi con”.

Tôi hỏi: “Sao tai nạn sắp chết mà người ta chỉ quan tâm đến hàng hoá?”, Hoá phân trần: “Dù chết cũng phải tẩu tán hàng hoá trước đã, nếu mất hàng “cai cửu” đè cổ bắt đền thì lấy gì trả. Nhiều khi công an chặn xe giữa đường cũng phải nhắm mắt lao vào để bảo vệ hàng. Đời thằng cửu bạc là vì thế, có ai muốn liều mạng đâu, chỉ vì miếng cơm manh áo”.

Chúng tôi rời Lạng Sơn vội vã trên chuyến xe khách cuối cùng về Hà Nội. Trên xe lúc này chỉ có 4 vị khách, nhưng ở gầm ghế thì chất đầy hàng lậu. Tay lái xe cứ thế nhấn ga lao bạt mạng, như thể quên rằng trên xe đang hiện diện 4 con người.

Trung tá Phạm Anh Tuấn - Phó trưởng phòng CSGT Lạng Sơn cho biết: Năm 2004, Lạng Sơn xảy ra 155 vụ tai nạn xe máy, làm chết 61 người, bị thương 219 người. Trong số đó, không ít tai nạn do “cửu bay” phóng nhanh, vượt ẩu gây ra. Nếu bị phát hiện chở hàng lậu, “chim lợn” sẵn sàng lao thẳng vào xe máy, ô tô của CSGT nên rất nguy hiểm.

Từ Đồng Đăng về thành phố Lạng Sơn có tới 3 tuyến đường: Quốc lộ 1A mới, Quốc lộ 1 cũ, đường vành đai, nên việc triển khai lực lượng hết sức khó khăn vì không đủ quân số. Để giảm tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, cần phải tăng cường đấu tranh mạnh mẽ với tất cả các tụ điểm buôn lậu.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.