Tham nhũng bao giờ cũng có sự bảo trợ lớn

Tham nhũng bao giờ cũng có sự bảo trợ lớn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Những vấn đề Phát triển nhận định, tham nhũng bao giờ cũng có sự bảo trợ lớn nên có trường hợp người đứng đầu biết tham nhũng trong cơ quan mình mà không thể chống được.
Tham nhũng bao giờ cũng có sự bảo trợ lớn ảnh 1
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh. Ảnh: Tuổi Trẻ

"Tham nhũng đã trở thành hiện tượng mang tính chất cấu trúc và len lỏi vào mọi ngõ ngách xã hội nước ta hiện nay. Vì vậy, cần thiết phải lôi kéo nhiều người vào vòng trách nhiệm”.

Ông Dinh nói như vậy về nghị định 107 qui định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Nghị định này vừa được Chính phủ ban hành.

Ông cũng cho rằng cần có những “liều thuốc” cơ bản hơn nữa (nghị định) để trị tận gốc bệnh tham nhũng.

Thưa ông, việc ra đời nghị định 107 sẽ tác động như thế nào đến công tác phòng chống tham nhũng?

Trong bối cảnh hiện nay, tham nhũng ở Việt Nam không còn là hiện tượng đạo đức bình thường, mà đã trở thành hiện tượng mang tính chất cấu trúc và nó len lỏi vào khắp mọi nơi. Vì vậy, nghị định 107 rất cần thiết để lôi kéo nhiều người vào vòng trách nhiệm (đặc biệt là các thủ trưởng đơn vị) để họ cùng sợ mà ngăn chặn tham nhũng.

Tuy nhiên, có làm được nghiêm chỉnh không mới là chuyện đáng nói, còn bản thân nghị định chỉ là một “liều thuốc” cho căn bệnh tham nhũng.

Nếu tham nhũng không trở thành căn bệnh cấu trúc, chỉ là nguyên nhân đạo đức thì không cần thiết có nghị định bởi lúc đó người nào tham nhũng người đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Do đó, nghị định này mang tính chất tình thế, liên đới trách nhiệm, tất nhiên có góp phần chống tham nhũng nhưng chưa phải chống tận gốc.

Ông có cho rằng sở dĩ Chính phủ phải ban hành nghị định 107 bởi thời gian qua đa số các vụ tham nhũng trong các cơ quan nhà nước đều có sự dung túng, bao che của người đứng đầu?

Đúng vậy. Việc ban hành nghị định là một biện pháp đánh động để những người đứng đầu biết run sợ, buộc họ phải có hành động ngăn chặn tham nhũng trong cơ quan, tổ chức của mình.

Nếu hiểu tham nhũng là một căn bệnh đã lan tỏa khắp nơi thì có lẽ những người đứng đầu cơ quan, tổ chức đều dính vào, tuy nhiên những kiểu tham nhũng đó không vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Còn những vụ tham nhũng vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì các thủ trưởng không thể không biết, mặc dù có thể không dính vào. Vụ việc ở Bộ Giao thông Vận tải không thể nào nói bộ trưởng không biết, nhưng vì chưa có những ràng buộc lớn nên người đứng đầu chưa sợ.

Một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cho rằng muốn họ có trách nhiệm hơn đối với việc phòng chống tham nhũng thì phải tăng thêm quyền cho họ, bởi trên thực tế nhiều người đứng đầu không được quyền cách chức, đề bạt cán bộ cấp dưới của mình?

Nếu có quyết tâm thì vẫn có thể chống được tham nhũng vì những người đứng đầu chắc chắn sẽ biết những vụ việc tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình.

Việc tăng quyền cho người đứng đầu là điều kiện cần, bởi khi có quyền lực cụ thể mà họ vẫn để xảy ra tham nhũng thì mới nói đến chuyện xử lý trách nhiệm của họ.

Vì vậy, khi nhận được nghị định này, người đứng đầu sẽ phản ứng theo kiểu cảnh giác, lắng nghe dư luận xem có ai trong cơ quan mình có dấu hiệu tham nhũng để cảnh báo và báo cho cơ quan chức năng biết.

Nhưng thực tế có những trường hợp người đứng đầu biết tham nhũng trong cơ quan mình nhưng không thể chống được, vì tham nhũng liên quan đến hệ thống khác mà ở đó có những người cấp cao hơn can thiệp.

Ở các nước, người ta chống tham nhũng bằng luật. Ngoài ra, xã hội dân sự đòi hỏi chính quyền phải giải trình chứ họ ít dùng đến các nghị định, chỉ thị của chính phủ vì họ coi chính phủ bao giờ cũng “bênh” quan chức của chính phủ.

Yêu cầu giải trình đó được đưa vào luật và các tổ chức xã hội dân sự tác động vào quốc hội để các đại biểu quốc hội yêu cầu chính phủ giải trình.

Tham nhũng bao giờ cũng có sự bảo trợ lớn thì mới xảy ra được. Tuy nhiên, nghị định 107 sẽ là cú hích buộc họ phải tìm mọi cách để ngăn chặn tham nhũng.

Nghị định loại trừ trách nhiệm, miễn, giảm nhẹ hình thức kỷ luật cho người đứng đầu đã áp dụng biện pháp cần thiết nhưng không ngăn chặn được tham nhũng, hoặc đã có đơn xin từ chức được chấp thuận... Liệu việc này có là kẽ hở để những người có liên quan đến tham nhũng “hạ cánh an toàn”?

Tôi cho rằng đấy là cách mở lối cho người đứng đầu thẳng thắn, công minh chống tham nhũng nhưng bất khả kháng vì hệ thống tham nhũng ghê lắm, có thể được sự bao che từ cấp trên. Tôi không cho rằng có người lợi dụng qui định loại trừ, miễn giảm này để từ chức, “hạ cánh an toàn” vì bao giờ người ta cũng thích chức tước.

Quan điểm của ông thế nào khi nghị định không qui định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ nếu thành viên Chính phủ có tham nhũng?

Cần phải có một chế tài khác để bổ khuyết điều còn thiếu đó ở nghị định này. Theo quan điểm của tôi, để tương thích với nghị định này, Quốc hội phải có một thể chế qui định xử lý trách nhiệm của thủ tướng và các phó thủ tướng.

Thực tế thời gian qua rất nhiều vụ tham nhũng ở các bộ, ngành bị phanh phui mà người tham nhũng là thứ trưởng, vụ trưởng... nhưng người dân không nhận được từ Chính phủ sự ứng xử mang tính liên đới trách nhiệm?

Việc phát hiện tham nhũng ở Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thương mại là sự ngẫu nhiên và có tính “qui luật” vì đây là các bộ thuộc loại “siêu quyền lợi”.

Chống tham nhũng phải là một hoạt động mang tính lâu dài và hệ thống. Tuy nhiên, khi đã phát hiện những vụ việc tham nhũng lớn liên quan đến các vị quan chức cao cấp của Chính phủ, theo tôi, Chính phủ cần có một ứng xử thể hiện trách nhiệm liên đới. Điều đó vừa đúng pháp lý, đồng thời cũng hợp đạo lý vì khi Chính phủ nhận trách nhiệm thì người dân sẽ tin tưởng hơn.

Theo ông, nghị định 107 có phải là biện pháp phòng chống tận gốc tham nhũng?

Nếu chống tận gốc, phải làm sao cho tham nhũng không còn là căn bệnh cấu trúc. Muốn thế, thứ nhất, phải hoàn thiện hệ thống vận hành về kinh tế và xã hội, phải tạo nền kinh tế thị trường lành mạnh, đích thực, minh bạch.

Thứ hai, phải “chữa” về pháp lý, không thể có chuyện một số người, một số tổ chức đứng ngoài, đứng trên pháp luật (vụ việc tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn là một ví dụ).

Nếu còn tình trạng đó thì tham nhũng sẽ không bao giờ chống được. Tôi rất mừng khi mới đây Tổng bí thư Nông Đức Mạnh về Gia Lai nói với các cấp ủy địa phương rằng không được can thiệp vào công việc của tòa án. Tín hiệu đó rất tốt vì từ trước đến nay chúng ta can thiệp quá nhiều và bây giờ đã nhận thấy bất cập đó.

Thứ ba, chính quyền phải tôn trọng ý kiến của người dân, phải đối thoại với người dân. Giải quyết tốt ba vấn đề này sẽ khiến tham nhũng chỉ còn là tham nhũng do nguyên nhân đạo đức và khi đó sẽ dễ trị hơn.

Theo Khiết Hưng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG