Tham tán thương mại phải vì lợi ích quốc gia

Hàng thủy sản của Việt Nam thời gian tới xuất khẩu sẽ gặp nhiều rào cản hơn từ các nước và các tham tán thương mại sẽ phải gánh trách nhiệm nặng nề hơn. Ảnh: Thục Quyên.
Hàng thủy sản của Việt Nam thời gian tới xuất khẩu sẽ gặp nhiều rào cản hơn từ các nước và các tham tán thương mại sẽ phải gánh trách nhiệm nặng nề hơn. Ảnh: Thục Quyên.
TP - Doanh nghiệp vẫn đang phải tự bơi và mù thông tin về xuất khẩu. Vai trò của các tham tán thương mại mờ nhạt, các tham tán thương mại làm gì cũng phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc… Đó là những đánh giá, được lãnh đạo các hiệp hội, địa phương và cả Chính phủ về những “cánh tay nối dài” của nền kinh tế.

Chênh vênh tham tán thương mại

Khá mờ nhạt… là đánh giá của ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khi nói về vai trò cầu nối của tham tán thương mại tại Hội nghị Tham tán thương mại do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/2. Theo ông Hùng, các tham tán hiện nay chưa giúp được gì nhiều về mặt thông tin thị trường cho khối doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. “Tham tán thương mại chỉ đủ duy trì sự hiện diện của mình ở các nước còn việc tổ chức các đoàn, các chương trình về Việt Nam, tới các địa phương là việc quá sức”, ông Hùng đánh giá.

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm giao thoa của các hiệp định thương mại đỉnh cao của khu vực và thế giới, bên cạnh là cầu nối, là cánh tay nối dài của Chính phủ và DN ở nước ngoài, các tham tán còn phải trở thành những radar về thông tin cho doanh nghiệp, cho đất nước, cũng như tham gia vào các chương trình kiến nghị chính sách, thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế cũng như giới thiệu cho DN trong nước các mô hình quản trị mới nhất.

“Thực tế hiện nay, thương vụ mới chỉ có thể cung cấp thông tin chung, chưa thể cung cấp các thông tin chuyên sâu dù DN và các hiệp hội trong nước sẵn sàng chi trả phí dịch vụ”, ông Lộc cho biết.

“Bộ Công Thương phải giao chỉ tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu cho các cơ quan thương vụ. Kinh tế không phát triển thì đừng nói này khác. Nghèo khó nói chuyện lắm. Đất nước còn nghèo, đi công tác nước ngoài tốn kém thế thì các đồng chí biết nên cần phải hết lòng hết sức vì dân, vì nước”. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông, có tình trạng các thương vụ và cơ quan xúc tiến đầu tư của các bộ hoạt động theo kiểu mạnh ai lấy làm, chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau trong trao đổi thông tin và triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, gây lãng phí nguồn lực. Cũng theo ông Đông, cơ quan này có 8 đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài và thực tế cũng chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ DN hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề hội nghị, đại diện một hiệp hội đánh giá, tham tán thương mại phải “lột xác”, phải thay đổi từ tư duy đến cách làm, đặc biệt phải thật sự hết lòng vì DN thì việc tạo cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới mới có hiệu quả. “Tại cuộc họp trước đó của Bộ Công Thương với các tham tán thương mại có sự tham gia của các hiệp hội, DN ngành hàng, nhiều ý kiến cũng cho rằng các tham tán thương mại chưa giúp được nhiều cho khối DN, nhất là khối DN nhỏ và vừa. Họ phải nhìn vào sự thật này thì mới thấy được trách nhiệm nặng nề của mình”, vị này cho biết.

“DN còn bị khó khăn thì chúng ta còn lỗi”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với 14 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký, ngành công thương, trong đó có các tham tán thương mại cần nỗ lực hành động trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo đó, các cơ quan thương vụ cần tích cực nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để tham mưu cho Bộ Công Thương, Chính phủ hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia, nhất là cải cách các thủ tục hành chính. Các tham tán cần có hành động cụ thể hỗ trợ người dân, DN để vượt qua khó khăn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đưa ra những con số cụ thể về bức tranh của nền kinh tế với hình ảnh hoạt động của 600 nghìn DN, trong đó chỉ có khoảng 400 nghìn đơn vị đang đóng, nộp thuế (số còn lại đang gặp khó khăn hoặc tạm dừng hoạt động), và yêu cầu Bộ Công Thương và đội ngũ các tham tán thương mại phải nhìn thẳng vào sự thật, thấy được trách nhiệm nặng nề của mình và phải “lột xác” gánh thêm nhiều vai trò khác để thực sự là cầu nối, là cánh tay nối dài cho nền kinh tế. “Chừng nào DN còn bị khó khăn thì chúng ta còn lỗi”, Thủ tướng nói.

Về việc kêu thiếu kinh phí hoạt động, Thủ tướng cho biết, đồng ý cho phép các thương vụ được làm hợp đồng dịch vụ với các DN. Một nhiệm vụ khác được người đứng đầu Chính phủ giao cho các tham tán thương mại là việc đẩy mạnh tăng cường đấu tranh với các nước về những rào cản thương mại không hợp lý. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ sẽ tham gia đấu tranh ở cấp cao nhất. 

“Nếu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên cao nhất thì các tham tán thương mại làm việc gì cũng phải có lợi cho dân, cho nước. Bộ Công Thương cần kiện toàn lại các thương vụ ở nước ngoài phải đồng thời là các nhà ngoại giao giỏi, có trách nhiệm với đất nước, nhân dân. Bộ Công Thương phải giao chỉ tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu cho các cơ quan thương vụ. Kinh tế không phát triển thì đừng nói này khác. Nghèo khó nói chuyện lắm. Đất nước còn nghèo, đi công tác nước ngoài tốn kém thế thì các đồng chí biết nên cần phải hết lòng hết sức vì dân, vì nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa ký quyết định phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016 với tổng kinh phí là 90 tỷ đồng.

Theo đó, có tổng cộng 177 đề án của 67 đơn vị chủ trì sẽ thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ chuyên ngành trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhìn bảng danh mục các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước của các hiệp hội, ngành hàng, các cơ quan thuộc Bộ Công Thương được Bộ Công Thương chính thức phê duyệt chi tiền để mang chuông đi đánh xứ người, có thể thấy quân bài chủ lực của Việt Nam vẫn là các mặt hàng nông, thủy sản, giày da, túi xách và hàng dệt may.

MỚI - NÓNG