Thận trọng với nguy cơ lạm phát trở lại

Thận trọng với nguy cơ lạm phát trở lại
TP - Đó là nhận định của TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ông Lịch cũng đã cùng Tiền Phong trao đổi, mổ xẻ một số vấn đề nóng đang còn có những nhận định khác nhau trong thời gian gần đây.
Thận trọng với nguy cơ lạm phát trở lại ảnh 1
Việc Chính phủ tuyên bố dành 1 tỷ USD để bù lãi suất cho các doanh nghiệp khiến ngân hàng vừa có đầu ra, doanh nghiệp vừa có vốn sản xuất. Ảnh: Phạm Yên

Ví dụ: khủng hoảng kinh tế thế giới đang tác động đến Việt Nam ở mức độ nào? các biện pháp và gói kích cầu đã đủ, nhanh hay thiếu, chậm, sẽ kích vào địa chỉ nào; doanh nghiệp (DN) chỉ thiếu vốn hay cần thị trường…

Ông có cho rằng những biện pháp, gói kích cầu mà Chính phủ vừa đưa ra sẽ khả thi?

Tôi cho rằng, Chính phủ đang đi đúng hướng. Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ dùng một tỷ USD để bù lãi suất cho các DN sẽ đem lại nhiều cái lợi, ngân hàng (NH) vừa có đầu ra mà DN cũng có vốn để sản xuất. Ngoài ra dùng gói kích cầu này để bù lãi suất sẽ góp phần chặn đà giảm lãi suất huy động hiện nay mà nếu giảm nữa sẽ khó huy động vốn trong dân.

Theo tôi thì DN nào có dự án, kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh trong phạm vi những ngành nghề mà Chính phủ khuyến khích, có tác động tốt đến kinh tế xã hội, kích cầu… thì sẽ được bù lãi suất là một giải pháp hay. Với giải pháp này sẽ loại bỏ được hiện tượng anh nào cũng muốn xin một ít, đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, trông chờ vào gói kích cầu.

Trước đây TP HCM cũng đã có chương trình kích cầu đầu tư vào kích cầu tiêu dùng trong thập niên 90 thế kỷ trước và hiệu quả thu được khá tốt, nhiều công trình, hạ tầng, đời sống nhân dân nhiều nơi được nâng lên rõ rệt.

Theo ông, kinh tế VN đang suy thoái hay có khả năng rơi vào khủng hoảng? Ông dự báo gì cho nền kinh tế VN trong năm 2009?

Tôi khẳng định kinh tế VN chưa rơi vào khủng hoảng. Còn dự báo hay đánh giá như thế nào thì lúc này không ai dự báo nổi cả. Ngay cả các tổ chức kinh tế lớn của thế giới cũng mỗi nơi có một cách đánh giá, con số khác nhau.

Tôi chỉ xin lưu ý là chúng ta cần thận trọng với nguy cơ lạm phát quay trở lại vào cuối năm 2009 vì hiện nay nước nào cũng kích cầu và thời gian tới một lượng vốn lớn sẽ được đổ vào đầu tư, tiêu dùng nên rất dễ gây ra lạm phát.

Giá dầu giảm, nhiều khoản thuế được giảm, giãn, hoãn. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Vậy VN sẽ lấy gì bù đắp?

Đúng là ngân sách năm 2009 sẽ rất khó khăn vì nhiều nguồn thu, nhất là từ dầu mỏ sẽ thiếu hụt lớn. Chắc chắn Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án tăng vay nợ trong năm 2009 và bù lại vào các năm sau. Đây cũng là việc bình thường.

Rất nhiều DN khẳng định vốn không phải là cái duy nhất họ cần hiện nay…

Đúng. Vừa qua tôi đi khảo sát hàng chục DN ở phía Bắc và thấy ngoài vốn thì họ cần thị trường để có đầu ra. Nhưng theo tôi thì đây là nhiệm vụ chính của DN, Nhà nước chỉ hỗ trợ được phần nào chứ không thể tìm thay. Ngay cả các tham tán thương mại ở nước ngoài cũng khó quán xuyến nổi vì nhu cầu đa dạng của DN, bạn hàng và thị trường.

DN nên chủ động để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường. Thị trường, khách hàng nội địa có tiềm năng rất lớn.

Dư luận cho rằng việc xem xét để có thể giảm hay hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân dường như quá chậm.

Đúng là có chậm nhưng tại kỳ họp vừa rồi các phương án giảm hay hoãn không được trình lên nên Quốc hội không xem xét. Tuy nhiên nếu các phương án này được kỳ họp vào tháng 4/2009 quyết, chúng ta vẫn có nhiều cách để giảm hay hoãn.

Vừa qua Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã làm mọi cách để làm cách nào có lợi nhất cho dân nhưng phải đúng luật. Quốc hội có ý kiến và thông qua thì mới thi hành được. Tôi tin kỳ họp tới Quốc hội sẽ có những biện pháp thỏa đáng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và tình hình kinh tế xã hội của đất nước

Vừa qua Chính phủ đã đồng ý cho TP HCM phát hành một tỷ USD trái phiếu đô thị. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng sẽ kém hiệu quả…

Tôi không nghĩ như vậy. Nếu TP không có khoản tiền này thì lấy đâu tiền để giải tỏa, đền bù tạo ra mặt bằng sạch để nhà đầu tư vào xây dựng. Nhiều người nói nên để tư nhân, nước ngoài xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên họ chỉ làm khi đã có mặt bằng được đền bù, giải tỏa xong TP muốn làm phải có tiền và một tỷ USD.

Lâu nay hàng loạt dự án để nhà đầu tư và dân tự thỏa thuận, kéo dài năm này sang năm khác, khiến Nhà nước phải đứng ra làm trọng tài.

Cám ơn ông!

Hà Phan thực hiện

MỚI - NÓNG