Than - xuất khẩu càng nhiều càng lo!

Than - xuất khẩu càng nhiều càng lo!
Xuất khẩu than đang tăng mạnh. Tình hình này gây ra sự lo ngại về khả năng cạn kiệt tài nguyên và Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than để cung cấp cho ngành điện, giống như đã xảy ra với ngành gỗ.

Bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu than của Việt Nam tăng tới 47,9%. Đây là một trong những sản phẩm có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm hàng công nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại không ghi nhận kết quả đó như một thành tích, mà xem nó là mối lo cho khả năng đáp ứng nhu cầu nguồn năng lượng cho nền kinh tế trong tương lai.

Trong bản báo cáo định kỳ, cả Vụ Công nghiệp và Vụ Thương mại và Dịch vụ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam không nên xuất khẩu ồ ạt than với giá quá thấp sang Trung Quốc. Vì điều này sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hữu hạn của Việt Nam, đồng thời còn ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển nhiệt điện trong tương lai.

Vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã cho xuất khẩu ồ ạt gỗ tròn và gỗ xẻ với số lượng đến gần một triệu mét khối, nhưng mỗi năm cũng chỉ thu về trên dưới 150 triệu Đôla Mỹ. Việc xuất khẩu đó đã khiến tài nguyên rừng Việt Nam nhanh chóng bị cạn kiệt và đến nay, khi nhu cầu của ngành chế biến gỗ xuất khẩu tăng, hàng năm Việt Nam phải chi ra khoản ngoại tệ nhiều gấp 4-5 lần số tiền thu được từ xuất khẩu gỗ trước đây để nhập nguyên liệu.

Tình trạng này đang có nguy cơ tái diễn với than khi xuất khẩu của ngành này liên tục phát triển nóng trong những năm gần đây. Năm 2003 Việt Nam mới xuất khẩu 6,5 triệu tấn, nhưng một năm sau đã vọt lên 10,5 triệu tấn và tiếp tục tăng lên 17,8 triệu tấn vào năm ngoái.

Riêng bốn tháng đầu năm nay, tổng lượng than xuất khẩu đã đạt gần 8,7 triệu tấn. Điều đáng nói là sản lượng than xuất khẩu tăng mạnh nhưng giá xuất lại giảm, bình quân chỉ khoảng 32 Đôla Mỹ/tấn, thấp hơn năm Đôla Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm 2005.

Sẽ phải nhập khẩu than

Những năm trước đây, do nhu cầu trong nước thấp, việc xuất khẩu là nhằm mở thêm thị trường tiêu thụ cho ngành than và tìm kiếm nguồn ngoại tệ phục vụ cho chương trình đầu tư hiện đại hóa hoạt động khai thác. Nhưng giờ đây nhu cầu tiêu thụ than trong nước đã tăng mạnh, với tổng lượng than sử dụng nội địa vào năm ngoái khoảng 15 triệu tấn, gấp 1,7 lần so với ba năm trước đó.

Khách hàng tiêu thụ than lớn nhất là ngành điện. Hiện nay, tổng công suất của các nhà máy nhiệt điện chạy than chỉ khoảng 1.500 MW và sản xuất ra 11% tổng sản lượng điện của cả nước. Tuy nhiên, do giới hạn của tiềm năng thủy điện và nguồn khí đốt trong nước không nhiều, vai trò của nhiệt điện chạy than sẽ ngày một tăng.

Theo quy hoạch phát triển của ngành điện, trong năm năm tới Việt Nam sẽ phát triển thêm 3.000 MW nguồn nhiệt điện chạy than và sẽ xây tiếp ít nhất 4.500-5.500 MW nguồn trong năm năm tiếp theo. Trong trường hợp nguồn thủy điện và nhiệt điện chạy khí không đủ đáp ứng, các nhà máy nhiệt điện chạy than cần xây dựng thêm trong giai đoạn 2010-2015 có thể lên đến 8.000-10.000 MW.

Trung bình, một nhà máy nhiệt điện chạy than có quy mô 300 MW, tương đương Nhà máy Điện Cẩm Phả đang được xây dựng, nếu sử dụng loại than nhiệt trị thấp, mỗi năm tiêu thụ tới một triệu tấn than. Với các nhà máy có tổng công suất 7.500-13.000 MW dự kiến được xây dựng, trong 10 năm tới ngành điện sẽ tiêu thụ khối lượng than khổng lồ.

Hiện nay, đến 60% sản lượng than của Việt Nam là được khai thác từ các mỏ lộ thiên. Nhưng nguồn than từ các mỏ này đang giảm, vì vậy trong tương lai sản lượng than của Việt Nam sẽ bị chi phối nhiều bởi nguồn than khai thác từ các hầm lò nằm sâu trong lòng đất. Lẽ đương nhiên, năng suất khai thác hầm lò không thể cao bằng các mỏ lộ thiên nên sản lượng khó có thể tăng nhanh như những năm vừa qua.

Chính vì thế, trước dự báo về nhu cầu than rất lớn của ngành điện, Chính phủ đã phải tính đến phương án nhập khẩu than, có nghĩa bài học về xuất khẩu gỗ nguyên liệu sẽ lại tái diễn.

Tiềm năng lớn, nhưng không dễ khai thác

Trữ lượng than của Việt Nam khá lớn. Theo số liệu của tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam công bố, tổng trữ lượng than của Việt Nam trên 220 tỉ tấn, trong đó khu mỏ than Quảng Ninh 10,5 tỉ tấn và mỏ than ở vùng đồng bằng sông Hồng 210 tỉ tấn nằm trải rộng trên diện tích 3.500 ki lô mét vuông.

Trên lý thuyết, trữ lượng trên đủ cho nhu cầu của Việt Nam đến hàng ngàn năm. Nhưng số liệu về trữ lượng chỉ có tính tham khảo và có thể khai thác bao nhiêu trong đó mới là quan trọng.

Quảng Ninh là nguồn cung cấp than chủ yếu hiện nay. Trong tổng trữ lượng 10,5 tỉ tấn đó, các vỉa than nằm ở độ sâu dưới 300 mét chỉ khoảng 3,5 tỉ tấn. Đây là phần dễ khai thác nhất. Nếu xuống sâu tới 1.000 mét thì trữ lượng than đạt bảy tỉ mét khối. Riêng tại đồng bằng sông Hồng, tuy chứa đựng nguồn than lớn nhưng mỏ than này lại nằm cách mặt đất từ 100 đến 3.500 mét.

Hơn nữa, mỏ than này lại nằm trong vùng đất nông nghiệp và dân cư, nên việc khai thác không dễ dàng và sẽ rất tốn kém. Đó là chưa kể việc khai thác còn gây ra những tác động xấu về môi trường và hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Có thể thấy, trữ lượng than của Việt Nam tuy lớn nhưng phần có thể khai thác không nhiều. Khả năng khai thác tốt nhất là ở phần trữ lượng 3,5 tỉ tấn nằm ở độ sâu dưới 300 mét đã được thăm dò chi tiết ở khu mỏ Quảng Ninh. Nhưng khu mỏ này đã được khai thác từ cách nay 100 năm và với sản lượng trên 32 triệu tấn mỗi năm như hiện nay, cộng với tỷ lệ than thất thoát đến 15-20%, thì chẳng bao lâu những mỏ than có khả năng khai thác tốt nhất ở đây sẽ bị cạn kiệt.

Để tránh tái diễn tình trạng như tài nguyên rừng trước đây, đồng thời giảm bớt khả năng phải nhập than trong tương lai, đã đến lúc Chính phủ cần xem xét việc giảm và tiến tới ngưng xuất khẩu than, để dành nguồn năng lượng này cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong tương lai.

Theo TBKTSG

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.