Tháng 7: Làn sóng chứng khoán mới?

Tháng 7: Làn sóng chứng khoán mới?
Sự khởi sắc trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 7 đã đánh dấu chấm dứt cho chu kỳ điều chỉnh của VN-Index sau khi chạm mức cao nhất 520 điểm của sóng tăng tháng 6.

Tháng 7 cũng đánh dấu sự trở lại đầy ngoạn mục của NĐTNN khi luồng vốn ngoại mua ròng miệt mài, bất chấp sự điều chỉnh vốn có thể đoán trước.

Phác họa bức tranh tổng thể

Dòng vốn nước ngoài đổ vào các thị trường mới nổi vốn được nhiều nhà quản lý quỹ sành sỏi trên thế giới tiên đoán từ đầu năm, khi TTCK toàn cầu vẫn đang trong xu thế dò đáy.

Quan điểm được đưa ra là sự phục hồi từ đáy khủng hoảng của các thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ quá bất ngờ khiến rất nhiều tổ chức lỡ sóng vì quá cẩn trọng và đánh cược vào các chỉ báo vĩ mô vốn còn rất xấu.

Do đó một phần của dòng tiền đứng ngoài đã tìm đến các thị trường mới nổi, vốn có khả năng tăng  mạnh hơn với độ rủi ro cao hơn.

Diễn biến của VN-Index có thể được chia làm 4 giai đoạn:

1/Chu kỳ phục hồi từ đáy 235 điểm ngày 24.2 lên 350 điểm ngày 14.4
2/Chu kỳ điều chỉnh từ 350 điểm xuống 304 điểm ngày 24.4
3/Chu kỳ tăng lên mức cao nhất 520 điểm ngày 12.6
4/Chu kỳ điều chỉnh đến hết tháng 7 vừa qua.

Trong 4 chu kỳ này của VN-Index, NĐTNN giao dịch khá thận trọng trong thời điểm thị trường mới tăng trở lại. Sự khởi sắc của VN-Index từ đáy 235 điểm ngày 24/2 có khối lượng giao dịch rất thấp.

NĐTNN đã tiếp tục xu hướng bán ròng vốn đã kéo dài từ tháng 8/2008. Khối này chỉ bắt đầu mua ròng từ 17/3 khi VN-Index đạt 260 điểm và bắt đầu bán ra khi chỉ số đạt 300 điểm và bán mạnh khi VN-Index chạm đỉnh 347 điểm ngày 14/4. Thị trường điều chỉnh giảm trở lại mức thấp nhất 304 điểm sau đó.

Trong suốt chu kỳ điều chỉnh thứ hai, khối này vẫn mua theo chiều giá xuống nhưng không nhiều mà chỉ thực sự mua mạnh khi VN-Index kết thúc quá trình  giảm và tăng trở lại.

Hoạt động mua kéo dài đến khi VN-Index chạm mức 420 điểm ngày 25/5. Mặc dù sau đó VN-Index tiếp tục tăng lên tới mức cao nhất 525 điểm nhưng khối ngoại lại bán ra rất mạnh quanh vùng đỉnh, thậm chí bán ròng đến lúc VN-Index giảm về 450 điểm.

Điều đó cho thấy NĐTNN đã rất tích cực lướt sóng và lướt khá "chuẩn". Đợt phân phối mạnh nhất của khối này diễn ra từ 5 đến 24/6, đúng vào lúc thị trường đạt đỉnh và bắt đầu điều chỉnh giảm.

Đợt điều chỉnh tháng 7 vừa qua kéo dài trong gần một tháng với rất nhiều nỗ lực phục hồi bất thành. Tâm lý NĐTTN khá bi quan, đặc biệt có những đánh giá từ phía CTCK với khả năng VN-Index quay lại mức dưới 400 điểm.

Tuy nhiên, dòng vốn nước ngoài đã làm ngược lại xu hướng của NĐTTN, thậm chí đi ngược lại các khuyến cáo của một vài tổ chức như HSBC.

Thống kê riêng trên sàn HoSE qua giao dịch khớp lệnh, đồ thị biểu diễn hoạt động mua bán của khối ngoại chạm đáy ngày 25.6 cho đến ngày cuối cùng của tháng 7, tổng khối lượng tích lũy ròng của khối này đã lên tới trên 43,22 triệu đơn vị.

Đây là quy mô giao dịch lớn chưa từng có của khối này. Nếu chỉ tính riêng trong tháng 7, lượng mua ròng cũng đã lên tới 35,35 triệu đơn vị. Tổng lượng vốn ròng đổ vào sàn HoSE qua khớp lệnh chỉ trong một tháng qua đã là 1.834,4 tỉ đồng.

Làn sóng mới?

Trong suốt thời gian NĐTNN mua ròng, vẫn chỉ có những tổ chức quen tên thực hiện công bố thông tin về giao dịch làm thay đổi tỉ lệ nắm giữ.

Thực tế này cho thấy hai khả năng: Thứ nhất, từ thời điểm tháng 6 trở về trước, khá nhiều tổ chức có thâm niên trên thị trường đã thực hiện cơ cấu danh mục và giảm mức nắm giữ xuống dưới ngưỡng buộc phải báo cáo. Điều đó sẽ làm tăng độ linh hoạt trong giao dịch. Thứ hai, có một dòng vốn mới của NĐTNN đang chảy vào thị trường với mức sở hữu chưa lớn.

Hoạt động cơ cấu danh mục của NĐTNN thực tế đã diễn ra từ đầu năm. Khá nhiều tổ chức thông báo bán ra lẫn mua vào như Citigroup, Vinacapital, DragonCapital, Indochina... 

Thống kê cho thấy chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, những mã đứng đầu trong danh sách bán ròng là: VHG (3,108 triệu đơn vị), GMD (1,817 triệu), VCB (1,612 triệu), REE (1,043 triệu).

Phía ngược lại, những mã được mua ròng nhiều nhất là: STB (6,986 triệu đơn vị), HPG (4,768 triệu), BVH (3,677 triệu), HAG (3,123 triệu), DPM (3,036 triệu), FPT (2,740 triệu), PVF (2,717 triệu)...

Theo thông tin từ Hiệp hội NĐT tài chính (Vafi), dòng vốn nước ngoài mới đang gia tăng trên TTCKVN có một phần lớn là vốn ủy thác đầu tư. Hồi cuối tháng 5/2009, trong một buổi giao lưu trực tuyến, đại diện UBCKNN đã cho biết vốn nước ngoài sau một thời gian chảy ròng ra khỏi Việt Nam, đã bắt đầu có tăng trưởng dương. Trong tháng 4 và tuần đầu tháng 5, lượng vốn vào ròng là 21,6 triệu USD.

Theo số liệu trong quý II được trích dẫn từ UBCKNN, vốn đầu tư gián tiếp vào ước tính 100-120 triệu USD. Mặc dù vẫn chỉ là các con số tương đối do sự "lệch pha" về quản lý vốn gián tiếp giữa UBCKNN và NHNN nhưng rõ ràng một dòng vốn mới vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại VN, nhất là khi các chuyển biến vĩ mô ngày càng rõ ràng hơn trong thời gian còn lại của năm 2009.

Theo Hoàng Nguyên
Lao Động

MỚI - NÓNG