Thanh Hoá: Nông dân lao đao vì giá cói thấp

Thanh Hoá: Nông dân lao đao vì giá cói thấp
TP - Những ngày qua, hàng chục nghìn hộ dân trồng cói ở huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) chưa biết phải làm gì, kêu ai khi giá thu mua nguyên liệu cói bất ngờ giảm gần 70% so với năm trước.
Thanh Hoá: Nông dân lao đao vì giá cói thấp ảnh 1
Còn khoảng gần 500 ha cói của huyện Nga Sơn chưa được thu hoạch để giải phóng đất cho vụ chiêm. Ảnh: Hoàng Lam 

Tình trạng này khiến nhiều hộ dân có nguy cơ thiếu lương thực trong thời gian tới.

Cây cói được coi là một trong những cây phát triển kinh tế của huyện Nga Sơn.

Toàn huyện có 22/27 xã, thị trấn trồng cói (khoảng hơn 2.000 ha); có 6 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu nguyên liệu cói, hơn 30 doanh nghiệp thu, mua cói, gần 30.000 cơ sở sơ chế nguyên liệu cói.

Nguyên liệu cói ở đây chủ yếu xuất khẩu ra thị trường Trung Quốc (chỉ có khoảng 20% nguyên liệu cói tiêu thụ ở thị trường trong nước). Hằng năm cây cói cho thu hoạch từ 28.000-30.000 tấn/năm, với giá thu mua là 3.500 - 4.000 đồng/kg nguyên liệu cói ngắn; từ 7.000 - 8.000 đồng/kg nguyên liệu cói dài.

Năm nay, trước khi cây cói vụ mùa cho thu hoạch, thời tiết liên tục có mưa, nên năng suất cây cói thấp hơn so với mọi năm gần 30%. Giá thu mua cói thấp hơn so với mọi năm gần 70%, nhưng vẫn không ai thu mua, khiến cho một diện tích lớn cây cói ở Thanh Hoá đang phải cắt bỏ, chất đống ngoài ruộng hoặc bị đốt cháy.

Ông Trần Văn Đồng, một nông dân trồng cói ở xã Nga Thanh cho biết: “Chi phí trồng, chăm sóc cho đến khi thành phẩm là từ 1 triệu - 1,2 triệu đồng/sào cói.

Nếu tính giá thu mua cói hiện nay từ 1.000 - 1.500 đồng/kg cói thì chi phí cao hơn doanh thu cói bán ra. Vì vậy, nhiều hộ gia đình đã bỏ ruộng cói, không thu hoạch nữa. Số cói đã thu hoạch cũng chẳng thấy đơn vị nào thu mua”.

Giải thích thực trạng này, ông Trần Ngọc Quyết, Phó chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết:

Nguyên nhân giá thu mua nguyên liệu cói thấp hơn nhiều so với mọi năm là do thị trường tiêu thụ không ổn định. Bên cạnh đó, những điều kiện để xây dựng cảng biển ở Nga Sơn để trực tiếp xuất khẩu mặt hàng cói địa phương chưa thể đáp ứng. Việc xuất khẩu cói hiện nay phải thông qua cảng biển ở Quảng Ninh khiến người nông dân mất thêm một khoản chi phí.

Ngoài thị trường Trung Quốc, công tác tìm kiếm, mở thị trường thu mua nguyên liệu cói ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Để tránh tình trạng bỏ ruộng cói, huyện đã làm việc với ngân hàng thực hiện những giải pháp giãn nợ, gối nợ cho các hộ dân đã vay vốn để trồng cây cói trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG