Thành lập tập đoàn BCVT: Sẽ có dịch vụ tốt hơn, rẻ hơn

Thành lập tập đoàn BCVT: Sẽ có dịch vụ tốt hơn, rẻ hơn
Ông Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ BCVT đã khẳng định như vậy về việc chuẩn bị ra mắt Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (BCVT) VN sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hình thành tập đoàn BCVT.
Thành lập tập đoàn BCVT: Sẽ có dịch vụ tốt hơn, rẻ hơn ảnh 1
Ông Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ BCVT .

Ông Lai cho biết: Mục đích khi thành lập tập đoàn BC&VT là phải xây dựng được tập đoàn kinh tế mạnh cho phép kinh doanh đa ngành đa lĩnh vực. Tất nhiên, trong đó Viễn thông, CNTT, Bưu chính là những ngành kinh doanh chính.

Tập đoàn phải huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sự phát triển của tập đoàn, hay nói cách khác là cơ cấu sở hữu của tập đoàn phải đa dạng.

Tập đoàn BC&VT có những điểm mới nào so với mô hình của Tổng Cty BC&VT, thưa ông?

Một trong những điểm mới quan trọng là tập đoàn phải khắc phục những bất cập, tồn tại của Tổng Cty BC&VT (VNPT), đó là số đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc quá lớn.

VNPT có khoảng 100 đơn vị thành viên, trong đó khoảng trên 70 đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc. Điều này đã làm giảm động lực phát triển của doanh nghiệp.

Mục tiêu đặt ra hiện nay là phải hình thành cơ cấu để phân cấp mạnh cho các đơn vị thành viên với mục tiêu tạo sự chủ động, sáng tạo nhằm phát huy nội lực của mỗi thành viên.

Một điểm mới nữa là cơ chế điều hành trước đây theo mô hình tập trung cho nên điều hành về vốn theo cơ chế giao vốn. Nhưng chuyển sang tập đoàn cơ chế này sẽ thay đổi hẳn, đó là đầu tư vốn cho các công ty con.

Khi nhận vốn, các công ty con phải có trách nhiệm và phát huy vốn được đầu tư với quyền chủ động rất cao. Ngoài ra, tập đoàn cần phải tạo được sự cạnh tranh bình đẳng trong nước; thúc đẩy các doanh nghiệp ngoài tập đoàn phát triển, đồng thời tiến tới đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

VNPT đã chuẩn bị được những gì để tiến tới thành lập tập đoàn?

Đến nay VNPT đã cổ phần hoá (CPH) được 32 doanh nghiệp sau hơn 1 năm. Kết quả rất tốt. Người lao động gắn bó với doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm tăng lên.

Hiện Bộ BC&VT đang tiếp tục chỉ đạo VNPT khẩn trương chuẩn bị đầy đủ thủ tục để CPH 2 doanh nghiệp viễn thông lớn là Vinaphone và MobiFone. Đến tháng 5 này, việc hợp tác kinh doanh (BCC) giữa MobiFone và tập đoàn Comvik (Thụy Điển) sẽ hết thời hạn.

Sau đó VNPT sẽ xác định giá trị tài sản để tiến hành cổ phần hóa MobiFone. Trong năm nay chắc chắn phải làm xong các thủ tục để CPH Vinaphone/MobiFone.

Liệu 2 doanh nghiệp này có đưa lên sàn giao dịch chứng khoán như nhà máy thiết bị bưu điện (POSTEF) đã làm?

Chắc chắn là sẽ đưa được Vinaphone/MobiFone lên sàn giao dịch chứng khoán. Sau Postef, khi mọi việc đã trở nên bài bản, chúng tôi sẽ khuyến khích không chỉ Vinaphone/MobiFone mà tất cả các Cty cổ phần đưa lên sàn giao dịch chứng khoán.

Việc chuẩn bị thành lập tập đoàn có ảnh hưởng đến những cam kết của VNPT đối với khách hàng, trong đó có phương án giảm cước sắp trình Bộ BC&VT không, thưa Thứ trưởng?

Việc trình phương án giảm cước sắp tới của VNPT nằm trong kế hoạch mà Bộ BC&VT đã yêu cầu. Theo quan điểm chỉ đạo từ Thủ tướng cho đến Bộ trưởng (Bộ BC&VT) về việc thành lập Tập đoàn là việc chuyển đổi cơ cấu tuyệt đối không làm gián đoạn việc sản xuất kinh doanh cung cấp cho người dân.

Việc trình phương án giảm cước sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch. Bộ sẽ có chỉ đạo để Tổng Cty thực hiện việc này.

Người dân sẽ được hưởng lợi gì từ việc thành lập tập đoàn, thưa ông?

Chúng tôi khẳng định rằng mô hình tập đoàn BC&VT đã được phê duyệt tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động phát triển. Ngoài ra, mô hình còn huy động mọi thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư cho lĩnh vực BC&VT và CNTT. Có sự đóng góp của nhân dân, chắc chắn năng lực của doanh nghiệp sẽ tốt hơn.

Trong cơ chế điều hành của tập đoàn, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng với nhau cho nên các doanh nghiệp sẽ có điều kiện vừa cạnh tranh vừa hợp tác tốt hơn. Chính vì vậy nó sẽ phục vụ tốt hơn cho xã hội, tức là nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và giảm giá thành dẫn đến giảm giá cước cho khách hàng.

Được biết VNPT là một trong những doanh nghiệp có đông người lao động nhất. Việc thay đổi cơ cấu kinh doanh có ảnh hưởng đến đời sống của họ không?

Khi một cơ cấu tổ chức bị thay đổi thì sẽ phát sinh những khó khăn nhất định. Chắc chắn khi triển khai mô hình tập đoàn sẽ xuất hiện những khó khăn mà Bộ (BC&VT) phải giải quyết.

Tuy nhiên, chúng tôi đã có sự chuẩn bị tương đối kỹ, đặc biệt công tác tư tưởng cho CBCNV trong toàn ngành, khoảng 90.000 người. Điều làm nhiều CBCNV ngành lo nhất là tách bưu chính và viễn thông độc lập với nhau.

Như đã biết, bưu chính phải phục vụ công ích, không có lãi nên nếu tách ra đời sống của CBCNV sẽ gặp khó khăn. Chính vì thế VNPT đã thí điểm rồi tách bưu chính và viễn thông ở cấp huyện, quận rồi tỉnh, tạo cơ chế cho bưu chính dù hạch toán độc lập nhưng được làm tối đa các dịch vụ cho phần viễn thông nên doanh thu của bưu chính đã tăng lên đáng kể.

Chính vì không muốn làm quá xáo trộn đối với người lao động nên khi phê duyệt mô hình tập đoàn, Chính phủ quyết định Tổng Cty Bưu chính vẫn là đơn vị thành viên của tập đoàn để Cty mẹ thay mặt Nhà nước giao vốn để có những hỗ trợ nhất định cho bưu chính. Cho nên người lao động làm trong lĩnh vực bưu chính vẫn làm bưu chính, người làm trong lĩnh vực viễn thông vẫn làm viễn thông.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Tập đoàn BC&VT VN sẽ hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con.

Các Cty con của Tập đoàn bao gồm: các Tổng công ty Viễn thông  I, II, III, nằm ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các Cty do tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Cty VDC, Cty VASC.

Các Cty do tập đoàn nắm giữ 50% vốn điều lệ gồm: Vinaphone, MobiFone cùng các Cty cổ phần, Cty TNHH nhiều thành viên khác được hình thành từ cổ phần hoá, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.

Các Cty liên kết do tập đoàn nắm dưới 50% vốn điều lệ bao gồm các Cty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị, công nghiệp phần mềm, xây lắp, thương mại, cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng…

Lộ trình hình thành Tập đoàn BC&VT VN:

Quý II – IV/2005: Thành lập tập đoàn, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, các Tổng công ty Viễn thông I, II, III và các công ty do tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cổ phần hoá các doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp để hình thành các công ty con, công ty liên kết.

Quý IV/2005: Chuyển Cục Bưu điện TW về trực thuộc Bộ BC&VT quản lý, chuyển các đơn vị sự nghiệp gồm Học viện Công nghệ BC&VT và các bệnh viện thuộc VNPT hiện nay thành đơn vị sự nghiệp độc lập.

Dự kiến, tập đoàn sẽ ra mắt vào đầu năm 2006.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.