Thanh long cho trái ngọt trên đất U Minh Hạ

Trang trại thanh long xanh um, bạt ngàn của ông Ba Phước
Trang trại thanh long xanh um, bạt ngàn của ông Ba Phước
TP - Trang trại thanh long trên đất U Minh Hạ, thuộc ấp 18, Khánh Thuận (U Minh, Cà Mau) của anh em ông Nguyễn Hữu Phước đã gợi mở cách thức sản xuất lớn. Hơn 5.000 bụi thanh long đang cho trái chín, ai cũng khen ngon ngọt.

Sau những cơn mưa đầu mùa, mát rừng tràm, nước đầy kinh rạch, ông Nguyễn Hữu Phước (Ba Phước), Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, thăm trang trại thanh long, hơn 5,4 ha, ở vùng đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp. “Đây là năm đầu, hơn 5.000 bụi thanh long cho trái chín, trái thanh long ra thị trường, giá cả tạm đỡ nhưng chi phí vận chuyển vẫn còn cao”- ông Ba Phước nói.

Ông Nguyễn Hữu Phước sinh ra và lớn lên ở miệt vườn Châu Thành (Tiền Giang) nổi tiếng nghề trồng cây ăn trái miền Nam. Cha mẹ ông Ba Phước có khoảng 1 ha canh tác, không nuôi nổi 7 người con. Lớn lên, Ba Thành nghe bạn bè nói Cà Mau “đất rộng, người thưa, dễ làm ăn nên tìm đến vùng đất U Minh Hạ lập nghiệp, làm cán bộ lâm ngư trường từ năm 1988.

Khi làm cán bộ Lâm ngư trường Sông Trẹm (Thới Bình), nay sáp nhập thành Cty Lâm nghiệp U Minh Hạ, ông Ba Phước trồng vài bụi thanh long ở gần phòng ở, có trái cho con ăn. “Không ngờ, đất phèn U Minh Hạ mà cây thanh long tươi tốt, trái ngọt không kém gì ở quê Tiền Giang. Tôi muốn làm trang trại thanh long ở đất này!” ông Ba Phước nói về duyên cớ lập trang trại.

Những người dân nhận khoán đất rừng sản xuất lúa không thiết tha nữa, muốn tìm kế sinh nhai khác, ông Ba Thành nhận lại của bà con để lập trang trại thanh long. Do đang làm cán bộ quản lý doanh nghiệp nên ông Thành rủ người em là Nguyễn Thanh Hùng (Năm Hùng) chung sức.

Cảnh đất chật người đông ở quê nhà Tiền Giang, ông Năm Hùng khăn gói đến miệt U Minh “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh” để cùng ông Ba Phước đào đắp, vét kênh mương, lập trang trại thanh long. Vừa làm, vừa vay mượn dòng họ, trang trại thanh long phải đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Hệ thống bơm tưới, kê liếp, trụ đỡ thanh long… khá hoàn chỉnh. Giữa những liếp thanh long là mương nuôi cá đồng, trữ nước tưới, tháo úng cho vườn thanh long.

Vụ đầu thu 500 triệu đồng

Thanh long vừa cho trái chín vào 2013, ông Ba Phước thu gần 500 triệu đồng. Ông Ba Phước nói: “Kỹ thuật trồng thanh long, trực tiếp sản xuất, quản lý và cả tiêu thụ đều do ông Năm Hùng đảm đương”.

Thanh long cho trái ngọt trên đất U Minh Hạ ảnh 1

Ông Năm Hùng giới thiệu thanh long đạt chuẩn xuất khẩu

Mùa này, đều đặn chừng 10 ngày, thanh long ra bông, khoảng 50 ngày trái chín, thu hoạch chừng 2- 3 tấn. Trái thanh long chín được chở ra chợ Cà Mau, Tiền Giang cho chủ vựa trái cây quen biết.

“Chỉ cần mỗi bụi thanh long cho chừng 20kg/ năm, hơn 5.000 bụi thanh long (3.000 bụi ruột đỏ), trang trại thanh long của ông Ba Phước thu về 2 tỷ đồng/năm. Trang trại còn giải quyết việc làm từ 10-30 người, với thu nhập trên 100.000đ/người/ngày. Đặc biệt, trang trại thanh long đã mở hướng cho người dân U Minh thoát nghèo, làm giàu bằng cách làm ăn lớn như trang trại thanh long, trang trại chuối, rừng keo lai…trên đất rừng U Minh Hạ”.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Bí thư Huyện ủy U Minh

Hiện nay, thanh long ruột đỏ 20.000- 25.000đ/kg, thanh long ruột trắng trên 10.000đ/kg. Ông Năm Hùng cho biết, tháng trước, thanh long ruột đỏ bán cho vựa xuất khẩu, với giá 38.000đ/kg, ruột trắng cũng hơn 20.000 đ/kg. Nhưng hiện nay, giá thanh long giảm, do chưa có đơn hàng xuất khẩu.

Ông Năm Hùng an ủi: “Chi phí vận chuyển còn quá cao do đường chưa thông, thị trường xuất khẩu chưa thoáng nhưng chất lượng thanh long chưa ai chê, chỉ có khen ngon!”.

Thanh long cho trái to, ngọt, tươi rói, bởi anh em ông Ba Phước chọn giống tốt của Viện Cây ăn quả miền Nam, tạo bờ đất cao ráo, chủ động tưới tiêu và tháo úng để thanh long tươi tốt trên đất U Minh Hạ. Trong kho vật tư, ông Năm Hùng để la liệt máy bơm bằng nhiêu liệu, mô- tơ điện để đối phó với mưa, nắng.

Kinh nghiệm trồng thanh long của ông Ba Phước là hai năm đầu, thanh long chưa cho trái nhiều, phải chọn bông, dưỡng sức cho bụi thanh long. Nhưng từ năm thứ 3 đến năm thứ 7, thanh long sung sức nhất, ra nhiều bông, kết trái dày. Rồi từ năm thứ 8 đến thứ 10 giảm dần, phải cải tạo để trồng mới.

Thanh long cho trái tự nhiên vào mùa mưa nhưng thu hoạch mùa nghịch, giá cao hơn. “Chúng tôi chuẩn bị sẵn bóng đèn tiết kiệm điện, phù hợp kích thích ra hoa, kết quả sắp tới”- ông Năm Hùng bật mí.

MỚI - NÓNG