Thảo “Organic”

“Cô gái hữu cơ” Phạm Phương Thảo (bên phải) trong ngày được cấp chứng nhận organic theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Cô gái hữu cơ” Phạm Phương Thảo (bên phải) trong ngày được cấp chứng nhận organic theo tiêu chuẩn quốc tế.
TP - Từ nhu cầu thực tế của bản thân, cơ duyên đã đưa Phạm Phương Thảo, cô gái 35 tuổi đang là giám đốc hệ thống phân phối thực phẩm hữu cơ Organica rẽ lối sang lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Cơ duyên đó cũng giúp Thảo sở hữu trang trại trồng rau đầu tiên tại Việt Nam đạt được tiêu chuẩn organic quốc tế.

Bán nhà “làm liều”

Không thể nhận ra đây là cô gái nổi tiếng mỗi khi nhắc đến rau hữu cơ tại TPHCM, trước mắt tôi là một “cô hàng rau” thời hiện đại với mái tóc ngắn năng động. Một lúc điều hành 5 cửa hàng bán lẻ thực phẩm hữu cơ Organica cùng với hàng trăm nhà cung cấp khắp thế giới nhưng Phạm Phương Thảo vẫn muốn tự tay thu hoạch, kiểm tra từng bó rau trước khi đưa đến tay khách hàng.

Thảo kể, thời gian cô ở nông trại và cửa hàng còn nhiều hơn ở nhà. Vừa nhanh tay xếp rau theo từng loại, vừa trả lời điện thoại đối tác, vừa hướng dẫn nhân viên… Thảo tất bật như một con thoi. Vuốt giọt mồ hôi, ánh mắt lấp lánh, cô cười nói: “Trang trại Organica của mình vừa được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU) tái chứng nhận hữu cơ. Càng vui và hạnh phúc hơn khi ngày càng có nhiều người Việt hiểu về thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ. Và mình biết, mình đang đi đúng hướng…”.

“Ngoại đạo” với nông nghiệp, việc trồng rau đến với Thảo như một cơ duyên. Năm 2011, khi đang mang bầu con đầu lòng, Thảo thèm nhất là ăn rau sống. Ăn nhưng vẫn lo về nguồn gốc thực phẩm, cô bèn lên mạng tìm nguồn thực phẩm an toàn. Từ những thông tin có được, cô nhận ra thực phẩm hữu cơ là tiêu chuẩn cao nhất về an toàn thực phẩm, và nông nghiệp hữu cơ sẽ mang đến rất nhiều lợi ích khác cho môi trường sống của con người. Ở Việt Nam khi đó cũng đã có một vài doanh nghiệp làm được sản phẩm hữu cơ như trà, gạo… nhưng chủ yếu để xuất khẩu. Trong đầu Thảo lóe câu hỏi: “Tại sao nước mình cũng có thực phẩm hữu cơ mà người dân chưa thể tiếp cận được?”. Mong muốn mở cửa hàng thực phẩm hữu cơ - nơi những bà mẹ mang thai, những gia đình quan tâm tới thực phẩm cao cấp, thực phẩm sạch thực sự… sẽ có thể đến mua hàng nhen nhóm trong đầu bà mẹ trẻ từ đó.

“Mình bắt đầu organic là cho con, vì con. Dẫu biết, cuộc đời sẽ còn lắm chông gai, nhưng mình không đơn độc”. 

Thảo mỉm cười

Quyết là làm, năm 2013, dồn tiền tích cóp được, Thảo thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Ðình Chiểu (Q.3) mở cửa hàng. Có “nhà” rồi, mất thêm vài tháng nữa để tìm sản phẩm. Ðỏ mắt mới có được gần 10 mặt hàng như trà, gạo và một số loại rau ôn đới. “Nhưng sản phẩm ít, không đủ hấp dẫn để hút khách” - cô nhớ lại.

May mắn, trong lần du lịch ở Lào, Thảo được tham gia một phiên chợ hữu cơ (organic market) ngay cạnh chùa Vàng ở thủ đô Vientiane. Ở đó, người dân buôn bán, trao đổi với nhau sản phẩm organic tự trồng như gạo, trà, rau, mướp... Mừng quá, cô tìm đến các nhà cung cấp xin nhập hàng. Chuyến đi chơi thành đi buôn khi cô tay xách nách mang đủ loại sản phẩm organic của Lào, rồi nhập thêm các loại đậu, dầu ôliu, sữa hạnh nhân, yến mạch, sữa gạo... ở nhiều nước khác về phân phối. Thảo còn hợp tác với một số nông dân trồng rau hữu cơ tại TPHCM, Lâm Ðồng để thu mua rau trồng bằng phương pháp không hóa chất.

Chưa kịp vui khi có nhiều sản phẩm, Thảo nhận ra người tiêu dùng không phân biệt được thực phẩm organic khác với thực phẩm sạch như thế nào. Thậm chí, ngay cả khi có bảng phân tích rau hữu cơ, khách hàng cũng nghi ngờ vì chưa có cơ quan nào cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, nông dân mà Thảo hợp tác không thích làm theo các tiêu chuẩn quốc tế vốn rất nghiêm ngặt và gò bó với thói quen vốn có của họ. Nhiều đêm trăn trở, cô quyết định: mình sẽ tự làm trang trại đạt chuẩn quốc tế. Ðược một người bạn cho mượn mảnh đất rộng gần 2ha ở Long Thành, tỉnh Ðồng Nai, Thảo bàn với chồng bán nhà, gom góp tất cả tiền có được để “liều một phen”.

Thảo “Organic” ảnh 1

Thời gian Phạm Phương Thảo ở nông trại còn nhiều hơn ở nhà.

Hành trình chinh phục giấc mơ

Ðã xác định ngay từ đầu rằng sẽ biến trang trại thành vườn rau đạt tiêu chuẩn organic nên Thảo đã liên hệ với tổ chức tư vấn làm nông nghiệp hữu cơ quốc tế để nhờ họ tư vấn cách làm ngay từ đầu. Sau khi xem địa thế, lấy mẫu đất nước đi phân tích đạt yêu cầu, họ đồng ý ký hợp đồng tư vấn hỗ trợ làm theo quy trình hữu cơ.

Từ một cô gái không quen với ruộng đồng, Thảo cùng nông dân xắn tay nhổ cỏ, học cách ủ phân, làm thuốc bảo vệ thực vật từ sinh vật và các cây cỏ dược liệu, bố trí, chia khu, chia lô, ủ phân, đào hào, dựng nhà lưới, ghi chép xây dựng hệ thống tưới tiêu... “Mỗi cơn mưa, làn gió cũng làm mình lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến cây rau. Nhiều lúc kiệt sức muốn ngã quỵ. Nhưng nhìn bao nông dân đang đồng hành, đặc biệt là chồng luôn ủng hộ… Ðộng lực ấy giúp mình phải mạnh mẽ hơn” - Thảo trải lòng.

Không thể nhớ hết biết bao lần làm - thất bại - tiếp tục làm… Có những lúc Thảo cắn răng cho nhổ cả vườn rau đem đi chôn vì sâu bệnh. Nhiều người gợi ý, chỉ cần mua chai thuốc về xử lý một đêm là xong. Nhưng mình biết, nếu tặc lưỡi một lần thì sẽ có lần kế tiếp, mục tiêu ban đầu của mình sẽ bị cuốn theo những cái tặc lưỡi đó – cô nói. Sau bao kiên trì và cố gắng, cuối cùng, hoa cũng đơm trái ngọt khi trang trại của Thảo được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế hồi cuối năm 2015.

Nhưng rau với Thảo không phải là tất cả. Hôm nay, đến hệ thống cửa hàng Organica, người tiêu dùng không chỉ tìm thấy được rất nhiều loại sản phẩm hữu cơ ngoài rau, thịt, cá… mà còn có các loại thức uống, nước rửa chén cho đến một đôi tất mềm mại. Tất cả những mặt hàng ấy là kết quả của công sức tìm tòi, của những chuyến đi khắp trong Nam ngoài Bắc, lên rừng xuống bể, những chuyến xuất ngoại đi Mỹ, Ðức, Trung Quốc… để đem về những sản phẩm hữu cơ phục vụ “người nhà”. Khách đến Organica lần đầu vì tò mò, rồi nghiện lúc nào không hay. Ðơn giản vì họ biết, đây đều là các sản phẩm vì sức khỏe.

Thành công là thế nhưng không tự mãn. Với Thảo, đây chỉ là một đoạn khởi đầu trong cả con đường đi đến ước mơ của cô. Thảo trải lòng: “Tôi muốn trở thành một nhà cung cấp những gì ngon nhất, sạch nhất cho người Việt. Tôi ước mong tới một lúc người tiêu dùng sẽ hiểu được thế nào là thực phẩm hữu cơ và khi tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, bên cạnh lợi ích cho chính họ và gia đình về mặt sức khỏe thì họ còn góp phần vào việc bảo vệ, phát triển bền vững môi trường”.

Với cô gái trẻ này, đến thời điểm hiện tại, khó khăn thử thách nào cũng từng nếm trải. Thảo luôn tự nhủ, mình thật may mắn khi luôn có hậu phương là chồng và con ủng hộ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên thứ trưởng bộ Thủy Sản, Trưởng ban vận động Hiệp hội thực phẩm minh bạch thừa nhận làm nông nghiệp hữu cơ đã khó, đạt chứng nhận hữu cơ theo quốc tế còn khó hơn. Phạm Phương Thảo đã làm được là thành công rất đáng ghi nhận. 

MỚI - NÓNG