Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế:

Tháo “vòng kim cô” để doanh nghiệp phát triển

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Phải trả lời câu hỏi vì sao doanh nghiệp tư nhân không lớn được. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Phải trả lời câu hỏi vì sao doanh nghiệp tư nhân không lớn được. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Việc chồng chéo, gia tăng tần suất của các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đang trở thành rủi ro lớn, là vòng kim cô kiềm tỏa sự phát triển của doanh nghiệp...

Chiều 23/5, báo cáo với Quốc hội về Dự luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là dự luật quan trọng nhằm phát triển kinh tế tư nhân vốn được Trung ương 5 xác định là “động lực quan trọng của nền kinh tế”. Dự luật đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV về thuế phí, mặt bằng, tín dụng...

Hơn 300 nghìn doanh nghiệp được hưởng lợi

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật DNNVV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay đã bổ sung nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp. Chính sách nổi bật nhất là việc dự thảo mới nhất quy định DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp.  Như vậy, nếu quy định này được thông qua, thì sẽ có hơn 49% số DNNVV đang hoạt động làm ăn có lãi được hưởng lợi từ chính sách này, tương đương khoảng 301.000 doanh nghiệp.

“Từ góc độ phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, việc giảm mức thuế suất thuế TNDN với DNNVV là biện pháp hợp lý để nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV và qua đó nâng cao tính bền vững và mức thu của nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong dài hạn”, ông Thanh nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì cho rằng, nói đến DNNVV là nói đến khu vực kinh tế tư nhân. “Cái chúng ta cần là xem DNNVV đang gặp khó khăn gì, cần gì để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời trả lời cho câu hỏi, vì sao doanh nghiệp tư nhân của chúng ta không lớn được? Vì sao các hộ kinh doanh cá thể không muốn lập doanh nghiệp”, ông Dũng nói. Về các nội dung hỗ trợ, ông Dũng cho biết có nhiều nội dung hỗ trợ như thuế phí, mặt bằng, tín dụng… “Sau khi dự luật này được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ sớm kiến nghị sửa đổi luật thuế để ưu đãi cho DNNVV hưởng mức thấp hơn mức thuế phổ thông”, ông Dũng nói. 

Tháo “vòng kim cô” để doanh nghiệp phát triển ảnh 1 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Luật DNNVV ra đời sẽ tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng các ưu đãi mà dự luật đề ra không dễ đến được tay doanh nghiệp. “Đề ra chính sách nhưng dự luật không nói rõ mức thuế được giảm, thời gian thực hiện và cũng không dẫn chiếu đến luật chuyên ngành thì e rằng điều này khó khả thi”, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lo ngại. Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) đã chỉ ra rất rõ điểm thiếu khả thi của quy định này nằm ở chỗ: “Để được giảm thuế thì phải chờ sửa luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có điều nhìn vào chương trình điều chỉnh luật và pháp lệnh năm 2018 và năm 2017 điều chỉnh thì không thấy trong danh mục này có luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Xóa “vòng kim cô” thanh tra, kiểm tra

Theo đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam), việc dự Luật DNNVV không quy định các vấn đề liên quan đến hoạt động thanh kiểm tra với doanh nghiệp là điều không phù hợp. Thực tế việc chồng chéo, gia tăng tần suất của các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đang trở thành rủi ro lớn, là vòng kim cô kiềm tỏa sự phát triển của doanh nghiệp.

“Tại cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nhân tuần trước, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Cho nên, việc luật hóa nội dung này cũng là một cách để Quốc hội thể hiện sự đồng hành cùng Chính phủ và giải tỏa bức xúc của doanh nghiệp”, đại biểu Hiền nêu quan điểm và đề nghị dự thảo luật nên bổ sung việc luật hóa tần suất, lồng ghép và kế thừa kết quả các cuộc thanh kiểm tra, kiểm toán. “Nếu luật hóa việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sẽ tạo ra tính pháp lý cao hơn. Luật hóa một chính sách, đem lại sự công bằng, xóa bỏ vòng kim cô đối với doanh nghiệp là rất tốt, cần thực hiện”, bà Hiền nói.

Tháo “vòng kim cô” để doanh nghiệp phát triển ảnh 2 ĐBQH Hà Sỹ Đồng phát biểu tại Quốc Hội. Ảnh: Như Ý.

ĐB Hà Sỹ Đồng đánh giá, tín dụng với DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm thì “không khác nào chính sách cấp tín dụng hiện nay của các tổ chức tín dụng trên thị trường”. Từ đó ông Đồng đề nghị bỏ bớt các điều kiện về tài sản bởi theo quy định của pháp luật thì thậm chí các tổ chức tín dụng, cấp tín dụng cũng không bắt buộc trong mọi trường hợp cho vay tài sản bảo đảm.

Về hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, theo ông Đồng, khái niệm nêu tại dự thảo khá chung và chưa rõ ràng cụ thể về việc phân loại doanh nghiệp thuộc loại nào, mô hình kinh doanh mới là như nào, khả năng tăng trưởng nhanh đến đâu… để được hưởng ưu đãi. Nhiều nội dung về điều kiện hưởng hỗ trợ không thống nhất giữa các cơ quan, các doanh nghiệp, không mang tính minh bạch.

“Cái chúng ta cần là xem DNNVV đang gặp khó khăn gì, cần gì để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời trả lời cho câu hỏi, vì sao doanh nghiệp tư nhân của chúng ta không lớn được? Vì sao các hộ kinh doanh cá thể không muốn lập doanh nghiệp”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

“Đề ra chính sách nhưng dự luật không nói rõ mức thuế được giảm, thời gian thực hiện và cũng không dẫn chiếu đến luật chuyên ngành thì e rằng điều này khó khả thi”.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

MỚI - NÓNG