'Thập diện mai phục' với doanh nghiệp xuất khẩu

'Thập diện mai phục' với doanh nghiệp xuất khẩu
TP - Trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng chóng mặt, thì đồng đô la Mỹ lại rớt giá mạnh khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lao đao...
'Thập diện mai phục' với doanh nghiệp xuất khẩu ảnh 1
Cũng như nhiều ngành khác, các DN sản xuất xuất khẩu giày dép Việt Nam đang chịu nhiều áp lực do cùng lúc giá đầu vào cao, giá USD giảm Ảnh: Minh Quân  

“Chưa bao giờ các DN phải chịu sức ép nặng nề từ cả đầu vào lẫn đầu ra như hiện nay”- ông Phạm Xuân Hồng- TGĐ Cty May Sài Gòn 3 thốt lên, đồng thời cho biết hầu hết nguyên vật liệu cho sản xuất đều tăng từ 15 đến 30%. Trong khi đó, “đầu ra” không những không tăng mà lại còn tụt xuống do USD giảm giá so với tiền đồng.

“Điều đó có nghĩa là trong cùng lúc DN xuất khẩu hai lần bị giảm giá bán”- ông Hồng nói.

Mỗi tháng May Sài Gòn 3 xuất khẩu FOB (nhà xuất khẩu có nghĩa vụ giao hàng cho nhà nhập khẩu tại lan can tàu và hết trách nhiệm của mình) gần 10 triệu USD. Ông Hồng tính sơ bộ, nếu VND tăng khoảng 100 đồng/USD như ngày 6/3, thì mỗi tháng Cty cũng mất một khoản lợi nhuận không nhỏ, thậm chí hết cả lãi.

Ông Phan Văn Danh- Chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang cũng cho biết do giá VND tăng cao nên giá bán cá tra, cá basa  phi lê hiện giảm khoảng 3-5 cent/kg so với một tháng trước đây.

Theo ông Danh, do các DN chế biến xuất khẩu cá khó khăn về đầu ra, nên hạn chế sản xuất khiến nguồn cá nguyên liệu dư thừa. Riêng An Giang, hiện có khoảng 70.000 tấn cá tra, cá ba sa nguyên liệu đã đến tuổi khai thác nhưng không có người mua.

Số cá bán được cũng bị giảm giá mạnh so với khoảng một tháng trước đây. Cụ thể, giá cá tra, cá ba sa loại 1 giảm từ 15.000-15.200 xuống còn 14.000-14.200 đồng/kg, tức giảm 1.000 đồng/kg. Cũng trong bối cảnh nêu trên, ngành da giày ước tính mất ít nhất 2-3% lợi nhuận trong năm 2008.

Mặt khác, do tiền đồng có tỷ giá cao nên nhiều ngân hàng không chịu thu mua đô la, khiến các DN càng trở nên thiếu tiền đồng để chi tiêu trong nội địa. Từ đầu cuối tháng 2 và đầu tháng 3, sau khi được Hoa Kỳ giảm mức thuế chống phá giá xuống còn 0%, nhiều DN chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (trong số 29 DN được hưởng thuế suất này) phải chạy toát mồ hôi mới bán được đô la Mỹ…với giá thấp hơn so với thời điểm ký hợp đồng.

Đàm phán lại...

Ông Hồng cho biết, hiện nay nhiều DN dệt may cũng đang tiến hành đàm phán lại hợp đồng và nhiều khách hàng cũng đã chấp nhận “chia sẻ khó khăn” bằng việc chấp nhận nâng giá gia công lên 3-5%.

Trao đổi với Tiền phong vào chiều ngày 6/3, ông Nguyễn Chiến Thắng- Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, đồng thời là giám đốc một DN chế biến xuất khẩu gỗ cho biết: “Hôm nay chúng tôi phải đàm phán với khách hàng để điều chỉnh giá bán”.

Theo ông Thắng, những lô hàng đã ký hợp đồng rồi thì DN…“nghiến răng chịu”, và hiện nay đang đàm phán để ký hợp đồng cho những lô hàng cho cuối năm nay và cả sang năm. Dự kiến giá hợp đồng mới tăng khoảng 15% so với trước đây.

“Giá nguyên liệu đầu vào lên cao quá, nếu không tăng giá bán thì e DN không chịu nổi”- ông Thắng nói, nhưng không khỏi băn khoăn bởi “không phải khách hàng nào cũng chấp nhận”.

Ông Phan Văn Danh cũng cho biết, lợi dụng thời điểm khó khăn này, nhiều khách hàng nước ngoài tìm cách “vặn vẹo” để giảm đơn giá. Theo ông Danh, điều cốt lõi hiện nay là các DN phải đồng tâm liên kết để giữ ổn định giá bán. Nếu các DN không có sự đồng thuận cao thì tự chuốc họa vào thân.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.