Thất nghiệp mang nghèo về quê

Thất nghiệp mang nghèo về quê
TPO - Từ quê nghèo ra thành thị kiếm việc làm, trở thành công nhân, bây giờ mất việc lại về quê nương nhờ ruộng đồng. Ở quê đang cảnh khó khăn, người quê cũng khó cưu mang...
Thất nghiệp mang nghèo về quê ảnh 1
Bà Thêm 67 tuổi và cháu gái thất nghiệp trong căn nhà rách nát. ảnh Kiến Giang.

Về quê kiếm đường

Vợ chồng chị Trần Ngọc Mai, ở khu 3, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đang tá túc nhà mẹ ruột. Trước đây, vợ chồng chị lên TP HCM, chị may mũ xuất khẩu, chồng làm công nhân xây dựng. Chị Mai kể: “Lương của tôi khoảng 1.200.000đ/tháng, gần Tết hàng không xuất được nên hết việc. Chồng tôi cũng không còn việc. Vợ chồng con cái phải kéo về nhà mẹ ruột, phụ giúp cha mẹ già, sống qua ngày”.

Vùng nông thôn, tình cảnh người nông dân đi làm công nhân ở thành thị rậm rịch về thật buồn. Chỉ ấp Hòa Đức, xã Hòa Tú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã có vài trăm người đi làm công nhân tại TP HCM.

Anh Dương Văn Trường cho biết: “Tôi làm công nhân xây dựng ở quận 9 (TP HCM). Mới đầu, nhu cầu xây dựng nhiều, tăng ca nên mỗi tháng lĩnh 1.800.000 đồng. Làm nhiều cực nhiều nhưng có tiền gởi về cho vợ con. Sau này, việc ít, không trụ nổi, phải về”. Nhà không ruộng đất, anh Trường phụ vợ chạy chợ.

Bên cạnh anh Trường là gia đình anh Dương Văn Khánh, anh ruột của anh Trường. Gia đình anh Khánh có hơn 10 công đất trồng lúa, nuôi tôm nhưng thất bại, cầm cố cho người khác, cả nhà vợ chồng và 3 đưa con kéo nhau đi làm công nhân may. Gần Tết kéo nhau về và bảo về luôn, trên thành phố thiếu việc làm không sống nổi. Còn về nhà sống thế nào thì tính sau.

Anh Trần Văn Xây ở ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) làm công nhân xây dựng ở Bình Dương, vừa về quê. Anh Xây kể: “Chúng tôi xây dựng khu dân cư. Ông chủ nói xây nhà không bán được, ngưng thi công, không có việc làm tiếp, chúng tôi phải tứ tán tìm việc. Nhưng người đông việc ít, rất khó tìm việc, nhiều người chỉ còn biết về quê kiếm đường sống”.

Ở quê lắt lay

Bà Lâm Thị Hên ở xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đang vác lúa chất thành đống bên Quốc lộ 1A, chờ người mua. Chị Hên cho biết: “Lúa hạt dài, phơi khô rang mà người ta trả giá 2.700đ- 2.900đ/kg. Tôi ráng chờ bán hết lúa, xoay xở cho qua Tết. Mấy thằng con tôi đi làm công nhân trên thành phố kéo về hết rồi. Cả xóm tôi, người đi làm trên thành phố về hết luôn”.

Ông Trần Văn Sáu ở ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) mấy năm nhờ các con lên các khu công nghiệp ở Bình Dương làm công nhân. Ông Sáu thở dài: “Mấy đứa con tôi vừa điện về cho hay, chờ lãnh lương Tết rồi về luôn, không có việc làm. Tụi nó nói dạo này làm bữa đực bữa cái, không đủ sống.”

Ở khu vực Thới Trinh, phường Phước Thới, cạnh khu công nghiệp Trà Nóc Cần Thơ, bà Trần Thị Thêm 67 tuổi có cháu làm công nhân nghỉ việc về nhà đã hơn tháng. Bà ngậm ngùi: “Cháu nó tên Lâm Ngọc Chuyện, mẹ mất sớm, cha có vợ khác, ở với tôi từ nhỏ. Mò cua bắt ốc mà lớn lên, mới được nhận vào làm việc ở Cty PATAYA trong khu công nghiệp Trà Nóc ít lâu thì bị cho nghỉ”.

Bà làm 2 công ruộng, vụ trước chi phí hơn 4 triệu đồng, thu hoạch chỉ được hơn 1 triệu đồng. Vụ đông xuân, vừa gieo sạ lại chết hết, may nhờ chòm xóm cho giống gieo lại.

Ở gần nhà bà Thêm, chị Trần Thị Bé Tư cũng là công nhân của Cty PATAYA mất việc hai tháng nay. Chồng chị bốc vác ở khu công nghiệp Trà Nóc đang khi có việc khi không. Chị Tư muốn đi làm mướn nhưng quê nghèo, không ai mướn làm gì cả. Chị kể, hai tháng rồi nhà chị chưa được ăn thịt. Hàng ngày, chị mò cua bắt ốc để lo cái ăn. Chị hy vọng: “Công ty bảo sau Tết sẽ kêu đi làm lại, không biết sao nữa, nếu thế này mãi chắc đứa con phải nghỉ học”.

Hai mẹ con chị Thủy ở phường Thới Long (Ô Môn, Cần Thơ) cũng vừa thất nghiệp ở nhà máy chế biến thủy sản. Nhà nghèo, không có đất sản xuất, được ít tiền dành dụm ăn đã gần hết.

Chị nói: “Gắng ra Tết coi có chỗ nào kêu đi làm. Đứa con gái có mối lái Hàn Quốc, Đài Loan dạm mãi nhưng tôi từ chối, ra Tết không có việc chắc phải tính đường cho nó đi cho bớt khổ”.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.