Trò chuyện Nguyễn Trần Bạt – Xuân Ba về Chân dung Doanh nhân Việt - Kỳ III:

Thật thà là cha thất bại

Thật thà là cha thất bại
TPO - Kỳ 3 cuộc trò chuyện giữa học giả Nguyễn Trần Bạt và nhà báo Xuân Ba lấy cảm hứng từ vấn đề vai trò của doanh nhân trong hội nhập quốc tế và những đóng góp cần có của họ trong tổ chức sản xuất cũng như tạo ra các giá trị làm giàu thêm cho xã hội.

Xuân Ba: Trở lại sự chiêm nghiệm một chút. Xin lỗi, thuở hàn vi cũng như vị thế thành đạt bây giờ, ông đã từng bị công an, thuế, ngân hàng, hải quan… và cả báo chí (mè nheo quảng cáo?) hành chưa? Doanh nhân và doanh nghiệp có cần thiết phải trải qua hay vượt thoát những vụn vặt giăng mắc dường như là bất khả kháng, bất thành văn ấy? Và nữa, có ý kiến cho rằng doanh nhân không song hành với chính trị và không biết chiều mỵ các nhóm lợi ích thì khó mà tồn tại. Ông lý giải vấn đề này thế nào?

Nguyễn Trần Bạt: Vấn đề không phải là chấp nhận mà ở đâu cũng thế, không có gì tách rời chính trị, không có gì tách rời nhà nước, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. May mắn cho tôi là tôi  cũng gặp tất cả những điều anh liệt kê ở câu hỏi, nhưng cho đến nay đã 70 tuổi tôi không có bất kỳ chút bất mãn hay căm ghét nào đối với công an, thuế vụ. Họ là những người bạn đường trong cuộc sống của tôi. Bây giờ có những người thành đạt lên đến thứ trưởng, bộ trưởng, khi nhìn thấy nhau chúng tôi cười. Chúng ta phải xem công an, thuế vụ, các lực lượng làm phiền nhiễu một người kinh doanh là chuyện bình thường. Cuộc sống thân thiện hơn, thú vị hơn, thực hơn những gì báo chí nói, hơn những thứ mà những người chống đối nói. Tôi không có gì để căm thù những người mà anh vừa nói. Tôi xem những va chạm ấy như những kỷ niệm phải trải qua của một nhà kinh doanh đi từ kinh doanh nhỏ lên kinh doanh lớn.

Ví dụ, đôi khi chúng tôi cũng có vướng phải những chuyện ở phường, ở quận, nhưng anh em khi gặp chúng tôi thì họ xưng “em”. Điều ấy đối với chúng tôi cũng là một phần thưởng, bởi vì doanh nhân cách đây 20-30 năm có được coi ra gì đâu. Bây giờ truyền thông cùng với sự lãnh đạo của Đảng ta làm cho doanh nhân trở thành một lực lượng chủ yếu của đời sống. Tôi nghĩ thôi thì kiên nhẫn chịu đựng một số sự phiền hà và chúng tôi được bù lại bằng sự ca ngợi như một lực lượng cần thiết của sự phát triển. Tôi không thấy có gì phải bực dọc.

Xuân Ba: Doanh nhân Việt đồng thời cũng là tính cách Việt luôn song hành cũng như tiềm ẩn le lói những đức tính tốt cũng như dai dẳng cố hữu những thói xấu. Ông có tin rằng khi can dự, nhập cuộc vào những cuộc chơi lớn, những trận đánh lớn như các Hiệp định thương mại những WTO, VCUFTA, FTA với EU và sắp tới là TPP…, doanh nhân Việt sẽ hòa nhập với thông lệ quốc tế của doanh nhân quốc tế với mẫu số chung “thật thà là cha quỷ quái”?

Nguyễn Trần Bạt: Về mặt này, tôi cũng không nghĩ giống anh. Thật thà không phải là cha quỷ quái. Thật thà là cha thất bại. Người ta không thể thật thà một cách đơn giản được. Trong đời sống kinh tế quốc tế lúc nào cũng phải cảnh giác, lúc nào cũng phải học hỏi. Nên nhớ rằng thật thà đơn giản và thật thà một cách có khoa học là khác nhau. Thật thà trong hội nhập là thật thà có khoa học. Quỷ quái của thương trường quốc tế cũng là quỷ quái của học vấn chứ không phải quỷ quái của lừa đảo. Sự lừa đảo bị lên án ở mọi nơi trên thế giới, nhưng sự thật thà đơn giản cũng không được biểu dương.

Có ba thứ chi phối trong đời sống kinh tế thị trường. Thứ nhất là sự hợp lý vĩ mô. Sự hợp lý vĩ mô là sự hợp lý của chính sách của Đảng và Chính phủ, không có nó chúng ta không phát triển được. Thứ hai là sự hợp lý vi mô, tức là sự hợp lý của các công cụ điều hành doanh nghiệp. Cái này gắn liền với giáo dục. Trường học không đào tạo, con người sẽ không biết điều hành các doanh nghiệp của mình. Thứ ba là sự hợp lý văn hóa. Nếu lúc nào cũng đi tìm sự đúng đắn vĩ mô và vi mô thì chúng ta sẽ căng thẳng, không kinh doanh lâu dài được. Kinh doanh lâu dài là kinh doanh theo các tiêu chuẩn của thói quen, của văn hóa. Biến các hành vi kinh doanh thành các hành vi có tiêu chuẩn văn hóa là làm giảm nhẹ sự căng thẳng của đời sống kinh tế, tạo ra không khí hòa thuận của đời sống kinh tế. 

Tôi có bài viết trong đó nói rằng hãy trả lại sự yên tĩnh cho các trường học, bố mẹ cãi nhau đừng để ảnh hưởng đến con, người lớn cãi nhau về giáo dục đừng để ảnh hưởng đến trường học. Tôi nghĩ kể cả đối với kinh doanh cũng thế, hãy để nó yên tĩnh. Tất cả các sai lầm sẽ được học một cách âm thầm, sửa một cách âm thầm và đổi mới một cách âm thầm. Tôi rất thích nghị quyết trung ương XI, trong đó khẳng định ý chí phải sửa đổi một cách kiên quyết, kiên nhẫn đồng bộ tất cả các sai lầm. Nói thì có người sẽ thắc mắc tại sao lại nói đến chính trị trong câu chuyện này, nhưng nếu ai định tách rời chính trị ra khỏi kinh doanh thì người đó sai ngay từ đầu.

Thật thà là cha thất bại ảnh 1

Xuân Ba: Theo ông sự chuyển biến sẽ theo chiều hướng nào?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi tuyệt đối không bi quan về cuộc sống này một chút nào. Nó có khó khăn nhưng không đến mức bi quan. Bởi vì con người đã được nếm trải các thành tựu của sự yên ổn thì không dại gì phá vỡ nó. Chỉ có một vài người đòi thay đổi một cách gấp gáp thì mới sẵn sàng làm thế. Tôi là người luôn luôn tìm kiếm sự ổn định để âm thầm khắc phục các nhược điểm mà cuộc sống mang lại cho công việc của tôi. Tôi nghĩ sự yên tĩnh để khắc phục sai lầm một cách cẩn thận mới là cái xã hội thực sự cần. Tức là xã hội không cần thay đổi thể chế mà cần điều kiện yên tĩnh để mỗi một người khắc phục các nhược điểm của thể chế theo kiểu của mình.

Tất cả những hiệp định thương mại song phương, đa phương mà anh nói là những cánh đồng mênh mông mà Đảng ta dẫn doanh nhân Việt Nam vào. Họ cần phải học WTO là gì, FTA là gì, v.v… Là một luật sư chuyên nghiệp về lĩnh vực này, tôi biết học những thứ ấy rất khó. Ví dụ, Công ước Berne về sở hữu trí tuệ khó hiểu ngay cả đối với các chuyên gia chứ không chỉ với những người bình thường. Người Việt cần sự yên tĩnh để rút kinh nghiệm và họ sẽ trở thành các nghệ sĩ lang thang ở các chợ quốc tế để bán những món hàng mà thông thường người ta không nghĩ rằng bán được. Ví dụ chúng ta đang bán cá basa. Trước đây xuất nhập khẩu của chúng ta là một sự đảm bảo từ nhà nước, còn bây giờ ai cũng xuất nhập khẩu. Người Việt khôn lắm, con người khôn lắm! Hãy để cho họ khôn một cách bình thường!

Xuân Ba: Đồng nghiệp của ông đã tỏ ra hoang mang thậm chí cho ông là đánh đố họ khi trên một diễn đàn ông từng dõng dạc đại ý: “Không có một nhà chính trị nào đi học kinh nghiệm của nhà chính trị khác để điều hành đất nước của mình. Không có một nhà kinh doanh chân chính nào đi học kinh nghiệm của nhà kinh doanh khác để điều hành doanh nghiệp của mình. Không có một người chồng chân chính nào đi học kinh nghiệm của hàng xóm để về điều hành vợ mình”. Ông có thể nói rõ tại sao ông lại phát biểu như vậy?

Nguyễn Trần Bạt: Đúng câu ấy là của tôi. Qua câu ấy tôi muốn khuyến khích một điều là mỗi con người phải góp kiến thức của mình, kinh nghiệm của mình vào kinh nghiệm chung của nhân loại, không dùng một cách máy móc cái của người khác. Tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng cuộc sống luôn đòi hỏi con người phải sáng tạo. Tôi đưa ra ba mệnh đề như thế bởi tôi thấy xã hội hiện nay có những đòi hỏi không phù hợp. Có những người đòi hỏi phải thay đổi thể chế này thành một thể chế theo kiểu Mỹ. Tôi muốn nhắc nhở họ rằng các nhà chính trị Việt Nam có các điều kiện của Việt Nam, có cách thức của Việt Nam, có quần chúng của Việt Nam, họ không bắt chước kiểu Mỹ.

Nhà kinh doanh cũng thế, mỗi người có một cách điều hành công ty, điều hành kinh doanh của mình. Hoạt động ấy phát sinh từ những đòi hỏi rất cụ thể đối với từng trường hợp và người ta phải tự nhận thức lấy để xử lý. Không phải cứ học trường Harvard ra là thành công trong kinh doanh. Tôi thấy phần lớn học ở trường Harvard ra là để phục vụ các nhà kinh doanh, còn để trở thành nhà kinh doanh thì khó. Nhà kinh doanh phải có ý tưởng của mình, không có ý tưởng thật sự không kinh doanh được. Trong kinh doanh người ta không mấy khi cần đến các giáo sư, tiến sĩ. Tôi lang thang ở Mỹ nhiều lần, đến những hãng luật khôn ngoan và lớn nhất New York, nhưng không thấy người ta tuyển tiến sĩ. Các luật sư là cộng sự của hãng luật ở New York lương tối thiểu là 500.000 USD/ năm. Người ta trả giá đắt cho những giá trị thật chứ không trả giá cho những danh hiệu.

Trong giới kinh doanh có những tâm sự cụ thể như thế đấy. Tôi nói với nhà báo để anh hiểu được nó có các không gian tinh thần riêng biệt của nó. Nghiên cứu nó là nghiên cứu cấu trúc tinh thần của cả cái cộng đồng văn hóa ấy. Đảng ta nên có những công trình nghiên cứu về  giới doanh nhân Việt Nam một cách chuyên nghiệp. Bởi nếu không thì không thể soạn luật kinh doanh, luật công ty một cách chuyên nghiệp được. Tôi có viết trong sách rằng nếu pháp luật không có năng lực biến thành văn hóa thì pháp luật không có giá trị trên thực tế, bởi cái có khả năng điều chỉnh hành vi con người hiệu quả nhất chính là văn hóa. Pháp luật có giá trị là pháp luật có thể biến thành văn hóa. Nhân dịp này báo chí nên cảnh báo với xã hội và các nhà điều hành đất nước là cần phải nhìn nhận giới kinh doanh như một đối tượng chuyên nghiệp chứ đừng thương họ. Họ không đáng thương, thậm chí họ có thể trở thành một lực lượng nguy hiểm nếu không uốn nắn cẩn thận, không điều chỉnh bằng luật pháp một cách cẩn thận.

Doanh nhân chỉ có ích khi họ được điều chỉnh một cách khoa học. Người chơi cờ đầu tiên là phải tôn trọng các quy tắc của bàn cờ. Không ai trở thành kỳ thủ nếu không tôn trọng bàn cờ. Nhà lãnh đạo là người thiết kế bàn cờ cũng phải tôn trọng cái bàn cờ mà doanh nhân là các kỳ thủ, nếu không thì quân hồi vô phèng, không ai bảo được ai. Có những thời điểm tôi có cảm giác hình như xã hội chúng ta đang đến gần trạng thái ấy, cần phải chấn chỉnh ngay. Báo chí cần phải góp một tiếng nói trong chuyện đó.

Thật thà là cha thất bại ảnh 2

Xuân Ba: Tự nhận mình là kẻ ngu ngơ dại dột trong cuộc sống hàng ngày nhưng trong kinh doanh ông không ngại nhận mình là một CEO - Tổng tư lệnh. Ông từng nói doanh nhân là chiến binh thời bình.  Là Tổng tư lệnh ông có cách điều binh gì đặc biệt? 

Nguyễn Trần Bạt: Tất cả các CEO đều phải có nghị lực tương đương với một viên tướng để cầm quyền trong kinh doanh. Những người điều hành kinh doanh nếu không có nghị lực của một viên tướng thì không thành công được. Thậm chí không chỉ có nghị lực của một viên tướng mà đôi khi còn phải  thô lỗ như một viên tướng. Đấy là phẩm chất thứ nhất.

Phẩm chất thứ hai là biết rình mồi và vồ mồi. Doanh nhân như là con sư tử, con hổ, con báo, họ phải đủ kiên nhẫn để rình các cơ hội như một con thú lớn rình mồi. Không học cách rình mồi thì không thể làm doanh nhân được. Doanh nhân phải học đủ công nghệ của một con sư tử là kiên nhẫn khi rình mồi và kiên quyết khi vồ mồi.

Phẩm chất thứ ba là phải có óc tổ chức. Không có năng lực tổ chức lực lượng, tổ chức kinh doanh thì không làm doanh nhân được. Phẩm chất thứ tư là trí tưởng tượng. Không có trí tưởng tượng thì sẽ phải gánh cái gánh quá nặng. Trí tưởng tượng đôi khi giúp con người bay qua các khó khăn để đến với cơ hội. Còn nhiều phẩm chất khác, nhưng đối với tôi những phẩm chất vừa nói là quan trọng nhất.

Có một cái thứ năm nữa là thiên tài. Tôi đã định nghĩa trong một quyển sách: “Thiên tài là cái mà kẻ sở hữu nó là kẻ cuối cùng biết về nó”. Thiên tài là Chúa cho, cái đấy chúng ta không phân tích được.

Đón đọc kỳ cuối “Trò chuyện Nguyễn Trần Bạt – Xuân Ba: Bị tiền và túi trí tuệ”

MỚI - NÓNG