Quanh việc “xé rào” chính sách thu hút đầu tư:

Thất thu lớn xảy ra ở nhiều tỉnh nghèo

Thất thu lớn xảy ra ở nhiều tỉnh nghèo
TP - Bộ KH&ĐT vừa tiếp tục gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị hướng xử lý việc các tỉnh tự ban hành chính sách ưu đãi thu hút đầu tư “xé rào” pháp luật với 1.135 dự án, gây thiệt hại lớn cho ngân sách…
Thất thu lớn xảy ra ở nhiều tỉnh nghèo ảnh 1

Đầu tư nước ngoài sản xuất ô tô Honda Civic tại Vĩnh Phúc Ảnh: P.N.B

Nhà đầu tư có bị ảnh hưởng?

Ngay sau khi Thủ tướng yêu cầu xử lý các tỉnh “xé rào” ưu đãi đầu tư, tự ban hành các chính sách thu hút đầu tư trái luật vào tháng 12/2005, Đoàn công tác liên ngành gồm 5 Bộ quan trọng lại tiếp tục đi kiểm tra thực tế trong 3 đợt tại 16 tỉnh để kiến nghị Chính phủ phương thức xử lý hợp lý nhất.

Sau khi đợt kiểm tra thứ 3 kết thúc ngày 7/9/2006, đại diện các Bộ Tài chính, KH&ĐT, TN-MT... càng phát hiện thêm nhiều dự án mà các tỉnh “cho” ưu đãi lớn. Thạc sỹ Vũ Xuân Thuyên-chuyên gia cao cấp Bộ KH&ĐT, Trưởng đoàn liên ngành kiểm tra xử lý vấn đề “xé rào” ưu đãi đầu tư của các tỉnh cho biết, đến ngày 26/9, tổng số dự án được cấp ưu đãi vi phạm pháp luật lên đến 1.135.

Trong số 35/64 tỉnh, thành phố cấp ưu đãi cho các dự án trái luật, có 4 tỉnh cấp ưu đãi trái luật hơn 100 dự án/tỉnh gồm: Vĩnh Phúc (121 dự án); Bắc Ninh (126); Quảng Nam (102) và Bến Tre (194).

Hầu hết lãnh đạo các địa phương, DN đều kiến nghị giữ nguyên mức ưu đãi mà các tỉnh đã ban hành đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang đề nghị Chính phủ cho phép các nhà đầu tư được hưởng quyền lợi đã được ghi trong các quyết định đã “lỡ” ban hành.

Tuy nhiên, ngay cả khi Chính phủ đã quyết định (tất cả các chính sách, “xé rào” pháp luật ra đời sau ngày 1/1/2006 đều phải bãi bỏ), thì lãnh đạo tỉnh Hải Dương vẫn kiến nghị “cho phép 18 dự án mà tỉnh cấp giấy chứng nhận ưu đãi trái luật sau ngày 1/1/2006 được hưởng các ưu đãi đầu tư, vì phần lớn các dự án đó là FDI”; còn lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An thì đề nghị Chính phủ có quy chế  đặc biệt, giúp thêm 20 tỷ đồng để thực hiện đúng lời hứa với nhà đầu tư đã đầu tư xây Nhà máy xi măng Đô Lương.

Ông Thuyên khẳng định, việc thực hiện những cam kết với nhà đầu tư sẽ được đảm bảo đúng theo quyết định của Chính phủ, và cho dù chính quyền cấp tỉnh ký ban hành chính sách ưu đãi này trước thời điểm Chính phủ “tuýt còi” cũng cần được tôn trọng, để đảm bảo chính sách nhất quán của Nhà nước là đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Nếu Thủ tướng đồng ý với tờ trình của Bộ KH&ĐT thì ít nhất sẽ chỉ có 18 dự án ưu đãi đầu tư trái luật phải hủy bỏ và 1 dự án ở Nghệ An cần cân nhắc chi thêm ngân sách.

Thất thu hàng nghìn tỷ đồng ?

Câu hỏi đặt ra sau hơn 2 năm  xử lý tình trạng “xé rào” ưu đãi đầu tư, các tỉnh đã gây thiệt hại cho ngân sách bao nhiêu? Tỉnh Quảng Nam có 103 dự án ưu đãi đầu tư, trong đó kiểm tra Cty Tấn Đạt được hưởng 17 tỷ đồng/năm nhờ “xé rào”.

Hầu hết các tỉnh chưa báo cáo thiệt hại do ban hành chính sách sai trái, trừ Quảng Ninh, Nghệ An. Trong bản tự báo cáo của mình, Quảng Ninh thừa nhận 27 dự án được tỉnh cho hưởng ưu đãi làm thủng ngân sách 14 tỷ đồng.

Tỉnh Nghệ An ưu đãi quá mức cho 34 dự án, gây thiệt hại 50 tỷ đồng. Mới đây, tỉnh lại báo cáo có thêm 1 dự án lãnh đạo tỉnh đã hứa chi thêm 20 tỷ đồng nữa.

Cả nước có 1.135 dự án được nhận ưu đãi trái luật, nếu với mức ưu đãi được báo cáo và qua kiểm tra phát hiện như ở 3 tỉnh nói trên thì việc các tỉnh “xé rào” cũng sẽ gây thiệt hại ước tính cả chục nghìn tỷ đồng.

Trong 16 tỉnh mà Đoàn công tác đến kiểm tra thì chỉ có 6 tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Dương) tự cân đối được ngân sách, có điều kiện để thực hiện các cam kết ưu đãi đầu tư vượt khung Chính phủ quy định với nhà đầu tư.

Các tỉnh còn lại hầu hết rất nghèo, thu ngân sách không đủ chi (kể cả chi thường xuyên), nên không thể có đủ nguồn thực hiện cam kết với nhà đầu tư.

Tỉnh Quảng Nam năm 2005 thu ngân sách được 1.000 tỷ đồng thì chi 2.100 tỷ đồng. Nghệ An năm 2005 thu đạt 1.532 tỷ đồng, thì chi vượt kế hoạch 1.340 tỷ đồng.

Ngay cả chi thường xuyên (lương, quản lý hành chính Nhà nước...) của tỉnh này cũng đã lên đến 2.081 tỷ đồng. Sơn La chủ yếu ngân sách Nhà nước cấp về.

Tỉnh Thanh Hóa, năm 2005 thu ngân sách đạt 1.468 tỷ đồng, chi ngân lên đến 3.587 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên của tỉnh này cũng quá tay so với tổng mức Quốc hội cho phép chi đầu tư phát triển KT-XH toàn tỉnh là hơn 1.000 tỷ đồng.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính, KH&ĐT cùng UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tiến hành kiểm tra, tổng hợp số tiền thất thu ngân sách (thời điểm hiện tại và những năm tiếp theo) do ưu đãi đầu tư trái luật.

Bên cạnh đó yêu cầu 21 tỉnh, thành phố chưa có báo cáo rà soát thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng thì tiếp tục phải rà soát, tự hủy bỏ và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/12/2006.

MỚI - NÓNG