Lợi nhuận cao ngất ngưởng     

Thấy gì qua báo cáo tài chính quý 3/2008?

Thấy gì qua báo cáo tài chính quý 3/2008?
TP - Báo cáo tài chính quý 3/2008 của 30 tổ chức niêm yết trên sàn Hà Nội và TPHCM đều công bố những con số lợi nhuận khá ấn tượng. TTCK tăng điểm trở lại phiên 21/10 phần nào cũng có nguyên nhân từ các báo cáo này.

Tuy nhiên NĐT cũng lo ngại khi còn quá nhiều DN vẫn chưa có BCTC dù đã gần hết tháng đầu tiên của quý 4/2008…

Lợi nhuận cao ngất ngưởng     

TS Lê Thẩm Dương (ĐHNH TPHCM) cho rằng quý 3 là quý mà DN đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất trong năm.

Đây là thời điểm chính sách thắt chặt tiền tệ phát huy tác dụng mạnh nhất, vốn vay với lãi cao của nhiều DN đang “ngấm” dần.

Không ít DN chẳng những kinh doanh, sản xuất giảm suất do thiếu vốn mà còn bị ảnh hưởng bởi giá xăng, dầu tăng cao, chi phí đội lên, hàng bán chậm. Vì những lý do trên, NĐT rất mong chờ BCTC quý 3 với quan niệm “nếu vượt qua được quý này xem như DN sẽ ổn cả năm”.

Đáp ứng kỳ vọng này, hàng loạt DN đã công bố mức lợi nhuận rất cao. Trong nhóm các DN đạt lợi nhuận cao thì Cty Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) hiện đang dẫn đầu với lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng là 1.082 tỷ, Cty Sữa Việt Nam (VNM) đạt lợi nhuận 1.023 tỷ sau thuế, FPT có lợi nhuận trước thuế 843 tỷ đồng, Cty Vật tự kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) lợi nhuận trước thuế 134 tỷ, Cty Cao su Tây Ninh (TRC) 145,8 tỷ, Cty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VNA) hơn 81 tỷ,  Cty cổ phần Khoan và dịch vụ dầu khí (PVD) mới tính 8 tháng đầu năm 2008 đã có lợi nhuận sau thuế 675 tỷ đồng…

Với tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới gặp khá nhiều khó khăn trong quý 3/2008 thì lợi nhuận của HPG,VNM, FPT, PVD… được xem là khá bất ngờ.

Tuy nhiên với việc HPG đang chiếm thị phần hàng nội thất khá lớn tại phía Bắc, VNM càng có lợi thế sau cơn bão melamine, FPT vẫn là DN phầm mềm và kinh doanh “phần cứng” hàng đầu Việt Nam, TRC hưởng lợi lớn từ giá cao su tăng… thì con số trên cho thấy “bão tài chính” vẫn chưa đụng đến một số ngành.

Ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng GĐ VNM cho rằng dù người tiêu dùng có thắt chặt chi tiêu thì các loại thực phẩm như sữa vẫn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Từ nhận định này có thể thấy nếu NĐT lựa chọn cổ phiếu của các DN sản xuất kinh doanh những mặt hàng thiết yếu sẽ vững tâm hơn các cổ phiếu của nhóm DN tài chính, bất động sản, chứng khoán, hàng cao cấp…

Tuy nhiên, những NĐT đang nắm cổ phiếu của các Cty chứng khoán cũng bớt lo khi Cty chứng khoán hàng đầu  là Cty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) sau những tháng đầu năm làm ăn chật vật thì tổng lợi nhuận tính đến hết quý 3 cũng lên đến gần 260 tỷ đồng.

Hàng loạt DN gặp khó

Bên cạnh những DN đạt lợi nhuận “trong mơ” thì không ít DN cũng gặp phải không ít khó khăn. Cty Cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (HPC-HASTC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng năm 2008 với kết quả lũy kế 9 tháng lỗ hơn 85tỷ đồng.

Theo HPC, số lỗ trên là do Cty đã trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán theo quy định của Bộ Tài chính. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần cơ điện lạnh (REE) cho biết 9 tháng đầu năm 2008 là khoảng thời gian khó khăn nhất trong nhiều năm qua của REE và 8 tháng đầu năm 2008 REE lỗ 43 tỷ đồng cũng do trích lập quỹ dự phòng (nếu chỉ tính tháng 8/ 2008 REE đã bắt đầu có lãi hơn 90 tỷ- PV).

Một số DN khác như Nhà máy Thủy điện Sông Hinh (VHS) lợi nhuận quý 3/2008 giảm 47% với 60 tỷ đồng so với 113 tỷ của quý 2/2008; Cty Điện tử Tân Bình giảm lợi nhuận 41% so với quý 2/2008; Cty Bông Bạch Tuyết dù lỗ chưa đến chục tỷ nhưng vẫn đang ngừng hoạt động vì thiếu vốn…

Tuy nhiên điều mà đa số NĐT quan tâm hơn cả là khi nào hơn 250 DN còn lại sẽ công bố BCTC quý 3 và danh sách các DN thua lỗ còn kéo dài đến đâu? Nhiều ý kiến còn e ngại các BCTC chậm công bố thường có vấn đề dù thực tế đã chứng minh chưa hẳn như vậy.

Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam nói: “Với tình hình khủng hoảng tài chính đang kéo dài, hàng hóa bán chậm, nhiều DN thiếu vốn hay chịu lãi cao thì NĐT nên chuẩn bị tinh thần với những con số không đẹp, thậm chí lỗ nặng trong BCTC của một số DN. Tôi nghĩ đó cũng là điều bình thường vì ngay cả các tập đoàn lớn cũng có khi lỗ trong ngắn hạn. Điều quan trọng là DN phải có thông tin minh bạch, cụ thể và có kế hoạch khắc phục khả thi, chú ý đến quyền lợi của số đông cổ đông”.

Phó Tổng GĐ một CTCK còn cho rằng trong tình hình này mà kỳ vọng lợi nhuận cao thì “hơi mơ mộng bởi đây là thời điểm khó khăn nhất trong gần 10 năm nay”.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.