Thẻ quốc tế: Các đại gia nước ngoài vào cuộc

Thẻ quốc tế: Các đại gia nước ngoài vào cuộc
Chi tiêu thẻ chủ yếu vẫn ở nước ngoài. Hiện đã có 125.000 thẻ thanh toán quốc tế trên thị trường Việt Nam. Tổng số tiền chi tiêu sử dụng thẻ VISA trong năm qua đạt 237 triệu USD.
Thẻ quốc tế: Các đại gia nước ngoài vào cuộc ảnh 1
Ngày càng nhiều khách hàng rút tiền bằng thẻ.                         ảnh: Hồng Vĩnh

Bà Nguyễn Thu Hà - Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam - cho biết: “Đến nay đã có 10 ngân hàng thành viên chính thức của các tổ chức thẻ quốc tế, cộng với một số ngân hàng đại lý tham gia thanh toán thẻ, hiện đã có 5 loại thẻ quốc tế được chấp nhận tại Việt Nam; cũng đã có 4 ngân hàng phát hành thẻ quốc tế là Vietcombank, ACB, Eximbank, AZN.

Tuy nhiên, đối tượng khách hàng thì tương đối cao cấp, những người hay đi lại trong và ngoài nước. Chi tiêu thẻ chủ yếu vẫn ở nước ngoài. Hiện đã có 125.000 thẻ thanh toán quốc tế trên thị trường Việt Nam”.

Đáp ứng dịch vụ thanh toán thẻ quốc tế, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... hoặc các địa điểm du lịch, đã có mạng lưới gần 10.000 đơn vị chấp nhận thẻ, là các tổ chức hay cá nhân cung ứng hàng hoá, dịch vụ chấp nhận thẻ làm công cụ thanh toán. Loại hình tập trung chủ yếu vào việc phục vụ cho khách du lịch nước ngoài: khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm...

Tuy nhiên, vì sự tập trung này đã gây ra hiện tượng nhiều ngân hàng cùng có mặt tại một đơn vị chấp nhận thẻ. Thời gian qua, ở những khách sạn “5 sao” trên địa bàn Hà Nội, đã chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng để được “có mặt” nơi khách hàng thường xuyên dùng thẻ, “gây lãng phí nghiêm trọng về mặt đầu tư”. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - nói.

Nhận thấy tiềm năng lớn về thanh toán phi tiền mặt trên thị trường Việt Nam, nhiều năm trước các “đại gia” thẻ thanh toán quốc tế đã bắt đầu “nhòm ngó”. Điển hình trong số này phải kể đến tập đoàn VISA International - Thương hiệu thẻ thanh toán hàng đầu trên thế giới.

Thẻ VISA đầu tiên đã được phát hành tại Việt Nam vào năm 1996, cùng thời điểm với sự phát hành của Master Card, sau đó là American Express, Maestro...Đây cũng là thời điểm được các chuyên gia ngân hàng đánh giá hệ thống thanh toán thực sự phát triển.

Năm 2005, đánh dấu bước tiến mới trong thâm nhập thị trường thẻ Việt Nam của các đại gia nước ngoài, với việc VISA mở văn phòng đại diện chính thức tại TP Hồ Chí Minh. Ông Cooper Gordon - Đại diện trưởng VISA Việt Nam - cho biết: “Tổng số tiền chi tiêu của các khách du lịch sử dụng thẻ thanh toán quốc tế của VISA khi tới thăm Việt Nam trong năm qua đạt 237 triệu USD”.

Thẻ nội địa - Vẫn còn nhiều bất cập

Mặc dù được đưa ra thị trường muộn hơn so với dịch vụ thanh toán thẻ quốc tế, nhưng hệ thống thẻ ghi nợ nội địa lại có tốc độ phát triển nhanh hơn nhiều, đến ba con số hàng năm (trung bình trên 200%/năm), đạt 760 nghìn thẻ (gấp 7 lần thẻ quốc tế) chỉ sau 3 năm.

Nhận xét về thị trường thẻ nội địa, bà Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm thẻ của Vietcombank - nói: “Qua theo dõi hoạt động của số lượng thẻ phát ra, chúng tôi thấy thẻ vẫn chỉ được sử dụng chủ yếu tại ATM để rút tiền mặt. Điều này làm giảm mất ý nghĩa của phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt”.

Bà cho biết thêm: “Việt Nam hiện có 14 ngân hàng triển khai hệ thống giao dịch tự động ATM, với khoảng 773 máy ATM trên toàn quốc. Số lượng ATM trên đầu người dân thành thị là 1 ATM/26.000 người. Các hệ thống ATM hoạt động riêng biệt, không có sự kết nối”.

Bà Bùi Thị Tuệ - Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Thương mại) - đã đánh giá cao tiện ích của hệ thống thẻ, nhưng đồng thời cũng than phiền rất nhiều về các dịch vụ liên quan đến việc sử dụng thẻ. Điều bà lo ngại nhất là nạn lừa đảo và an ninh trong hệ thống thanh toán thẻ còn non trẻ ở Việt Nam.

Bản thân bà đã từng bị mất tiền khi sử dụng thẻ. Khi bà đến ngân hàng để bày tỏ sự lo lắng của mình thì đã không nhận được sự giải thích “hợp tình, hợp lý” của các nhân viên giao dịch.

Có lẽ đây là điều các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ cần quan tâm, hơn là việc lập ra những liên minh nhưng vẫn không thực sự mang lại nhiều tiện ích cho một thị trường được VISA dự đoán là sẽ có 10 triệu khách hàng.

MỚI - NÓNG