Thêm doanh nghiệp ở Kiên Giang cầu cứu ngân hàng

Thêm doanh nghiệp ở Kiên Giang cầu cứu ngân hàng
TP - Sáng 20-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam cùng lãnh đạo các sở, ngành gặp gỡ với 22 doanh nghiệp (DN) và 11 NHTM trên địa bàn tỉnh, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2012.

> UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục tìm lối đi cho Cty Mai Sao

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2012, Kiên Giang có 241 DN ngừng hoạt động, 632 DN có nợ xấu, trong đó chế biến thủy sản có 15 DN, 13 DN nợ đọng tiền thuế.

Toàn tỉnh có khoảng 5.000 DN, nhưng chỉ có khoảng 25-28% trong số này tiếp cận được vốn vay ngân hàng, lượng hàng tồn kho lớn.

Tại cuộc gặp, ông Cao Hương Thiên - Giám đốc Cty TNHH Mai Sao (Một DN chết vì lãi suất, đăng trên Tiền Phong ngày 19-7) khẩn thiết đề nghị các NHTM sớm xử lý hàng tồn kho, thanh lý tài sản mà công ty đã thế chấp để thu hồi nợ, đồng thời có kế hoạch khoanh nợ, tái cơ cấu lại nợ để Cty Mai Sao có thể khôi phục hoạt động sản xuất trở lại vì đang có đơn hàng.

Ông Nguyễn Văn Phương – Giám đốc chi nhánh Vietcombank Kiên Giang, một chủ nợ của Cty Sao Mai phân trần: “Vietcombank Kiên Giang đã hết sức tạo điều kiện để Cty Sao Mai tự bán tài sản với giá thỏa thuận để thanh toán nợ cho ngân hàng, hoàn toàn không có chuyện ngân hàng ép DN phải bán tài sản thế chấp với giá rẻ".

Về việc cứu Cty Mai Sao, ông Phương đề nghị phía DN liên hệ với công ty mua bán nợ, còn ngân hàng không thể tiếp tục cho vay đối với DN này.

Ông Võ Thanh Hiệp – Giám đốc Cty Cổ phần Hiệp Phát (chế biến thủy sản xuất khẩu) cho biết DN của mình còn khó khăn hơn cả Cty Mai Sao, cũng chỉ vì các NHTM cứ thấy khó là ngưng cho vay.

Ông Hiệp bức xúc nói: “Lĩnh vực thủy sản luôn khát vốn và dễ bị tác động bởi diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong khi đó chỉ cần chậm thanh toán một món vay là ngay lập tức hệ thống theo dõi nợ của ngân hàng báo động ngưng cho vay đồng loạt”.

Liên quan đến xử lí nợ của Cty Mai Sao, ông Nguyễn Văn Kiệt – Giám đốc chi nhánh NHNN Kiên Giang nói: “Trong khi DN khát vốn thì ngân hàng cũng đang tồn kho tiền, muốn tìm đầu ra để tăng trưởng tín dụng. Vì thế cần tạo điều kiện tốt nhất để các DN tiếp cận nguồn vốn. Các ngân hàng cần xem xét trong điều kiện nào đó cho phép hãy cứu lấy DN, đề nghị khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho họ. Tuy nhiên DN mà chết rồi, không thể cứu được nữa thì rất khó chia sẻ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG