Thêm một tỉnh công bố gian lận xăng dầu

Thêm một tỉnh công bố gian lận xăng dầu
TP - Mới đây, thêm 1 địa phương nữa là Bình Dương đã chính thức công bố kết quả kiểm tra, khảo sát tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Trước đó đã có 5 tỉnh công bố.
Thêm một tỉnh công bố gian lận xăng dầu ảnh 1

Trong một báo cáo mới đây, Tổ kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương cho biết: Từ tháng 8 đến tháng 10/2006, kiểm tra 26 DN, cơ quan chức năng đã phát hiện có 16 DN (chiếm 62%) vi phạm các quy định hiện hành trong kinh doanh xăng dầu.

Trong đó có 6 trường hợp vi phạm về đo lường với sai số (sai non) từ 1,05 –8% (quy định chỉ cho phép sai số dưới 0,5%) và đã niêm phong 22 trụ bơm có dấu hiệu ăn gian lượng xăng bán lẻ cho khách hàng.

Tổ kiểm tra liên ngành cũng phát hiện 4 trong tổng số 10 mẫu xăng lấy ngẫu nhiên tại các cây xăng không đạt chất lượng, 4 trạm xăng bán quá giá quy định.

Những tỉnh, thành  đã công bố tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu trước Bình Dương là Tây Ninh, Bến Tre, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM.

Tỉnh Bình Dương đã quyết định công khai danh sách “đen” các đơn vị đã vi phạm, gồm: Về đo lường: DN Thiên Tạo (1 trụ bơm, sai non 5,4%), Cty cổ phần Sao Mai Sài Gòn (1 trụ, 1,05%), DN Ngọc Trân (3 trụ, từ 2,6- 5,5%), DN Hòa Bình (3 trụ, từ 4,8 – 5,18%), DN Ông Ba Lý (1 trụ, 3,55%), DN Hồng Vân (2 trụ, từ 5,8 - 8%), DN Tân Vạn (7 trụ, từ 1 –5,15%), DN Nam Tiên (2 trụ, từ 5,2 –5,6%), DN Quang Tuấn Rexco (2 trụ, 3,6%). 4 DN bán xăng kém chất lượng là DN Rexco, DN Hòa Bình, DN Ông Ba Lý, DN Hồng Vân. Có nơi tuy treo biển xăng A 92 nhưng thực tế đã bán ra loại xăng có chỉ số rất thấp.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu xử lý nghiêm

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có công văn số 5997/VPCP-V.I ký ngày 19/10/2006 gửi Bộ Thương mại và Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết:

Xét báo cáo của VPCP về việc các báo phản ánh kết quả khảo sát của Vinastas về chất lượng, chủng loại xăng bán lẻ tại 4 tỉnh phía Nam và TPHCM, phó Thủ tướng thường trực  Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến như sau: Giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ KHCN, các cơ quan, hiệp hội liên quan, tiến hành kiểm tra những nội dung mà báo chí, Vinastas đã phản ánh về hành vi gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian gần đây, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong từng khâu, kiến nghị các giải pháp xử lí nghiêm những vi phạm nhằm tăng cường công tác chống hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2006.

Điều đáng nói, suốt từ năm 2003 đến nay, Bình Dương đều tiến hành công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu vẫn không giảm.

Năm 2003, kiểm tra 135 DN thì có 101 DN vi phạm, chiếm 75% (gồm 30 trường hợp vi phạm đo lường, 31/69 mẫu xăng không đạt chất lượng). Năm 2004, kiểm tra phát hiện 23/74 DN vi phạm (9 trường hợp vi phạm về đo lường, 4/10 mẫu xăng không đạt chất lượng).

Năm 2005 phát hiện có 52/100 DN vi phạm (7 trường hợp vi phạm đo lường, 24/25 mẫu xăng không đạt chất lượng). Cơ quan chức năng đã bắt quả tang có nơi đã “rút ruột” đến 12,9% lượng xăng bán lẻ cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas), tuy chưa khảo sát (vì không có kinh phí) nhưng có cơ sở khẳng định các mặt hàng ngoài xăng như dầu hỏa, dầu DO đang bán trên thị trường cũng có tình trạng gian lận tương tự.

Ngày 23/10, ông Nguyễn Xuân Phúc, phó chủ nhiệm Vinastas đã có công văn số 293 gửi Bộ trưởng Thương mại và Bộ Khoa học- Công nghệ, theo đó Vinastas đề xuất lãnh đạo hai Bộ nói trên một số giải pháp như : Sớm quy định việc bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn VN TCVN 6776-2005, nên phân ra hai loại xăng M92, M95 hoặc M92, M97 bởi qua phân tích, Vinastas nhận thấy việc phân loại xăng như trong TCVN 6776-2005 theo 2 loại M90, M92 là quá gần và là khe hở cho gian lận thương mại.

Nhà nước cần có biện pháp thích hợp kiểm soát độ chính xác của các phương tiện bán xăng, thậm chí nên lắp đặt dụng cụ đo đối chứng tại các cửa hàng bán lẻ.

Ngoài ra, Nhà nước cần tuyên truyền hướng dẫn cho người tiêu dùng cách phân biệt cơ bản các loại xăng cũng như sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp lý quy định các biện pháp chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe.

MỚI - NÓNG